Cứ vào cuối tháng 2 đầu tháng 3, trong tiết trời giao mùa, trên các con phố lại xuất hiện những gánh hàng chở đầy hoa bưởi trắng tinh khôi như một nét rất riêng của Hà Nội. Không chỉ được người dân Thủ đô ưa thích để trưng bày trong nhà, hoa bưởi còn là nguyên liệu đáng quý để những người nghệ nhân lưu giữ hương vị trà thanh tao đất Bắc.
Những xe hoa từ lâu đã trở thành một phần quan trọng của Hà Nội. Cứ vào độ cuối tháng Giêng đầu tháng Hai âm lịch, chẳng phải những xe hoa đủ sắc màu của hồng, ly, hướng dương ngập tràn các con phố mà thay vào đó là những xe chở hoa bưởi xuống phố. Dọc các con phố, màu hoa bưởi trắng ngà, tinh khiết, hương thơm dịu nhẹ hấp dẫn lấp ló trên những gánh hàng rong làm nên nét chấm phá rất riêng cho Thủ đô nghìn năm văn hiến.Nét chấm phá giữa phố phường
|
Hoa bưởi thơm nồng nàn những góc phố của Hà Nội. |
Thứ hoa tuy nhỏ bé nhưng lại được những người yêu hoa nâng niu một cách đặc biệt. Màu trắng của hoa bưởi tượng trưng cho sự thật thà, nét giản dị mà thanh lịch. Cứ sáng sáng ra đường, trong cái vồn vã của ngày mới, ồn ã của phố thị, hương thơm bình dị, nồng nàn mà sâu lắng ấy khiến người qua đường bỗng muốn chậm lại những guồng quay của cuộc sống. Chính vì vậy, nhiều người đặt tên gọi riêng cho hoa bưởi trong những ngày sau Tết là “mùi của Hà Nội”.
Hoa bưởi được bán nhiều nhất trên các tuyến phố cổ như Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, Hàng Lược hay Xã Đàn, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch,… Theo các thương lái, hoa bưởi được bày bán trên phố chủ yếu được nhập từ vùng ven của Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên… Để bảo đảm hoa tươi lâu và không bị dập nát, người bán thường phải thức dậy từ 4-5 giờ sáng để cắt hoa, sau đó chở xuống Hà Nội, đổ buôn tại các chợ hoặc nhập cho những xe rong.
Theo ghi nhận, năm nay thời tiết không thuận lợi, giá hoa có phần nhỉnh hơn năm trước vài chục nghìn/lạng, thế nhưng nhiều người yêu thích thứ hương hoa này vẫn chấp nhận giá đắt, tìm mua. Dường như, đây đã trở thành “thú chơi” không thể thiếu của người Hà Nội. Hào hứng tận tay chọn từng cành hoa, cô Nguyễn Thị Sang (Trung Văn, Nam Từ Liêm) cho biết: “Hằng năm cứ vào khoảng thời gian này là nhà tôi lại mua hoa bưởi để dâng lên bàn thờ tổ tiên cho ấm cúng. Ngoài ra hoa còn có thể để trưng trong nhà, vừa để làm đẹp căn nhà, vừa lưu giữ hương thơm giúp giảm bớt căng thẳng. Người Hà Nội nào mà không “nghiện” thứ hoa này, thấy hoa trên đường là thèm mua lắm. Đầu mùa hoa thường đẹp hơn, thơm hơn”.
Cũng như cô Sang, hoa bưởi cũng là loài hoa được chị Thanh Mai (quận Cầu Giấy) tìm mua. “Tôi là tín đồ của hoa bưởi. Những người chơi hoa bưởi không kể lứa tuổi, tùy theo nhu cầu mà họ chọn mua loại hoa còn nguyên cành hay loại hoa rời từng bông. Ngoài việc để trang trí tôi còn có thể để ướp trà hoặc làm những món ăn liên quan đến hoa bưởi. Trong đó, món chè hoa bưởi là món mà các con tôi và nhiều thành viên trong gia đình yêu thích”, chị Mai hào hứng.
Giữ phong vị thanh tao đất Hà Thành
Chính sự nồng nàn nhưng quá đỗi giản dị, hoa bưởi với sắc hoa trắng tinh khôi trên khắp phố phường Hà Nội đã làm không ít người phải mê đắm. Với những nghệ nhân lâu năm, hoa bưởi cũng là nguyên liệu đáng quý để lưu giữ những hương vị thanh tao của đất Thủ đô.
Những ngày hoa bưởi nở rộ cũng là thời điểm thích hợp để người Hà thành bắt tay làm trà hoa bưởi, một thức uống dễ làm xao xuyến lòng người mỗi khi được thưởng thức. Đến với gia đình của nghệ nhân Nguyễn Thị Dần (97 tuổi, phường Quảng An, quận Tây Hồ), không khó để cảm nhận không khí tất bật của những đôi tay thoăn thoắt ngắt từng cánh hoa bưởi trắng muốt suốt cả ngày.
|
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Dần (Quảng An, Tây Hồ) tâm huyết làm trà hoa bưởi. |
Là gia đình có kinh nghiệm gần một thế kỷ làm trà sen nổi tiếng ở Hà Nội, những năm trở lại đây, gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Dần “bén duyên” với việc làm trà hoa bưởi. “Sống ở Hà Nội đã lâu, giống như mọi người cứ đến tầm ra Tết, tôi cũng mua hoa bưởi về để trưng bày và thắp hương. Cách đây khoảng 3- 4 năm, khi nhìn những gánh hoa bưởi Phú Diễn, tôi tự hỏi hoa sen, hoa nhài có thể ướp thành trà, vậy tại sao không thử với hoa bưởi bởi hoa bưởi cũng có mùi hương rất đặc trưng. Nghĩ vậy tôi lấy vài cân hoa để gia đình thử nghiệm ướp trà”, bà Ngô Thị Thân (con của nghệ nhân Nguyễn Thị Dần) chia sẻ.
Thức uống thanh nhã nào cũng lắm công phu, việc làm trà hoa bưởi cũng đòi hỏi sự kiên trì và tinh tế. Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong ướp trà sen và trà hoa nhài, nhưng với hoa bưởi nó lại có những đặc tính riêng biệt. Bà Thân kể rằng, năm đầu tiên thử nghiệm, sản phẩm trà hoa bưởi của bà làm ra có vị nồng, mùi hương tương đối hắc. Không nản lòng, sau khi thử đi thử lại nhiều lần, cuối cùng “công thức” tối ưu cho thức uống trà hoa bưởi cũng được bà tìm ra. Vị trà mang đến cho người thưởng cảm giác nhẹ nhàng, mùi hương thoang thoảng, lắng đọng, thanh tao đậm chất Hà Thành.
Thời gian làm trà hoa bưởi sẽ kéo dài trong suốt mùa hoa, thông thường khoảng 20 ngày. Nếu trời lạnh sẽ kéo dài được khoảng hơn một tháng. Vì thời gian gấp rút nên trong khoảng thời gian đó, những người nghệ nhân sẽ phải làm việc hơn chục tiếng/ngày và hoàn toàn bằng thủ công. Chính vì sự cầu kì và tốn thời gian như vậy nên mỗi ngày gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Dần cũng chỉ làm được vài ki- lô- gam trà ướp hoa bưởi.
Có chứng kiến các công đoạn ướp trà mới thấy được sự kì công, tỉ mẩn của người nghệ nhân đặt vào trong từng búp trà. Một trong những yêu cầu quyết định đến chất lượng thơm ngon của trà đó là độ tươi của hoa. Do đó, hoa bưởi sau khi hái từ buổi sáng sớm sẽ được sử dụng luôn trong ngày, không được để đến ngày hôm sau. Hoa từ vùng Phú Diễn, các địa phương lân cận sau khi đưa về được tách cánh bằng tay. Những bông hoa đạt yêu cầu là hoa nở trắng tinh khôi, nụ căng, chớm nở, cánh xòe vừa tầm, không dập nát, không héo. Những cánh hoa sau khi tách sẽ ướp với trà Tân Cương, mỗi 1 kg hoa ướp được 2kg trà.
Cầu kì ở chỗ, người nghệ nhân sẽ ướp trà tỉ mỉ, mỗi lớp trà được rải một lớp cánh hoa, sau đó lại một lượt chè cho ngấm đều. Khi ướp trà hoa bưởi thì cứ 2 tiếng phải thông hoa một lần cho hương trải đều, trà không bị ẩm vì đọng hơi. Mỗi một tuần trà ướp khoảng gần 10 tiếng là vừa đủ độ ngấm hương. Sau đó lại phải nhặt từng cách hoa bỏ ra, rồi trải đều trà xuống nia, rồi mới bắc lên bếp sao lại để trà khô. Khi sao phải đến tầm, giữ cho hương hoa ngấm đều và cánh trà săn lại như lúc đầu.
“Năm nay mưa nhiều, đợt hoa đầu tiên gần như là không dùng được, phải đến đợt hoa thứ 2 trở đi gia đình tôi mới làm trà được. Làm trà ướp sạch lời lãi không nhiều, chủ yếu chỉ lấy công làm lãi. Gia đình tôi vẫn giữ nghề, truyền lửa cho những thế hệ sau gắn bó với nghề cha ông để lại. Một phần cũng là giữ lại nét tinh túy của người Hà Nội. Sau vài năm thì phản ứng của khách hàng rất tốt, không chỉ được người dân Thủ đô yêu mến, trà hoa bưởi cũng có thị trường là các tỉnh phía Nam thích thú muốn thưởng thức hương vị trà đặc trưng đất Bắc”, nghệ nhân Nguyễn Thị Dần tâm sự.
Quả thật, sự công phu nào cũng được đền đáp một cách xứng đáng. Trà hoa bưởi có những nét độc đáo riêng khiến ai đã từng nếm thử cũng cảm thấy bất ngờ bởi sự hòa quyện. Nhấp từng ngụm trà, không khó để cảm nhận trà mang một hương thơm đặc trưng của đất trời, thanh tao nhưng cũng thi vị đậm chất Kinh kỳ.
Nồng nàn hoa bưởi Hà Thành 01 Tháng Ba 2020 6:13:00 SA Cứ vào cuối tháng 2 đầu tháng 3, trong tiết trời giao mùa, trên các con phố lại xuất hiện những gánh hàng chở đầy hoa bưởi trắng tinh khôi như một nét rất riêng của Hà Nội. Không chỉ được người dân T