Một người đàn ông ngoại ngũ tuần, hàng ngày đem sức mình chăm sóc và trông nom cây dã hương 1000 năm tuổi.
Đã nhiều năm nay, dân làng Tiên Lục (Lạng Giang, Bắc Giang) vẫn quen với hình ảnh một người đàn ông ngoại ngũ tuần, hàng ngày đem sức mình chăm sóc và trông nom cây dã hương 1000 năm tuổi. Ông là Nguyễn Văn Đề - người duy nhất trong làng dám từ bỏ nghề thợ mộc để trở về làng "hầu hạ" "cụ Dã” (người dân Tiên Lục vẫn quen gọi cây dã hương là "cụ") như một "nô bộc" trung thành.
Làm thân “nô bộc” để “hối lỗi” với cây
|
Cây dã hương là biểu tượng linh thiêng của người dân làng Tiên Lục.
|
Dã hương là cây thuộc dòng long não, hoa nhỏ màu vàng nhạt, nở vào cuối mùa xuân. Các bộ phận của thân cây có chứa tinh dầu thơm, gỗ đốt thơm như hương trầm. Đặc biệt rễ cây có chứa chất Safrol - thành phần rất có giá trị trong công nghệ chế biến thực phẩm và mỹ phẩm.
|
Trước khi đến gặp ông Đề, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với một số người dân Tiên Lục ở ngã ba đầu chợ. Hơn chục người chúng tôi tiếp xúc thì đã có tới 8 người quả quyết: Muốn biết về "cụ Dã” thì nên gặp ông Đề, bởi ông là người đã gắn bó với "cụ Dã” từ lúc chập chững biết đi cho đến tận bây giờ. Bao nhiêu năm qua, ông như người "mắc nợ" "cụ" cây từ kiếp trước, cứ vác nghề mộc đi làm chưa được bao lâu lại hối hả trở về bên "cụ".
Cũng theo các cụ cao niên ở đây thì vào thế kỷ XVII - XVIII, xung quanh khu vực này là một rừng gỗ rậm rạp, từng có hổ về đây trú ngụ. Quân Pháp cũng từng về đây khai thác một số loại gỗ quý. Từ năm 1985 trở về trước, quanh khu vực "cụ Dã” sinh sống còn cả một rừng dã hương bạt ngàn. Sau này, do cuộc sống khó khăn nên người dân trong làng đã chặt hết những cây dã hương này để lấy đất trồng vải. Tuy nhiên, trong lòng đất vẫn còn rất nhiều rễ của các cây dã hương cổ thụ nên xung quanh khu vực này bây giờ có rất nhiều cây dã hương con mọc lên.
"Thời đó, nghề trồng vải và nghề thợ mộc là hai nghề chính phát triển nhất làng tôi. Tôi cũng vì mưu sinh nên cũng theo nghiệp làm mộc của cha ông. Nhưng được một thời gian thì tôi nghỉ không làm mộc nữa mà về nhà chuyển sang trồng và bán cây cảnh" - ông Đề tâm sự.
Chỉ làm mộc một thời gian ngắn nhưng trong lòng ông Đề lúc nào cũng nhói lên một nỗi dằn vặt. Bởi tuy không trực tiếp đốn hạ cây nhưng ông lại suốt ngày xẻ gỗ, đóng giường, đóng tủ… và đó cũng là điều khiến ông Đề luôn nghĩ mình đang gián tiếp tiếp tay cho lâm tặc. Nhìn những cây dã hương to lớn bị các lái buôn đốn hạ, lòng ông Đề như có dao đâm. Ông quyết định trở về quê hương cùng vợ làm ruộng, trồng cây cảnh… để mưu sinh. Và quan trọng nhất là được cận kề bên "cụ Dã”, đem chút sức mọn của mình ra "hầu hạ" và trông nom "cụ" như một sự hối lỗi của một con người có lương tri.
“Bác sĩ” và “nhà sử học” của “cụ Dã”
|
Tấm biển bằng đá đặt ngay lối vào cây dã hương.
|
Năm 1989, cây dã hương được Bộ Văn hóa - Thông tin lúc đó xếp hạng là di tích quốc gia cùng với đình Viễn Sơn và chùa Phúc Âm của làng Tiên Lục. Nhưng đến năm 2004 thì cụm di tích này mới được hỗ trợ khoảng 2 tỷ đồng để trùng tu và tôn tạo. Trong đó, ban quản lí di tích đã trích một phần để làm hàng rào sắt bảo vệ quanh gốc cây dã hương và xây hệ thống bậc tam cấp bằng bê tông để du khách gần xa đến thăm thú.
Xuất phát từ lòng yêu mến và kính trọng "cụ" cây, ông Đề đã cất công góp nhặt những câu chuyện xung quanh cuộc đời "cụ Dã” để kể lại cho khách phương xa như một hướng dẫn viên đầy tâm huyết. "Không có đoàn khách nào đến thăm cây dã hương mà người ta không gọi đến ông. Và cũng không có lần nào gọi mà ông Đề không có mặt, bất kể ốm hay khỏe, ở xa hay ở gần…" - cụ Nguyễn, 83 tuổi, nhà ở thôn Giữa cho biết.
Trước tấm chân tình của ông Đề, vào tháng 7/2005, nhân dân và chính quyền địa phương làng Tiên Lục đã chính thức mời ông vào làm thành viên của ban quản lí di tích và giao cho ông nhiệm vụ trông nom, chăm sóc… "cụ Dã” với mức lương 200 nghìn đồng/một tháng. Với ông Đề, không có mức lương đó thì ông vẫn làm những công việc đó hàng ngày.
|
Ông Đề đang chỉ cho phóng viên "vết sẹo" của trận cháy năm 1982 trên thân mình "cụ Dã".
|
Vừa trò chuyện, ông Đề vừa rụt rè lấy ra một cuốn sổ nhật kí, chi chít nét mực cho chúng tôi xem. Ông bảo: "Trong này tôi ghi lại tất cả những mẩu chuyện xung quanh cuộc đời "cụ" cây, cả những điều tôi mắt thấy tai nghe và cả những điều tôi không tài nào lý giải nổi. Bên cạnh đó là tên tuổi, bút tích… của những vị khách quan trọng đã từng đến thăm "cụ Dã”. Nhiều người vui tính gọi đây là cuốn sử về "cụ Dã” còn tôi là "nhà sử học" bất đắc dĩ!".
Ông Đề cho hay, từ năm 1945 đến nay, "cụ Dã” đã từng mấy lần gãy cành và mỗi lần gãy đều không hề có triệu chứng sâu bệnh hay mối mọt gì hết. Những lần gãy đó lại ngẫu nhiên ứng với các sự kiện trọng đại của đất nước mà đến tận bây giờ bản thân ông vẫn không thể giải thích được. "Năm 1945, gãy một cành phía Đông - Bắc. Các cụ gọi đó là cành "Lập nước" vì đó là năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Đến năm 1954 lại gãy một cành phía Tây, vì năm đó quân dân ta đã giành thắng lợi vang dội trong chiến dịch Điện Biên Phủ nên các cụ gọi đó là cành "Hòa bình". Bước qua 1964, lúc này tôi đã lớn nên còn nhớ rất rõ "cụ Dã” gãy cành phía Nam. Cành đó gọi là cành "Gây hấn" vì trong năm này Mỹ bắt đầu gây hấn ở Vịnh Bắc Bộ để lấy cớ đánh phá miền Bắc.
Năm 1975 gãy cành phía Tây trên cao, cành này ứng với sự kiện miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước nên gọi là cành "Thống nhất". Năm 1984, gãy cành phía Tây Bắc, đó là một cành đại thụ. Cành đó bình thường hướng sang phía đao đình nhưng khi rơi nó lại bỗng nhiên ngoặt ra ngoài chứ không rơi xuống đao đình. Cành đó, mọi người nhất trí gọi là cành "Đổi mới" hay "Khoán 10". Bởi nếu theo sách vở thì phải bước qua năm 1986 mới có chính sách đổi mới nhưng thực tế ở nông thôn đã chuyển mình từ năm 1984.
Năm 2006, vào 22/10, gãy cành trên ngọn, chỉ về phía Nam, đường kính của cành đó là 60cm. Hôm đó trên tỉnh có gọi điện về báo sắp có một đoàn đại biểu từ Trung ương về thăm cây và đề nghị chúng tôi chuẩn bị đón tiếp. Khi đoàn chuẩn bị về thì cành đó bỗng nhiên gãy vào đúng 3 giờ 5 phút chiều. Khi chúng tôi dọn dẹp xong thì đoàn khách cũng vừa về đến nơi. Và cũng theo gương các cụ, chúng tôi để ý xem năm đó nước mình có sự kiện gì xảy ra thì vào đúng tháng 11, Việt Nam được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận là thành viên chính thức WTO, cành đó được đặt tên là cành "Hội nhập"" - nhật kí ông Đề ghi rõ.
Không chỉ viết sử, ông Đề còn là một "bác sĩ" khá am tường trong việc bắt mạch sức khỏe "cụ Dã”. Ông còn nhớ, năm 1984, bướm vàng từ khắp nơi về "tụ hội" trên cây dã hương rất đông. Nhìn đàn bướm vàng rất đẹp nhưng ông Đề có linh cảm sắp có một điều gì đó không lành. Được mấy ngày sau thì lá cây bắt đầu ngả màu. Quan sát kỹ ông nhận định "cụ" cây đang bị loài sâu cước hoành hành. Lập tức ông thông báo cho chính quyền xã nhưng mãi vẫn chẳng thấy họ động tĩnh gì.
Quá nôn nóng, ông phải lên "to tiếng" với ban khuyến nông xã thì mấy ngày sau người của khuyến nông huyện mới về. Lúc này "giặc" sâu cước đã ăn gần như trụi lá cây dã hương. Ban khuyến nông huyện cho phun thuốc diệt sâu. Sâu chết rơi xuống sân nhiều đến độ, ông Đề nhặt cho vào tải cân lên được những 20kg. Năm 2007, nạn "giặc" sâu cước lại tiếp diễn, lần này phun thuốc xong cũng "thu hoạch" được hơn 10kg sâu cước.
Ông Đề chia sẻ, người đến xem cây có người rất có ý thức nhưng cũng có người rất vô ý thức. Xem đã đời nhưng vẫn chưa thỏa mãn, nhiều người còn muốn cạo vỏ, vặt cành để được ngửi mùi thơm. Những lúc này, ông phải kè kè bên cạnh họ, bởi ai cũng làm như thế sẽ không còn "cụ Dã” nữa. "Đợt rồi có một "đại gia" ở Bắc Ninh đến đây đặt mua các cành khô của "cụ" nhưng tôi bảo đây là di tích văn hóa cấp quốc gia nên ngay cả mua lá cây cũng không đơn giản. Cũng có kẻ đến gạ tôi mua cành khô đã gãy xuống với mức giá rất cao nhưng tôi trả lời, chốn này không phải để mua bán" - ông Đề thật lòng kể.
"Cụ" mất là làng mất lộc
Ông Đề bảo, sắc phong vua ban cho "cụ Dã” hiện không còn nhưng trong ngọc phả của làng hiện vẫn còn ghi rõ: Thời Cảnh Hưng (1740-1786), vua Lê khi đi ngang qua thôn, thấy cây dã hương to, đẹp, đã sắc phong cho cây là "Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương". Nghĩa là từ hồi đó, "cụ Dã” đã là một cây dã hương to đẹp nhất nước rồi. Sau này, có rất nhiều đoàn khoa học đến đo đạc để nghiên cứu tuổi của cụ cây, nhưng họ vẫn chưa tìm ra độ tuổi chính xác. Từ bấy đến nay, người dân trong làng vẫn quen gọi "cụ Dã” là "cụ cây nghìn năm tuổi”.
Cũng theo các cụ xưa truyền lại thì vào thế kỷ XVI, ngôi đình ngay cạnh "cụ Dã” bị phá. Đến thế kỷ XVII thì mới làm lại. Có khả năng vua Lê về thăm đình này rồi về thăm cây nên mới có sắc phong. "Từng có nhiều thầy phong thủy về đây xem và nói: ở phía Tây của "cụ Dã” có một hòn đá. Theo tôi nghĩ, khả năng trước đây có hòn đá để thờ ở đó" - ông Đề nói.
Và một điều ngẫu nhiên nữa là trong 6 vị thành hoàng của làng, hiện được thờ rải rác trong các miếu thì vị thành hoàng thứ 5 lại có tên húy khá gần với tên do vua Lê sắc phong cho cây dã hương. Nhiều nhà khoa học từng phỏng đoán rằng, trước đây, ở khu vực này từng tồn tại tục thờ linh vật.
Chính vì lẽ đó người dân thôn Giữa và cả làng Tiên Lục đều xem cây là cây lộc của cả làng. Cây còn xanh tốt thì dân còn ăn lên làm ra. Cũng bởi thế, nhiệm vụ của ông Đề lại càng nặng nề hơn, lỡ sơ xuất để "cụ" có mệnh hệ gì là ông mắc lỗi với dân làng.
"Có một điều mà bao năm qua, từ người già đến người trẻ làng tôi không thể giải thích được đó là trong những năm chiến tranh chống Mỹ, ác liệt như thế nhưng làng không hề dính một tí bom đạn nào, trong khi các xã lân cận thì bị địch đánh tơi bời. Mặc dù ngay tại gốc cây dã hương có một khu giao ban quân sự, năm 1966, 1967 có một đơn vị bộ đội đóng ở đó. Rất nhiều đơn vị bộ đội tập kết về đây đều rất an toàn. Vì vậy, chúng tôi có thể tự hào rằng đây là miền đất lành hay miền đất thiêng" - ông Đề kể .
|
Đình Chung
(Giadinh.net, 3/2/2011)