TTXuân - Đoàn thám hiểm Hiệp ước quốc tế về Nam Cực (IATE) 2009 có mặt tại Nam Cực để đánh dấu 50 năm ký kết Hiệp ước Nam Cực, hiệp ước quốc tế cam kết gìn giữ châu lục này khỏi các hoạt động khai thác. Sáu nhân vật đại diện VN tham dự chuyến đi này đã chọn sáu bức ảnh tâm đắc nhất của mình, và qua đó muốn nhắn gửi đôi điều...
Băng trôi và những bức ảnh
Khi chuẩn bị lên đường, tôi đã chuẩn bị tinh thần cho một câu hỏi mà tôi chắc khi trở về rất nhiều người sẽ hỏi: có thấy Nam Cực khác gì so với 12 năm trước? Tôi đã nghĩ cả một Nam Cực chỉ toàn băng với tuyết, làm sao mắt thường có thể nhận ra sự khác biệt.
Tôi vốn thích trời lạnh, thích ăn đá. Băng tuyết luôn làm tôi mê mẩn nên Nam Cực đúng là thiên đường của tôi. Những tảng băng trôi đủ hình thù, đủ kích cỡ, tùy theo tuổi mà màu sắc rất khác nhau, từ trắng tinh đến xanh biếc hay trong suốt như pha lê.
Tôi cứ mê mải nhìn ngắm và tưởng tượng ra tảng này giống con cá voi, tảng kia giống cổng làng, có những tảng băng khổng lồ chạy dài như Vạn lý trường thành. Tôi chụp ảnh lia lịa dù biết rằng những bức ảnh chụp bằng máy ảnh nhỏ xíu sẽ chẳng cách nào lột tả được vẻ đẹp kỳ diệu của những tảng băng.
Một lần khi chúng tôi ngồi trên xuồng cao su đi thăm một khu vịnh đẹp như tranh vẽ, thình lình một khối băng rất lớn đổ sụt xuống biển. Tiếng động lớn phá tan không gian tĩnh mịch, sóng dềnh lên cả một vùng biển vốn đang lặng như gương. Tôi thường nghe nói về băng tan Nam Cực những năm gần đây, do nhiệt độ tăng lên. Nhưng từ việc nghe nói đến việc được tận mắt chứng kiến là hoàn toàn khác nhau. Tất cả chúng tôi đều thấy rúng động. Tôi cố chụp một bức ảnh.
Không biết người xem có nhận ra đây là bức ảnh băng tan? Nhưng lúc đó tôi biết mình sẽ nói gì khi mọi người hỏi Nam Cực có khác gì so với 12 năm trước.
HOÀNG THỊ MINH HỒNG (Giám đốc PR Công ty Venus)
Tôi và chim cánh cụt
“Hai đứa” cách nhau chỉ có vài mét. Chú chim cánh cụt lạc loài đang đứng bơ vơ ngay cạnh khu lều trại của đoàn thám hiểm. Nó gây tò mò cho chúng tôi, vì chim cánh cụt ít khi đi một mình. Tôi có lẽ là người có trang phục hài hước nhất mà nó từng thấy ở châu lục thiếu màu sắc này, với chiếc áo bảy sắc cầu vồng và cái mũ len chỏm nhọn. Bức ảnh do chị Minh Hồng chụp, khá ngẫu hứng, về mặt kỹ thuật chụp ảnh chắc không đạt được điểm cao.
Nhưng mỗi khi nhìn nó, cảm giác bình yên trong đêm trắng bao la của Nam Cực lại trở về. Tôi chưa từng tới nơi nào yên tĩnh như thế, chưa từng ở trong một không gian kỳ vĩ và trong trẻo như thế. Xung quanh là biển, núi, băng. Và chú chim cánh cụt này đứng đấy hoàn toàn tin cậy, như biết chắc rằng con người này sẽ không làm gì tổn hại nó.
Bức ảnh nhắc tôi nhớ đến một đêm không thể nào quên ở Nam Cực và nhắc tôi phải làm một điều gì đó khi trở về để những chú chim cánh cụt này đừng bao giờ bị tổn hại.
NGUYỄN LAN ANH (Phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị)
Tắt một ngọn đèn
Tại bán đảo Nam Cực có một E-base - trung tâm giáo dục môi trường đầu tiên ở Nam Cực - của Tổ chức 2041. Không chỉ tuân thủ những quy định nghiêm ngặt khi “có mặt” tại Nam Cực, ngôi nhà này hoàn toàn sử dụng năng lượng gió và mặt trời. “Chúng tôi muốn chứng minh nếu chúng tôi có thể sống bằng năng lượng tái tạo ở Nam Cực thì bất cứ đâu trên thế giới này cũng đều có thể” - ông Robert Swan, đặc phái viên UNESCO, nhà thám hiểm tiên phong trong lĩnh vực môi trường, nói.
Đừng nghĩ việc cứu lấy hành tinh này là trách nhiệm của các nhà khoa học, những nhà hoạt động môi trường và các nhà lãnh đạo. Bất kỳ ai cũng có thể góp phần trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và làm cho hành tinh chúng ta khỏe mạnh và bền vững, dù đó có thể chỉ là một việc nhỏ như tắt đi một ngọn đèn.
NGUYỄN THỊ PHƯƠNG NGÂN (Cán bộ giáo dục môi trường WWF Việt Nam)
Một khoảnh khắc
Giữa Nam Cực hoang sơ, không tiếng còi xe máy, xe hơi... bỗng dưng một tiếng rầm vẳng tới làm mọi người giật mình, thảng thốt. Định thần lại mới biết một tảng băng vừa sụp đổ. Tôi nhớ mãi gương mặt và ánh mắt của một số bạn trong đoàn lúc đó. Trong chuyến đi ông Robert Swan đã có lần dặn dò: “Các bạn rất may mắn có mặt ở đây, nhưng sự may mắn gắn liền với trách nhiệm của từng người đối với các hoạt động bảo vệ môi trường”. Khoảnh khắc đó vì thế đã làm tôi giật mình hoảng hốt về những sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của bao nhiêu người xung quanh đối với việc gìn giữ môi trường.
Có lẽ ông Robert Swan đã không phải thất vọng vì từ khi trở về, dù thời gian rất ngắn, nhưng nhiều thành viên trong đoàn đã tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường. Rất nhiều thành viên các nước đã nhanh chóng rời Nam Cực mang theo thông điệp gửi đến Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen, các thành viên ở London đã tham gia ngày lễ thắp nến do 350.org tổ chức ngày 12-12.
Đoàn Việt Nam đang cùng nhau xây dựng bảng kế hoạch hành động cụ thể cho các hoạt động của đoàn. Chúng tôi thấy, chúng tôi nghe và chúng tôi đã hứa cùng nhau thay đổi cách sống cũ, kêu gọi mọi người cùng tìm giải pháp và hành động cụ thể để gìn giữ môi trường này.
NGUYỄN PHƯƠNG ANH (Nhà kinh doanh độc lập)
Nghĩa địa cá voi
Đảo Deception thực chất là đỉnh của một ngọn núi lửa đang ngưng hoạt động. Từ vệ tinh nhìn xuống có thể thấy vị trí của miệng núi đã từng phun nham thạch. Ngay bây giờ, giữa lòng bán đảo Nam Cực lạnh giá, nếu bạn đào đất lên, chỉ cần 10cm, sẽ thấy nước ấm ngay dưới lòng đất.
Đảo được bao quanh bởi rặng núi dài, cao và hiểm trở. Để vào đảo chỉ có một lối nhỏ, nếu không cẩn thận tàu thuyền có thể mắc cạn. Đây cũng là nơi trước đây người ta dùng làm chỗ giết và nấu mỡ cá voi. Hàng triệu con cá voi đã bị giết chết ở đây để lấy mỡ và thịt. Chúng tôi đã chia nhóm để cùng nhau tới đỉnh Nipple. Đường leo lên rất gió, trong khi tuyết lún sâu dưới chân, vậy mà nhiều lúc cứ sợ gió thổi bay mất. Nhưng tất cả gian nan đó cũng không làm ai rúng động như khi nhìn thấy những đống xương, những nghĩa địa cá voi đã tồn tại hàng trăm năm, do điều kiện khí hậu lạnh tất cả không bị phân hủy.
Cảnh tượng hùng vĩ và lịch sử của hòn đảo đã ám ảnh và nhắc nhở chúng tôi: không phải chúng ta bảo vệ môi trường để giữ cho Trái đất sống. Trái đất sẽ sống dù có hoặc không có con người. Chúng ta bảo vệ môi trường để duy trì sự sống của loài người trên Trái đất này.
NGUYỄN THỊ THU THỦY (Giám đốc Trường Quốc tế Úc - Sài Gòn)
Phút chiêm nghiệm
Ngày thứ chín của chuyến đi, chúng tôi đến vịnh Paradise. Trên đường lên núi, tôi đi qua một triền núi băng trải dài vài kilômet thành một đường thẳng chia cắt triền núi tuyết phủ trắng với nước biển màu đen sậm. Dưới ánh mặt trời, những đỉnh núi băng ngút ngát tầm mắt. Chưa bao giờ tôi được ở giữa thiên nhiên kỳ vĩ đến thế. Tôi ngồi lặng một lúc lâu, cho đến khi Caroline Koiter, thành viên đến từ Hà Lan, mẹ của hai đứa con, đi từ trên núi xuống gọi: “Tuấn!”.
Tôi vẫy cô tới: “Hãy ngồi xuống đây vài phút, nghĩ về cuộc sống, cái chết và mục đích cuộc sống của mình”. Caroline nghe lời, ngồi xuống, yên lặng suy ngẫm ngay trên băng tuyết. John Lock, nhiếp ảnh gia của đoàn, đã chớp được giây phút tĩnh tâm giữa băng giá, chiêm nghiệm về giá trị cuộc sống. Bức ảnh này được đưa vào bộ ảnh chính thức của đoàn.
Cuối chuyến đi, chúng tôi đã hứa sẽ cùng nhau hành động, có thể bằng nhiều việc khác nhau nhưng tất cả hướng về một tương lai để bảo vệ Trái đất này.
LÊ TUẤN (Chủ tịch hội đồng quản trị VC Invest)
Hiệp ước quốc tế Nam Cực (được ký kết vào ngày 1-12-1959 và có hiệu lực từ ngày 23-6-1961) nhấn mạnh: Nam Cực không thuộc một quốc gia nào, được dành riêng cho hòa bình và khoa học, cần được bảo vệ khỏi mọi hoạt động khai thác; bao gồm nghị định thư về môi trường, các phụ lục về việc bảo tồn động thực vật và bảo vệ môi trường ở nơi này, cũng như nghiêm cấm các hành động khai thác khoáng sản.
Từ 12 nước đầu tiên, đến nay đã có 47 nước tham gia Hiệp ước quốc tế Nam Cực.
|
(Tuổi Trẻ, 15/2/2010)