quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Những lý lẽ của Thiên nhiên: 5 bài phần 1

Thứ Hai, 02/10/2023 | 03:56:00 PM

(VACNE) – Như bài trước chúng tôi đã đưa ra bài đề dẫn về loạt bài chuyên đề “35 ý tưởng triết lý môi trường”. Trong bài này chúng tôi đưa ra 5 bài đầu trong mục Những lý lẽ của Thiên nhiên gồm (1) Cái lí của nước, (2) Cái lí của đá, (3) Cái lí của cây cối, (4) Cái lí của hòn cuội và (5) Cái lí của vùng savan bán khô hạn.

Bài 1: Cái lí của nước

Nước là lực sáng tạo hùng mạnh nhất trong tự nhiên. Cái lí của nước ảnh hưởng mạnh đến lối sống.

1. Người ta ai cũng nói nước là máu của sự sống: nước chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể sinh vật kể cả người; nước chính là một hệ sinh thái cho hàng triệu loài sinh vật sinh cư rồi chết đi trong lịch sử hàng tỷ năm của trái đất; nước tưới ruộng và cây trồng; nước dùng cho sản xuất công nghiệp; nước để ăn uống; nước cải tạo vi khí hậu và tạo ra cảnh quan sông suối hồ thác cho du lịch, cho nhạc sĩ sáng tác ca khúc, cho thi nhân làm thơ; sông hồ còn là nơi thuyền bè đi lại, là nơi nuôi trồng thủy sản; rằng tóm lại không có nước thì không có sự sống. Nhiều thi nhân còn nói không có nước không có cả tình yêu nữa: “Mắt ai như giọt nước lành, ta như cơn khát một mình không vơi”. Quá đúng!

Biết nước là quan trọng đến thế sao người ta cứ dùng nước lãng phí, dùng 1 thì làm ô nhiễm 10? Vấn đề là những hiểu biết trên mới chỉ đụng đến cái giá trị sử dụng của nước, chưa phải là cái lí của nước.

2. Cái lí đầu tiên của nước là… nước chẳng là gì cả. Nước luôn chiếm chỗ thấp nhất trong tự nhiên, chảy được thì chảy vào chỗ trũng nhất, ngấm được thì theo khe nứt mà ngấm xuống chỗ sâu nhất. Có được cái lí này vì nước không có hình thù gì cả: nước là loài “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, vì khối nước không có hình dạng riêng mà lấy hình dạng của cái chứa nước. Chính vì đặc điểm này mà người ta phải tốn công tốn của để giữ nước trên một cái gì đó, chứa nước trong một cái gì đó. Và khi “cái gì đó” vỡ thì là tai họa, ví dụ vỡ đê hay đập.

3. Cái lí thứ hai cũng xuất phát từ cái lí thứ nhất. Do luôn chảy chỗ trũng mà nước bào mòn địa hình, san phẳng núi non, biến núi cao thành các “bề mặt san bằng”, nước vận chuyển vật liệu vụn để lấp đầy các địa hình trũng tạo ra các dải đồng bằng. Các nhà địa chất nói nếu trái đất không cựa quậy thì sau 10 triệu năm địa hình bề mặt trái đất trở nên bằng phẳng nhờ công của nước. Nước làm phân rã các tầng đá và mài mòn các khối đá thành cuội sỏi. Nước hóa ra có năng lượng ghê gớm thật!

4. Nhưng thực ra nước không có năng lượng riêng. Nó lấy năng lượng từ sức hút trái đất (cái gọi là lực trọng trường), từ gió, từ động đất rồi nhanh chóng chuyển năng lượng đó vào các đối tượng mà nó chảy qua khiến các đối tượng đó nhanh chóng bị xói mòn và sụp đổ. Nhờ đó, khi giàu năng lượng, nó tạo ra sóng thần hay sóng vỗ bờ làm mài mòn bãi biển, tạo ra các dòng cuồng lưu, các dòng thác lũ. Vật liệu hòa tan trong nước (ví dụ oxy hay axit) có thể làm tăng khả năng bào mòn hay xói lở của nước. Nhưng nước không thích giữ các vật liệu đó, nó muốn trong và sạch như bản chất hóa học của nó để yên thân trong các thủy vực tự nhiên. Khi truyền hết năng lượng cho các đối tượng bị nó phá hủy, nước lại hiền khô bẽn lẽn như … nước. Vì nước không giữ năng lượng nên rất khó nén ép nước: bạn thử đựng nước vào bịch ni lông rồi cố nén nó xem có được không: toàn bộ lực nén sẽ được truyền ngay vào cái vỏ túi khiến cái túi nhanh chóng nứt toác. Chính điều này khiến cho các kè bờ sông bờ biển không giúp triệt tiêu được năng lượng nước, nên nước hoặc phá đổ đê kè hay chuyển sang gây xói lở các đoạn bờ không có đê kè. Xét trên bình diện này thì đê kè chỉ là cấu trúc chuyển tai họa sang các đoạn bờ không có đê kè mà thôi.

5. Nói tóm lại cái lí của nước là ở chỗ vì nó rất hiền nên nó có thể rất dữ, vì nó ở chỗ thấp nên nó có thể tàn phá tất cả những thứ ở độ cao bên trên mực nước biển; nó không trữ năng lượng nên khi nó được nạp năng lượng bởi gió hay độ cao hay động đất, nó tìm cách xả ngay năng lượng để tàn phá, để bào mòn, để xói lở, để san phẳng các chướng ngại trên đường đi xuống chỗ thấp, hoặc để … phát điện. Nó không là gì nên nó là tất cả. Nó là đấng sáng tạo ra thế giới sống này. Do đó nước và thủy vực tự nhiên cần phải được kính trọng và dè chừng. Nếu không tin, bạn hãy xem những chỗ con người can thiệp vào chúng xem! Nước giận dữ còn hơn cả lửa cháy. Các cụ ta vẫn nói “Thủy Hỏa Đạo tặc”, rồi lại nói “Dân như nước”, người Việt kính trọng gọi nước là Thánh Mẫu (Mẫu / Bà / Thủy hay Bà Thoải) cũng là có ý đó.

6. Các thiền giả “quán tưởng” về nước mà ngộ ra các nguyên lí Thực tại. Đó cũng là lí do tại sao người ta rất thích ngắm cảnh sông hồ, dù có người chẳng ngộ được gì nhưng vẫn thấy tâm hồn thanh thản. Bởi nước vốn chẳng là gì nên nó là mọi thứ. Nó rất yếu ớt nên nó rất dữ dằn, Một số zenpark (vườn thiền) ở Nhật làm một cái thác nước giả bé tí tẹo rồi bán vé cho du khách đến ngồi lặng im nghe nước nhỏ róc rách. Chỉ có thế mà khách đông nghịt.

7. Người Việt chúng ta gọi Tổ Quốc là Đất Nước, chẳng đúng lắm sao! Xem ra bảo vệ được môi trường nước có vẻ là hoàn thành đến 50% nhiệm vụ bảo vệ Đất Nước rồi. Tuy nhiên lí do không chỉ ở tầm quan trọng hay khối lượng vĩ đại của nó trên Trái đất (thủy quyển chiếm ¾ bề mặt Địa cầu), mà còn ở cái lí của nó.

 

Bài 2: Cái lí của đá

Đá sống rất lâu. Cả trăm triệu tuổi đá vẫn chưa được gọi là già. Đá không biết nói dối. Bằng ngôn ngữ không có lời, đá nói rất nhiều về những quy luật của tạo hóa.

1. Đá là vật vô tri vô giác? Không đúng! Đá có cuộc sống và ngôn ngữ của riêng mình. Các nhà địa chất vẫn nói đá là trang sử của Trái đất. Nhờ đá mà họ đọc được lịch sử Trái đất gần 4,5 tỷ năm với bao giai đoạn thăng trầm. Qua nghiên cứu các hóa thạch trong đá mà họ biết rõ sự sống trên Trái đất xuất hiện khi nào và ra sao; khi nào sự sống lò dò lên cạn; khi nào Khủng long xuất hiện rồi biến mất và khi nào con người xuất hiện và thống trị Địa cầu; rồi khi nào một đại dương, một dải núi xuất hiện rồi biến mất, rồi các lục địa trôi dạt đi đâu,…Cũng dựa vào đá mà nhà địa chất biết tuổi tính theo năm của một tầng đá, một khối đá là bao nhiêu dựa vào các đồng vị phóng xạ hay cổ từ tính có trong đá. Chỉ có quan niệm về thời gian là điều khác biệt với con người ở chỗ một triệu năm, thậm chí mười triệu năm đối với đá cũng chỉ là một cái chớp mắt. Bởi vì tuổi của một tầng đá có thể hàng trăm triệu, thậm chí vài ba tỷ năm. Sống lâu nên “cụ” đá biết lắm chuyện và có lắm cái lí của “cụ”.

2. Cái lí hàng đầu của đá là ở chỗ đá sống rất dai nên chứng kiến sự thiên di của nhiều sự kiện mà con người rất khó hiểu cho đúng. Với cuộc sống mỗi con người quá lắm là 100 năm, một triều đại là 200 – 300 năm, một quốc gia là vài ba ngàn năm, một nền văn minh là 4 - 5 ngàn năm, con người lúc nào cũng nghĩ về, và ao ước sự bất tử, lúc nào cũng ao ước rằng dẫu có chết thì cũng phải để lại “cái danh” cho đời. Theo cái lí của đá thì những ao ước ấy của con người cũng giống cái ao ước được bất tử của một con khủng long 100 triệu năm trước, hay ao ước để lại danh của một con bọ ba thùy sống ở kỷ Cambri cách ngày này chừng 500 triệu năm. Vào thời đại của chúng, chúng là loài sinh vật hùng mạnh nhất trên Trái đất, giống như loài người ngày nay vậy. Thế giới biến đổi vô thường. Vì đá sống dai nên đá hiểu rất rõ “cái sự” đó. Rằng con người tốn nhiều năng lượng, nhiều thời gian, nhiều cuộc đời và rất nhiều sinh mạng cho những “cái sự’ không đâu vào đâu cả! Vài chục triệu năm nữa thế giới này liệu có thể hiểu được cái loài tên là con người (Homo sapiens) vốn hay cô đơn và giỏi tưởng tượng, đã tự huyễn hoặc mình thế nào?

3. Tự thân đá là một kho năng lượng. Đá là một tập hợp tự nhiên của các khoáng vật tạo đá. Đại bộ phận các loại khoáng vật tạo đá đều được kết tinh từ những khối magma nóng chảy từ dưới tầng sâu của trái đất trồi lên, một số khoáng vật hình thành trong các bồn trầm tích trên mặt đất sau đó bị nén sâu trong lòng đất rồi biến đổi. Năng lượng Trái đất truyền vào trong các mạng tinh thể của khoáng vật hoặc vào chính cấu trúc các tầng đá. Khi trồi lên trên mặt đất, các khối đá vẫn tích đầy năng lượng. Nhờ năng lượng nhận được từ Trái đất mà đá dâng cao thành núi. Núi ở khắp nơi, đá do đó cũng hiện diện khắp hành tinh này.

Đá “xả” dần năng lượng bằng cách phân rã để tạo ra các sản phẩm vỏ phong hóa mềm bở và ít năng lượng hơn. Bằng cách đó, đá cũng chết như bất cứ sinh vật nào có sinh có diệt. Năng lượng được đá xả ra sẽ đi đâu? Liệu có sinh vật nào hấp thụ được loại năng lượng kì bí này? Vấn đề này vẫn còn nằm ngoài khoa học. Nhiều ngôi chùa hay thiền viện thường được xây cất trên đỉnh núi tại đó các thầy tu ăn uống đạm bạc nhưng rất khỏe mạnh. Bà con miền núi có cuộc sống vất vả nhưng họ chiếm tỷ lệ cao những người thọ lâu nhất. Liệu năng lượng “xả” ra từ các tầng đá có tác dụng gì với họ không? Tại sao con người mỗi khi đến những cảnh quan có núi đá, rừng cây và mặt nước họ lại luôn cảm thấy thanh thản và nhân hậu hơn?

4. Các khối đá trông có vẻ trầm mặc. Người ta thường mang các khối đá về dựng trong vườn để tưởng tượng về sự ổn định, về sự vĩnh cửu, về sự can trường và thẳng thắn. Thực ra đấy chỉ là những tính cách con người gán cho đá. Đá chỉ đứng đó để phô bày các nguyên lí thực tại một cách khô khan và lặng lẽ. Bạn cứ ngắm một khối đá trong tĩnh lặng, bạn sẽ thấy đá cũng vô thường như mọi thứ khác trên đời. Nước chảy đá mòn. Đôi khi từ một khe nứt nhỏ, nhô lên một nhành cây, một khóm cỏ. Tất cả chỉ để nói lên một điều rằng, mọi thứ đều đang biến dịch, vấn đề chỉ là nhanh hay chậm thôi.

Kẽ đá xù xì dưới gốc thông già,

Nhành mẫu đơn mới nhú,

Khẽ hát tình ca.

5. Đá là đối tượng ít được quan tâm bảo tồn nhất. Có lẽ gần đây các cảnh quan đá trong công viên địa chất mới bước đầu được quan tâm bảo tồn. Những vỉa đá dày đặc hóa thạch – trang sử của thế giới sống cổ xưa, các tầng đá có giá trị nghiên cứu khoa học, các miệng núi lửa cổ, các di tích đại dương cổ, di tích của các đới hút chìm, các dải xáo trộn ở rìa tiêu mảng (me’langes) – nơi các mảng đại dương bị hút xuống và nóng chảy bên dưới các mảng thạch quyển khác -  ở khắp nơi đã và đang bị phá hủy mà đáng lí chúng cần được bảo tồn cho du lịch và nghiên cứu khoa học. Ở Nhật Bản, những vỉa đá, khối đá có giá trị như vậy thường được bảo vệ, thậm chí được bảo vệ bằng các hàng rào hay lưới sắt. Có những quy định pháp luật cho các hành động bảo vệ này. Thuật ngữ tiếng Anh của các đối tượng địa chất được bảo vệ này là “geosites” hoặc “geomarks” tùy theo quy mô của chúng. Không được bảo vệ, thì ngay đến đá cũng bị biến mất như chưa từng có trên đời. Các vỉa đá chứa di tích hóa thạch cá cổ 300 triệu năm tuổi ở Đồ Sơn – Hải Phòng thuộc loại quý hiếm trên thế giới đã biến mất do san ủi làm con đường ra Casino Vạn Hoa là một ví dụ điển hình. Do phát triển thiếu cân nhắc, con người đã và đang phá đi những di sản thiên nhiên quý giá có thể không bao giờ gặp lại và chắc chắn không thể nào tái tạo được. Ngay chương trình hoạt động của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng chưa có có mục nào dành cho đá, cứ như đá không phải là Thiên nhiên vậy.  

 

Bài 3: Cái lí của cây cối

Cây cối mọc tự nhiên ở đâu, ra hoa kết trái rồi chết thế nào là một câu chuyện còn nhiều kì bí. Cây cối là hoa của đất, chúng chứa đựng các nguyên lí của Thực tại.

1. Cây cối xuất hiện tự nhiên là do cơ duyên. Bạn có thể ngạc nhiên tại sao 2 cây mọc cạnh nhau, khá giống nhau về kích thước và cùng một loài nhưng một cây thì đầy rêu bám, còn một cây thì không, hoặc một cây thì bị dây leo quấn quanh, còn cây bên cạnh thì không. Trên một vỉa đá xuất hiện vài bụi cỏ chỗ này, nhưng chỗ kia thì không. Tại sao loài cây này xuất hiện ở góc rừng này mà không xuất hiện ở góc rừng kia, trong khi về mặt địa lí, thổ nhưỡng thì hai góc rừng ấy chẳng có gì khác nhau. Rồi thì còn chuyện những cây gạo mọc trong một làng ở Phú Thọ thì đầy tầm gửi bám, loại tầm gửi làm thuốc rất quý, nhưng cũng giống gạo ấy mọc ngoài làng hay ở đất làng khác thì không hề có tầm gửi; tại sao cây đa hay bóp cổ chết cây thị mà ít bóp cổ những cây khác,…

Cây cối là sinh vật có sinh có tử. Không như cây trồng được con người tuyển chọn và chăm sóc bảo vệ, những cây cỏ mọc tự nhiên là có lí do riêng, có cơ duyên riêng của chúng. Chúng mọc ở đấy là vì chúng … mọc ở đấy! Vẫn còn chưa hiểu thấu đáo những quy luật gì điều phối sự hình thành các thảm thực vật tự nhiên.

2. Vai trò của cây cối không chỉ ở giá trị sử dụng do con người áp đặt, không phải lúc nào con người cũng hiểu hết. Con người chỉ chú ý đến các loài cây có giá trị sử dụng cho con người như lấy gỗ, làm vật liệu, làm chất đốt, làm thuốc hay làm thực phẩm. Tùy theo giá trị này mà họ gọi loài cây này là quý hiếm, còn loài cây kia thì …vô tích sự. Nhưng giá trị một loài cây không chỉ là giá trị đối với riêng con người mà còn có giá trị đối với các loài cây, loài con khác. Nhiều khi chính cái giá trị đối với các loài “không - phải - con người” này lại rất quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái; mối cân bằng này nhiều khi còn quan trọng đối với con người hơn cả giá trị sử dụng của các loài được biết. Ví dụ các loài cỏ còi chuyên mọc bò lan đến trâu bò cũng khó gặm lại có vai trò rất lớn trong bảo vệ đất chống xói mòn. Bạn biết rõ cỏ may là loài vô tích sự ngoài cái chuyện bám vào quần áo người ta “Hồn anh như hoa cỏ may, một chiều cả gió bám đầy áo em”. Nhưng nó vốn là họ hàng hoang dại của cây lúa, có sức sống rất dẻo dai và hầu như không bị sâu bệnh. Biết đâu có ngày con người phải cầu đến bộ gen của loài cỏ may để cải tạo giống lúa thì sao?

Ấy vậy mà con người chỉ chăm chăm bảo tồn các loài “quý hiếm”, hầu như không ngó ngàng gì đến các loài “vô tích sự” cả. Thật là một chiến lược bảo tồn khập khiễng. Loài vô - tích - sự hay loài - có - tích - sự đều bình đẳng trong tự nhiên. Cái lí đó loài nào cũng hiểu, chỉ con người không hiểu. Nước Úc chắc ngộ được cái lí này nên họ đã tiến hành bảo tồn các trảng cây bụi tự nhiên trong khu vực đô thị, cái trảng cây toàn những loài vô - tích - sự theo quan điểm của Việt Nam hiện nay

3. Vì những điều nói trên nên cái lí lớn nhất, cái giá trị nhất của một khu bảo tồn thiên nhiên chính là ở mức độ đa dạng loài của nó. Do đó rừng tự nhiên, nhất là rừng đặc dụng là tài sản quý của bất cứ quốc gia nào. Trong các khu rừng tự nhiên còn ẩn chứa nhiều quy định của tạo hóa mà con người còn chưa chứng minh hay bác bỏ được. Ở nhiều miền rừng, bà con các dân tộc còn giữ được các khu rừng thiêng. Không ai được đụng đến rừng thiêng. Những người dân vùng Phong Nha- Kẻ Bàng trước khi thành lập Vườn Quốc gia vẫn có tục lệ khi cần lấy gì trong rừng phải làm lễ xin. Vào rừng chỉ lấy đúng và đủ cái thứ đã xin rồi về. Nhiều nơi người ta còn lưu hành những câu chuyện về việc ai đó trót chặt cây cối trong rừng thiêng, khi về ốm lăn lóc (có người bị chết), sau phải mang trả lại rừng những thứ đã lấy đi mới khỏi bệnh (?). Nhiều ngôi chùa cổ Việt Nam có các pho tượng Phật tạc bằng gỗ. Đó là di sản của tín ngưỡng cổ xưa tin rằng cây cũng là Phật, cây cũng có Phật tính như người.

Những niềm tin dân dã trên vẫn làm các nhà khoa học hoài nghi, nhưng Cà Xáy tôi mong rằng đó là sự thật, để cho những kẻ phá rừng tự nhiên và nhất là rừng đặc dụng phải biết kính trọng rừng, phải biết sợ.

4. Thiền cây - cây cối còn là đối tượng của Du lịch Thiền, còn có tên là Zentourism, một loại hình du lịch Nhật Bản mới được đưa vào và phát triển ở nước ta. Cây cối đi cùng với 2 thứ nữa là nước và núi đá để tạo thành bộ tam có tên là Tam bảo Du lịch. Mặt nước, Rừng cây và Núi đá là 3 tài sản quý hàng đầu của các loại hình du lịch gắn với thiên nhiên như Du lịch xanh, Du lịch thiên nhiên, Du lịch nghỉ dưỡng,… Cứ ở đâu có núi với rừng cây tươi tốt soi bóng vào một vực nước, biển hay hồ hay sông đều tốt, thì đã có những tiền đề cơ bản cho du lịch thiên nhiên rồi. Bởi vì du khách rất thích đến những nơi Tam bảo Du lịch, dù họ có thể không hiểu tại sao.

Tuy nhiên thiền cây lại cần có cây tự nhiên, hoặc cây trồng nhưng để tự nhiên. Nếu bạn chiêm ngắm cây bonsai hay cây cảnh được cắt tỉa trong công viên thì bạn chỉ có thể ngộ được nguyên lí “Vô sở cầu” mà thôi (xin mời đọc lại 10 nguyên lí Thực tại đăng trên web vacne.org.vn, mục Tản mạn Môi trường). Thậm chí bạn có thể bị “Tẩu hỏa nhập ma” khi chiêm ngắm những cây này. Chúng là những cây “quái thai dị dạng” theo quan điểm của tự nhiên. Còn theo quan điểm của con người thì chúng lại quá đẹp rồi.

Du khách ngắm cây trong tĩnh lặng, định tâm vào cái vỏ xù xì, vào sự phân cành, vào các bướu cây xuất hiện tại những vết sẹo do cành gãy, vào tán lá đang xanh lên hay đang rụng dần khi chuyển mùa, vào đám rêu hay dây leo trên thân cây,… Khá nhiều trong số 10 nguyên lí của Thực tại có thể được “ngộ” khi ngắm cây trong tĩnh lặng. Và cũng không cần phải có cây cổ thụ mới ngắm được, có thể ngắm bất cứ cây nào, kể cả cây bụi hay cỏ dại, miễn là cây tự nhiên.

Những nguyên lí vận hành Thực tại đầy rẫy trong thiên nhiên, đó chính là Thiền. Thiên nhiên chính là Thiền. Cây cối là một cuốn sách về Thiền học. Nếu có duyên với Thiên nhiên, bạn sẽ tìm ra cách đọc nó, khỏi cần phải đi tu.

 

Bài 4: Cái lí của hòn cuội

Hòn cuội, con đẻ của đá và nước, qua suốt cuộc hành trình từ núi ra biển, đã khẳng định rằng nó chưa hề thực sự tồn tại, nó chỉ chứng kiến sự biến dịch thôi.

1. Cuội là đá? Tất nhiên rồi, nhưng cuội còn là nước

Cuội là cục đá tròn cạnh (nếu sắc cạnh nó đã được gọi dăm). Hơn thế, chỉ những loại đá cứng mới tạo ra cuội, nếu đá mềm thì đã phân rã từ lâu rồi. Điều này chắc ai cũng biết rõ. Nhưng đá muốn thành cuội phải có nước. Nước mài mòn, tuyển chọn, vận chuyển, sắp xếp, phân loại, lắng đọng cuội ở những chỗ nước muốn. Như vậy nếu đá là người mẹ đã thai nghén ra cuội, thì nước mới đích thực là cha của cuội. Vì lẽ đó người Việt thật sai lầm khi gọi nước là Bà Thủy hay Mẫu Thủy, đáng lẽ phải gọi là Ông Thủy mới đúng.

Rất khó đoán định mẹ đá của cuội ở đâu vì cuội có khi bị vận chuyển rất xa nơi nó phát tích, nhưng nhìn cuội rất dễ đoán định tính cách ông bố nước của nó. Cách đoán định này là một “bí kíp” của một “võ môn” có tên là phép “Đánh giá nhanh môi trường”. Nếu các hòn cuội cùng một loại đá cứng như nhau thì hòn to nằm gần vùng phát tích ra cuội hơn hòn bé; hướng nghiêng của cuội chỉ ra hướng dòng dòng suối chảy từ đâu đến; nếu một bãi cuội lộn xộn các loại cuội to nhỏ khác nhau về hình dạng thì đích thực dòng suối này năm nào cũng có lũ, thủy chế thay đổi liên tục. Cuội lăn liên tục thì không bám rêu, do đó suối có cuội bám rêu thì suối ít chảy từ lâu (có lẽ do có đập nước ở đầu nguồn chăng?). Nếu cuội bẩn thỉu đầy bùn đất thì chắc chắn hay có lũ xảy ra và rừng đầu nguồn bị chặt phá. Nếu có nhiều hòn cuội bằng thạch anh trắng kích thước lớn thì bạn cố tranh thủ tìm kiếm, biết đâu bạn sẽ may mắn nhặt được cục vàng đấy…. Tất nhiên xác suất của thành công là rất …vi mô. Như vậy cuội là cuốn sách dạy bói môi trường đấy chứ !

2. Không biến đổi trong sự biến đổi

Do cuội là sự phản ảnh tính cách thất thường của nước nên nó luôn biến đổi về độ tròn, kích thước, độ cứng và cả thành phần khoáng của nó, vì nó vừa trôi theo dòng vừa bị phân rã. Vấn đề là tốc độ phân rã rất chậm mà thôi. Thực ra nó không trôi mà bị kéo lê. Trên đường bị kéo lê, nó cọ xát vào các hòn cuội hay tảng đá khác nên càng tròn nhanh hơn. Nhưng chẳng có hòn cuội nào là tròn tuyệt đối. Cuội là minh chứng cho nguyên lí “bản chất tự nhiên là gồ ghề”. Không bao giờ có hai hòn cuội giống nhau, vì lẽ đó bãi cuội thật đa dạng, thật đẹp, thật hoàn hảo vì nó không hoàn hảo tí nào, không có một hình mẫu nào cho cái gọi là bãi cuội cả. Thế mới là thiên nhiên. Nhìn hòn cuội cảm giác rằng nó không biến đổi gì. Thực ra nó không biến đổi trong sự biến đổi liên tục. Nó không thực sự tồn tại dưới một hình dạng, một kích thước hay một thành phần cố định. Hình ảnh bạn đang thấy ở nó chỉ là một thời điểm trong một chuỗi liên tục của cuộc đời lãng du của nó.

3. “Cuội học” – lí thuyết của lãng du

Bạn ra suối, thích hòn cuội nào thì lấy sơn đánh dấu vào nó. Chỉ qua một trận mưa lũ nhỏ, bạn sẽ không còn biết hòn cuội bạn thích đã trôi đi đâu. Nó có thể bị kéo lê rất xa. Nó cũng có thể bị vùi lấp đâu đó hay bị mài tròn đến mức bạn không nhận ra. Nó có thể bị cuốn vào đáy một thủy vực nào đó, bị bùn cát phủ lên rồi qua biến động địa chất mà trở thành một tầng đá cuội kết, bị giam trong đó hàng chục thậm chí hàng mấy trăm triệu năm vẫn chưa được giải phóng. Ở một hòn núi nhỏ trong thành phố Quy Nhơn có tầng cuội kết được các nhà địa chất xác định gần 1 tỷ năm tuổi. Tây Nguyên được giới địa chất coi là mảnh cổ lục địa có nguồn gốc châu Úc. Nói vậy thì các hòn cuội ở trái núi đó tại Quy Nhơn là “ngọai kiều” rồi!

Rất nhiều hòn cuội được các tay chơi đá cảnh cho là đẹp, sưu tập về trưng bày trong tủ kính, viết nhiều bài văn dài mô tả vẻ đẹp của nó, rồi bán lại cho nhau với giá cắt cổ. Ở Nam Phi trước khi người Anh sang, người ta không thấy vàng và kim cương có giá trị gì. Trẻ em chơi ngoài suối lấy các hòn cuội nhỏ bằng vàng hay kim cương ném nhau trong các trò chơi đánh trận giả. Vậy thì giá trị của cuội là do con người gán cho, chứ đã là cuội thì hòn nào cũng bình đẳng như nhau mà thôi. Vì vậy mà có người đau khổ vì cuội, suốt năm lo nơm nớp vì sợ mất trộm cuội, có đồng nào thì tích cóp để mua cuội hay đi săn cuội trên các dòng suối hiểm trở. Có người ăn cũng nghĩ về cuội, ngủ cũng mơ về cuội - có thế mới là người sành cuội, mới là người có phong cách thanh cao.

Dù là ở dạng cuội tự do hay cuội bị giam trong các tầng đá cuội kết thì cuội luôn là nhân chứng cho cảnh quan lục địa, phản ánh tích cách ông bố nước của nó. Đời cuội là một bản trường ca vô tận về lãng du. Cầm hòn cuội trên tay, nếu có duyên với nó, bạn sẽ đọc được bao nhiêu chuyện. “Cuội học” là lí thuyết của lãng du, lí thuyết của vô thường, vô sở cầu, cơ duyên, gồ ghề và bất toàn… Rất nhiều câu chuyện của cuội không khác gì câu chuyện cuộc đời một con người. Mỗi hòn cuội là thành viên của một dòng suối. Mỗi con người xem ra cũng là một hòn cuội trong dòng suối cuộc đời của mình. Nếu ngộ được “Cuội học”, chắc con người đỡ bon chen hơn, bớt tính toán làm giàu bằng cách tước đoạt của người khác, bớt thảm sát môi trường để có thể hưởng thụ cuộc sống chất lượng hơn, bớt xảo trá lừa lọc hơn, bớt xung đột và chiến tranh hơn. Quán tưởng để ngộ được các nguyên lí của Thực tại bằng cách chiêm ngắm cuội còn được gọi là “Thiền cuội”.

Thật không may là có rất ít người ngộ được “Cuội học”

 

Bài 5: Cái lí của vùng savan bán khô hạn

Trảng cỏ, xương rồng đủ loại, cây bụi chịu hạn lưa thưa, đá lộ đầu và những cồn cát trải dài mênh mông là hình ảnh của dải savan Ninh Thuận và Bắc Bình Thuận. Nhưng vùng nắng khô gió bụi này có cái lí riêng của nó.

1. Thế nào là savan? Vùng savan có thuật ngữ tiếng Anh là savanna, hoặc savannah, là một kiểu hệ sinh thái trảng cỏ xen cây bụi, với một số loài cây thân gỗ nhỏ thưa thớt, xen kẽ các khoảnh đất đá trống trọc với rất nhiều khối đá lộ đầu trơ trụi. Vùng savan ít mưa (savan Ninh Thuận có lượng ưa dưới 600 mm/năm) và mùa mưa rất ngắn, tập trung vào một thời gian ngắn trong năm (từ vài tuần đến vài tháng). Đặc trưng cơ bản nhất là lượng bốc hơi luôn cao hơn lượng mưa. Tùy theo lượng mưa mà savan được chia thành các loại savan khô hạn, savan bán khô hạn. Tùy theo nhiệt độ mà phân biệt savan khô hạn lạnh hay savan khô hạn nóng. Nhưng nhìn chung savan là vùng chuyển tiếp giữa sinh cảnh rừng và sinh cảnh hoang mạc hoặc thảo nguyên. Savan chiếm đến 20% diện tích đất liền của Trái đất, trong đó châu Phi chiếm diện tích savan lớn nhất thế giới. Ở Việt Nam savan bán khô hạn bao chiếm gần toàn bộ tỉnh Ninh thuận và phần phía bắc tỉnh Bình Thuận., đặc trưng nhất là vùng Cà Ná - Tuy Phong

2. Savan khô cằn ư? Đúng mà không thật đúng!

 Nhìn trảng cỏ, cây bụi thưa thớt, đâu cũng thầy núi đá trơ trụi, cồn cát bạt ngàn ai cũng nói savan là vùng khô cằn, nắng khô gió bụi. Đây đó đàn dê gặm xương rồng đỡ bữa. Khô cằn là quan niệm của người vùng lắm nước thừa ẩm quen nhìn sự sung túc của nhũng cánh đồng, những khu vườn, nói về vùng savan. Thực ra savan có cái lí riêng của nó.

Ở vùng savan, con người và thiên nhiên tiếp xúc trục tiếp với nhau. Nắng ra nắng, gió ra gió, trời thì rất xanh, tán cây thì rất biếc. Nhiều loài cây cỏ thật nắng mới nở hoa; thậm chí hoa cỏ thỏ phải hái cho vào cái bát dội nước sôi vào mới nở! Từng giọt nước lành, từng ngọn rau non đều được chắt chiu yêu quý. Vùng savan có rất nhiều loài cây loài con ít hay không gặp ở các vùng khác: cừu là loài chỉ nuôi được ở Ninh Thuận, rồi con dông cát, cây cỏ thỏ, cây sắc máu, cây mai còi, dương xỉ nhung, cây me, cây trang và bạt ngàn xương rồng,… Tất nhiên đa phần chúng là các loài tự nhiên đã thích nghi với vùng khô nóng, đa phần không ăn được! Từ thiên nhiên đến con người, nếu đã sinh cư được ở vùng savan thì cái gì cũng mạch lạc, cũng thẳng thớm, cũng chịu thương chịu khó. Chăn thả gia súc có sừng, trồng bông, nho, hành tỏi, thuốc lá, đánh bắt và chế biến thủy sản,… là nhũng nghề lâu đời của vùng savan Nam Trung Bộ. Vùng savan không nghèo. Nó chỉ nuôi được ít người hơn các vùng khác thôi.

3. Rừng khô cái lá cũng khô

Khô hạn tạo ra sinh cảnh rừng khô có một không hai ở nước ta. Rừng khô Phan Rang còn có một cái tên khác, đó là Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa. Mặc dù đỉnh cao nhất là Núi Chúa 1039m, nhưng phần lớn diện tích Khu Bảo tồn (KBT) là núi thấp. Từ độ cao 600m trở xuống là các cảnh quan khô hạn điển hình. Từ 600 m trở lên là rừng bán khô hạn. Đặc tính khô hạn của rừng điển hình đến mức khi đo áp lực nhả nước của cây, các chuyên gia Đức đã kinh ngạc vì tính khô hạn còn cao hơn cả nhiều vùng khô hạn điển hình của thế giới.

Trên nền thổ nhưỡng phong hoá từ đá hoa cương nghèo dinh dưỡng, lại thêm khí hậu rất khắc nghiệt nên cây cối chậm lớn, các trảng cây bụi rất phổ biến, xen kẽ với tập đoàn cây thân gỗ và... đá. Nhiều nơi trong rừng khô Phan Rang gặp các thạch lâm (rừng đá) với nhiều khối đá bị gió và nước mưa gặm mòn, tạo ra nhiều hình thù kỳ dị: hòn vọng phu, đá đu đưa, thân cây chết đứng, sư tử, voi mẹ - voi con... Trong thạch lâm, xen kẽ với các khối đá là tập đoàn cây thiên tuế, cây sắc máu và đặc biệt là cây mai. Có những nơi mai mọc thành trảng lớn (người địa phương gọi là "láng" mai) cành lá ken dày, hoa nở vàng rực. Công bằng mà nói, thạch lâm Thái An trong rừng khô còn lộng lẫy hơn, quyến rũ không kém gì Thạch Lâm của Vân Nam (Trung Quốc).

Các nhà lâm học đã kiểm kê trong Rừng khô Phan Rang có đến 1264 loài thực vật - điển hình là kim giao, thông đỏ, gụ, me, bằng lăng, thông tre lá dài, mun, trắc, hoàng đàn dẻ, trầm gió...; trên 200 loài động vật như chà vá chân đen (một loại voọc), rùa núi có đến 4 loài, cầy mực, gấu chó, gấu ngựa, cá chình suối, ếch nhái, cu li... Có những đàn chà vá chân đen đông đến 50 con.

Phía đông của rừng khô, giáp mũi Đá Vách, có một hồ nước tự nhiên trên đỉnh núi ở độ cao gần 400m. Hồ có hình tròn gần lý tưởng, đường kính khoảng 50m, bờ hồ dốc đứng và quanh năm không cạn. Sự xuất hiện một hồ nước tự nhiên trong rừng khô, lại có hình dạng “rất nhân tạo” này là điều chưa giải thích được. Vì là nguồn nước duy nhất trên đỉnh núi, nên chiều tà là lúc hàng đàn chim, thú kéo về hồ uống nước. Các tảng đá quanh hồ bị thú rừng cọ lưng làm cho nhẵn bóng. Trên bờ hồ là vài căn chòi lá dựng trên cành cây cho khách du lịch rình ngắm thú uống nước và chụp ảnh.

Phía đông, rừng khô tiếp giáp ngay với vịnh Cam Ranh. Hiếm có khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn nào lại được biển bổ sung cho nhiều món quà biển như rừng khô ở đây. Ven chân núi rừng khô là những vịnh nhỏ xinh đẹp trong xanh, có những thảm thực vật ngập mặn chen chúc trong những diện tích chật hẹp. Trên những bãi cát hẹp, ban đêm gặp hàng đàn rùa biển lên đẻ trứng...

4. Savan đi về đâu?

Savan nếu mưa nhiều hơn sẽ biến thành rừng, nếu ít mưa hơn sẽ biến thành hoang mạc. Những ai chưa biết thế nào là hoang mạc thì hãy đến savan, ngồi trên cồn cát chang chang nắng có thể tưởng tượng hoang mạc tương lai là thế nào. Ở vùng savan bán sơn địa Ninh Thuận, khi đào sâu vài ba chục cm, bên dưới lớp đất sét giàu kiềm trên mặt có thể gặp ngay lớp đất đỏ laterit, sản phẩm của giai đoạn nóng ẩm trước đó. Điều đó cho thấy savan Ninh Thuận hiện đại là sự suy thoái từ vùng đất nhiệt đới nóng ẩm nhiều mưa trước đây. Hoang mạc hóa có vai trò của con người mà trước hết là hoạt động phá rừng. Ở vùng khô hạn, rừng bị phá rất khó hồi sinh mà nhanh chóng chuyển thành savan. Vì vậy savan sinh ra còn để giáo dục con người. Hãy nhìn savan để biết sợ, để biết thay đổi hành vi. Quá khứ sẽ không vô ích vì để lại cho hiện tại các bài học đắt giá.

Hơn hẳn các vùng khác, savan lắm nắng nhiều gió là nguồn tài nguyên năng lượng vô tận. Khi các nguồn năng lượng truyền thống có nguy cơ cạn kiệt, người ta chợt “phát hiện” ra vùng đầy nắng gió này. Vùng savan khô cằn trở thành phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại, là trường học, là nơi phát triển các loại năng lượng mặt trời và gió. Thái An, cửa ngõ vào Rừng khô Phan Rang sẽ là nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2. Nhà máy điện hạt nhân số 1 đặt ở Sơn Hải phía Nam tỉnh Ninh Thuận, gần họng gió Cà Ná. Bạn thấy savan có nghèo không? Nhưng vẫn còn đó một câu hỏi: vùng savan bán khô hạn Ninh Thuận sẽ đi về đâu? Câu trả lời còn đang ở phía trước.

 

Để tham khảo thêm về các bài trong chuyên mục xin xem các link bên dưới

Bài đề dẫn “35 ý tưởng triết lý môi trường”

Dr. Cà Xáy VACNE

Lượt xem: 2654

Các tin khác

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

Văn hóa

(05/12/2024 05:16:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE