Gắn liền với lịch sử bi hùng của Côn Đảo hàng ngàn năm qua, có lẽ không ít cây bàng cổ thụ của Côn Đảo xứng danh là cây di sản Việt Nam
Nguyễn Đình Hòe VACNE
Cách ngày nay 2500 - 2000 năm, lớp cư dân đầu tiên đã có mặt tại Côn Đảo và đã có những mối quan hệ giao thương rộng rãi với các nhóm cư dân trong đất liền Nam bộ, Trung bộ Việt Nam cũng như các khu vực khác của Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Côn Đảo đi vào thư tịch lịch sử từ lâu đời, ít nhất cũng từ năm 1294 khi đoàn thuyền của nhà thám hiểm người Ý Marco Polo, gồm 14 chiếc trên đường từ Trung Hoa về nước bị một cơn bão nhấn chìm mất 8 chiếc, số còn lại đã dạt vào trú tại Côn Đảo.
Pháp chiếm Côn Đảo lúc 10 giờ sáng ngày 28 tháng 11 năm 1861, thì chỉ 2 tháng sau, ngày 1 tháng 2 năm 1862, Thủy sư đô đốc Pháp Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, đến nay là tròn 150 năm.
Bàng là nhóm cây đặc trưng cho Côn Đảo, được trồng không rõ từ năm nào. Một trong những nét độc đáo của Côn Đảo chính là hàng trăm cây bàng cổ thụ, gốc to đến bốn, năm người ôm, tập trung nhiều nhất tại khu vực nhà tù Phú Hải, đường Lê Duẩn, đường Tôn Đức Thắng. Việc các hàng bàng cổ thụ sắp xếp dọc theo các tuyến phố cho thấy có thể chúng được trồng cùng lúc với việc dựng khu nhà tù Côn Đảo.
Bàng (Terminalia catappa) thuộc họ Trâm bầu (Combretaceae) có nguồn gốc từ Ấn Độ, bán đảo Mã Lai hay New Guinea. Hạt bàng được người Côn Đảo chế biến thành món hạt rang không nơi nào có. Người ta lượm quả bàng chim ăn rụng, phơi khô chừng bốn năm nắng rồi đập vỏ tách lấy hạt. Sau đó đem rang lên cho khéo với muối hay đường.
Gắn liền với lịch sử bi hùng của Côn Đảo, có lẽ không ít cây bàng cổ thụ của Côn Đảo xứng danh là cây di sản Việt Nam