Ở làng quê thường có cây cổ thụ. Vinh dự cho những ngôi làng nào vẫn giữ được cổ thụ - được ví như những cụ già nhân từ, hiền dịu, tỏa bóng mát, che chở cho bao thế hệ người con của làng. Việc vinh danh và bảo vệ cổ thụ là vô cùng cần thiết.
Những ngôi làng “giàu” cổ thụ
Bao giờ từ trung tâm Hà Nội về vùng quê Phú Xuyên, tôi cũng đi qua cây đa Giời Ơi (thuộc địa phận xã Phúc Tiến), được công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2017. Đây là cây đa đã gắn bó suốt từ thời ông nội, bố tôi và đến lứa chúng tôi. Nhất là trong thời cắp sách. Đến khi về làng, cây đa trước đình cũng luôn hiền từ đón chúng tôi bằng một “gương mặt” bời bời diệp lục. Nơi này năm xưa, những người làng tôi đã đến tiễn những người con ra trận, đánh giặc. Rồi cũng dưới gốc đa làng, người làng lại đón những người con may mắn trở về. Trong đó có người là thương binh nặng. Họ đã không tiếc sức mình, xương máu, làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hòa bình, họ trở về báo công với tổ tiên, với gốc đa linh thiêng che chở cho mái đình khỏi dính đạn trong những năm giặc càn.
Cổ thụ ở Tiên Dược, Sóc Sơn, Hà Nội
Sinh ra ở thời bình, chúng tôi yêu lắm những cổ thụ như thế. Rồi sau này đi công tác, đến nhiều nơi, tôi đều nhận ra cổ thụ có một đời sống văn hóa bền chặt, gắn bó máu thịt với con người ở nơi đó. Xưa các cụ có câu ca về một nét văn hóa của làng, là “Cây đa, bến nước, sân đình”. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Chưa đủ bởi nhiều ngôi làng không chỉ có đa. Nhiều nơi có duối, si, sanh, táo, lộc vừng, muỗm, dã hương, lim… Những lão cây có tuổi đời vài trăm năm, thậm chí 700 năm, chứng kiến biết bao sự đổi thay của một làng, một vùng đất.
Trong địa bàn Hà Nội, nhiều ngôi làng có từ ba cổ thụ trở lên, trở thành những di sản độc đáo. Như xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì), nơi có 24 cổ thụ, trong đó có cây tới hơn 700 tuổi. Những cây cổ thụ thấp thoáng bên những ngôi nhà tầng mới xây, đặc biệt ba cây gạo nằm sát bên dòng Đà Giang đã tạo cảnh sắc vô cùng tuyệt diệu cho Thuần Mỹ. Ngay tại trụ sở UBND xã Thuần Mỹ đặt tại thôn Lương Khê cũng có 3 cây đa hơn 200 tuổi. Ông Phạm Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Toàn xã có 24 cổ thụ, chủ yếu là cây đa và cây gạo, có tuổi đời nhỏ nhất khoảng 200 tuổi, còn phần lớn khoảng 300 tuổi. Có 5 cây đa 500 tuổi, 1 cây gạo hơn 700 tuổi. Người dân trong xã vô cùng tự hào bởi sự quần tụ nhiều cổ thụ trên địa bàn quả là điều hiếm có.
Tìm hiểu về cổ thụ, tôi cũng tìm về làng Minh Phú, xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) - vùng quê tự hào vì có 8 cổ thụ được vinh danh Cây di sản Việt Nam. Trong đó 4 cây ở thôn Phú Thịnh và 4 cây ở thôn Thanh Trí. Tại đền Cây Sanh ở thôn Thanh Trí có cây sanh và cây bồ kết tuổi đời đã gần 700 năm. Tán của cây sanh khổng lồ tỏa xuống, che mái đền, che cả một khoảng đất rộng mấy chục mét. Cạnh đó là cây bồ kết cũng thực sự là một đại thụ. Đáng nói, dưới gốc sanh là quần thể cây duối mộc mạc, sù sì cũng phải mấy trăm năm tuổi. Hay ở phía nam Hà Nội, làng Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín), một ngôi làng khá cổ kính, bình yên có cầu chùa bắc qua hồ. Ở quanh hồ là quần thể 9 cây muỗm sù sù tỏa bóng, soi xuống mặt nước.
Tâm sự với các cụ già, các cụ chia sẻ rằng, cổ thụ không chỉ cho bóng mát (vô cùng quý giá trong những ngày nắng nóng kỷ lục này), mà nhiều đứa trẻ chơi trốn tìm bên u bướu, hang, hốc mốc thếch của gốc cây. Đó là sự dồn ứ, tích tụ của cả trăm năm mưa nắng. Người già, trẻ em ai cũng mê gốc cổ thụ và những ngọn gió lành mát rượi, đẹp hơn nữa là những đêm trăng người già thường chống gậy ra ngồi gốc kể chuyện cho đàn cháu nhỏ nghe.
Bảo vệ di sản
Vùng quê nào, thành phố nào cũng có bóng dáng cổ thụ như làng tôi, đó là niềm tự hào, thậm chí là vinh quang của mỗi trái tim ấp iu hình bóng thân thương quê nhà. Song do sâu bệnh tấn công, quá trình đô thị hóa cộng thêm một số nguyên nhân khác khiến nhiều “cụ cây” từ trần.
Trong 10 năm qua Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam đã tổ chức gắn biển “Cây di sản Việt Nam” cho 3.975 cây di sản, thuộc 125 loài ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Từ đó không ít cổ thụ được mau chóng bảo vệ, chữa bệnh, mối mọt… Cổ thụ không chỉ là di sản mà hơn thế còn là thực thể văn hóa sống sinh động, có linh hồn và cuộc đời, góp phần làm đẹp cho con người. Theo thời gian, sẽ nhiều cổ thụ tiếp tục được vinh danh, được gìn giữ, bảo vệ như những báu vật quốc gia và tiếp tục là chứng nhân văn hóa, lịch sử, là biểu tượng của sức sống trường tồn.
Nhiều cổ thụ được phong Cây di sản, để có chiến lược bảo vệ
Theo GS,TS. Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam, Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN cho biết: “10 năm Hội đã trải qua bao gian truân, niềm tự hào đối với Hội là không chỉ vinh danh, mà là sự lan toả cộng đồng tại các địa phương đó, từ miền núi đến đồng bằng, miền xuôi lên miền ngược đến các hải đảo xa xôi, đều có sự hưởng ứng nhiệt tình”.
Phải khẳng định từ nhiều năm qua, không ít người đã không chờ cổ thụ được vinh danh. Họ đã tự đứng lên, như những “hiệp sĩ cổ thụ” bảo vệ cây. Họ đã quyết tâm không bán cây cho các đại gia để lấy tiền hưởng thụ. Tiêu biểu như ông Nguyễn Xuân Việt, đã giữ cây sanh tự nhiên có hình thân rồng, gốc mâm xôi con gà tuyệt đẹp nằm ở vùng miền núi thuộc xã Giai Xuân (Tân Kỳ, Nghệ An). Nhiều đại gia sẵn sàng bỏ hàng chục tỷ đồng mua, nhưng hết lần này đến lần khác phải về tay không vì chủ nhân quá “rắn”! Hay ông Lê Minh Thưởng ở xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc, Nghệ An) sở hữu 5 cây cổ thụ được xác định khoảng 600 năm tuổi. Ông cũng nổi tiếng vì “gàn”, bởi đã từ chối lời đề nghị bán với giá 1,5 tỷ đồng.
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, chia sẻ: “Hiện nay con người vẫn chưa hiểu biết hết thiên nhiên. Thì con người hãy biết tìm các giải pháp từ thiên nhiên để bảo vệ con người trước biến đổi khí hậu, bảo vệ con người, mà hiện nay chưa khai phá được. Chúng ta phải biết khai thác và sử dụng hợp lý bảo vệ hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học của đất nước”.
Với sự ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều cây lớn bị đe dọa, bị chặt bỏ hoặc bị mua về để trang trí trong nhà vườn của những người lắm của nhiều tiền. Bởi vậy, cần lắm sự tham gia của quần chúng, hỗ trợ các địa phương xã hội hóa công tác bảo vệ cổ thụ, nguồn gen quý của các cây cổ thụ bản địa.