Ở Việt Nam, cây Nhội mọc hoang ở nhiều nơi và cũng được trồng chủ yếu để lấy bóng mát, nhưng còn ít người quan tâm đến công dụng của nó về mặt y học. Cây Nhội cũng là cây thuốc quý, dùng để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như viêm âm đạo, khí hư, bạch đới, tiêu chẩy, vv. Gần đây một cây Nhội cổ thụ hơn 200 năm tuổi ở xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di Sản Việt Nam (ngày 7/9/2020).
Cây Nhội còn có tên là Nhội tía, Cơm nguội, Mạy phát (Tày), tên khoa học là Bischofia javanica Bl. (tên đồng nghĩa: Bischofia trifoliata (Roxb.) Hook. f.), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Nhội là cây gỗ lớn cao tới 15-20m, hoặc hơn. Lá kép, mọc so le, có 3 lá chét hình trứng, dài 10-15cm, rộng 5-6cm, lá chét giữa lớn hơn hai lá chét bên, gốc phiến lá gần tròn, đầu lá nhọn, mép lá khía răng cưa nông. Cuống lá kép dài 7-9cm. Lá kèm hình tam giác nhọn, sớm rụng. Cụm hoa là chùm dài 6-13cm, ở kẽ lá, cuống chung dài 2-3cm. Hoa đơn tính, màu lục nhạt, lá đài 5, không có cánh hoa. Hoa đực có 5 nhị, đối diện với lá đài, bao phấn 2 ô. Hoa cái có bầu hình trứng, nhẵn, 3 ô. Quả thịt, hình cầu, đường kính 6-8mm, màu nâu hoặc nâu đen khi chín, chứa 2-3 hạt hình trứng. Chùm quả thõng xuống. Mùa hoa tháng 2-5, quả tháng 6-8.
Hình 1: Cây Nhội Di Sản VN ở Cao Bằng (nguồn: VACNE)
Hình 2: Cây Nhội có quả (nguồn: Internet)
Loài này phân bố rộng rãi ở các nước nhiệt đới khu vực Nam Á và Đông Nam Á, bao gồm Ấn Độ, Malaysia, Philippin, Thái Lan, Indonesia, Lào, nam Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây Nhội phân bố rải rác khắp các vùng núi, trung du và đồng bằng. Cây thường mọc hoang ở rừng thưa, ẩm, hoặc ven suối có nhiều ánh sáng, độ cao phân bố đến 1000m. Nó cũng được trồng ở công viên, ven đường phố để tạo bóng mát và lấy gỗ.
Bộ phận dùng: Lá, vỏ thân và rễ. Thu hái lá quanh năm, dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô.
Thành phần hoá học: Lá Nhội tươi chứa nước 76,9%, protid 4,1%, glucid 13%, chất xơ 3,9%, tro 2,1%, caroten 2,6mg%, vitamin C 30mg%; các triterpenoid như friedelin, friedelinol, epifriedelinol, acid betulinic; các flavonoid như quercetin, quercitrin, fisetin. Ngoài ra còn có các steroid như chrysoerinol, ß-sitosterol. Vỏ thân chứa tanin. Hạt chứa chất béo.
Tính vị, tác dụng: Theo Đông y, lá Nhội có vị chua, chát, tính mát; có tác dụng hành khí, hoạt huyết, tiêu thũng, giải độc.
Công dụng: Lá Nhội được dùng để điều trị viêm âm đạo, bạch đới, khí hư do trùng roi âm đạo (Trichomonas vaginalis), dưới dạng nước sắc đặc, thêm ít phèn chua để ngâm rửa, có thể nấu thành cao đặc để bôi. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Dược Hà Nội (năm 1963), thuốc từ lá Nhội có ưu điểm là diệt ký sinh trùng rất nhanh, không làm rát âm đạo và tỷ lệ khỏi bệnh khá cao (72%). Sau khi khỏi, bệnh nhân không bị nhiễm nấm âm đạo (thường gặp Candida albicans). Ngoài ra, thuốc sắc lá Nhội cũng được dùng để chữa lỵ, tiêu chảy, dị ứng, mẩn ngứa và mụn nhọt (phối hợp với lá cây Giâu gia, lượng bằng nhau 50g, gĩa nhỏ, trộn với ít giấm để bôi).
Không chỉ ở Việt Nam, các nước trên thế giới như Trung Quốc hay Ấn Độ cũng đã sử dụng lá Nhội trong điều trị bệnh phụ khoa và nam khoa. Ở Trung Quốc, người ta còn dùng vỏ thân và rễ cây Nhội trị phong thấp, đau xương. Đặc biệt, đã nghiên cứu lá Nhội chữa bệnh ung thư đường tiêu hóa, ung thư dạ dày, chữa viêm gan, viêm phổi, viêm hầu họng, trẻ em cam tích. Dùng ngoài trị mụn nhọt và lở ngứa.
Y học cổ truyền Ấn Độ dùng dịch lá Nhội làm thuốc trị lở loét. Có tài liệu cho biết lá Nhội cũng được dùng để chữa bỏng.
Lá Nhội non dùng để ăn gỏi cá, hoặc thái nhỏ, vò qua rồi xào hoặc nấu canh ăn. Quả Nhội ăn được.
Bài thuốc từ cây Nhội:
- Chữa tiêu chảy: Dùng 40-60g lá Nhội tươi (hay 20-30g lá khô) sắc nước uống trong ngày.
- Chữa khí hư, bạch đới, viêm âm đạo: Lá Nhội tươi 50-80g sắc nước uống, hoặc sắc lấy nước đặc, thêm ít phèn chua hoặc thêm 1-2 viên Klion (chứa chất metronidazol) để ngâm rửa. Có thể nấu cao đặc để bôi. (Cách nấu cao: Lá Nhội 1kg, rửa sạch, sắc với 1lít nước trong 3 giờ. Lọc lấy nước, rồi đun nhỏ lửa để lấy khoảng 50ml cao đặc).
- Chữa dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt: Lá Nhội 2 phần, Nghể răm 1 phần, nấu nước tắm, dùng bã lá chà xát cơ thể. Hoặc lá Nhội 50g, lá Giâu gia 50g; giã nhỏ, trộn với ít giấm để bôi.
TSKH. Trần Công Khánh