quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Nhớ lũy tre làng

Thứ Ba, 06/08/2019 | 03:06:00 AM

Bây giờ, mỗi khi có dịp trở về quê ở ngoại thành, tôi lại cố tìm lại một chút hoài niệm về hình bóng những lũy tre làng thân thương, xanh mướt đã gắn bó và chở che biết bao những thế hệ người con của làng.

 Nhớ[-]lũy[-]tre[-]làng

 

Tre xanh

Xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh.

(Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)
 
 
Luỹ tre làng từ bao đời nay luôn là hình ảnh đã ăn sâu vào máu thịt, tâm khảm của mỗi người Việt Nam. Tre gần gũi và thân quen, tre như sự sống, hơi thở của mọi miền quê, nhất là khu vực đồng bằng Bắc bộ, trung du và miền núi phía Bắc.
 
Chính vì lẽ đó mà giờ đây, cùng với sự phát triển của xã hội, quá trình đô thị hóa diễn ra ở nhiều địa phương kéo theo những cơn sốt đất đã khiến cho hình ảnh lũy tre dày đặc, lớp nọ nối lớp kia, bao quanh làng xóm đã mất dần đi. Với những đứa trẻ có thể chúng còn quá bé để ý thức về sự mất mát đó, nhưng với thế hệ chúng tôi thì đó là một sự thiếu vắng, hụt hẫng không gì bù đắp nổi.
 
Nhà tôi khi xưa nằm ở bìa làng, ngay sát nhà cha tôi trồng rất nhiều tre. Tre là một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân quê tôi. Bố lấy tre tước những sợi nhỏ để đan lát rổ rá. Tre được dùng làm kèo cột, giường chõng. Tre phục vụ việc sửa chữa nhà cửa, làm chuồng trâu, làm bếp… Dưới những nếp mái tranh không thể thiếu các cột kèo bằng tre.
 
Ngoài tác dụng chính trên, các bụi tre trồng sát nhau, ken chặt còn có tác dụng làm hàng rào ngăn kẻ trộm lẻn vào địa giới nhà mình.
 
Vào những buổi trưa hè nắng gắt oi ả, luỹ tre càng trở nên “có giá” bởi bóng mát của chúng luôn làm cho con người dễ chịu khoan khoái khi ngồi nghỉ trưa, thậm chí có thể mắc võng ngủ dưới hàng cây tre.
 
Tôi không nhớ chính xác nhà tôi trồng bao nhiêu khóm tre, nhưng xung quanh nhà toàn tre, dễ phải tới hàng ngàn cây. Vì nhu cầu sử dụng tre không nhiều nên phần lớn số tre trưởng thành cha mẹ tôi đều bán cho thương lái để lấy tiền nuôi anh em chúng tôi ăn học. Mùa thu hoạch tre có thể diễn ra quanh năm, hễ cứ khi nào có người cần mua là nhà tôi lại bán.
 
Cứ mỗi năm, vào độ xuân về, măng non lại mọc lên từ đất tua tủa. Theo thời gian, những mầm măng cứ lớn dần, cứng cáp, cao lớn, chỉ độ một, vài năm sau, cây tre trưởng thành đã có thể thu hoạch được.
 
Chính vì nhà trồng nhiều tre nên món măng tre mẹ chế biến ngâm cùng dấm ớt luôn là món khoái khẩu thường nhật trong từng bữa cơm của gia đình tôi. Măng non thái nhỏ ngâm cùng dấm ớt cay xé lưỡi. Mùa hè, bỏ chút măng ớt ngâm dấm vào bát nước mắm dùng chấm rau muống luộc, hay thịt luộc thì ngon thật tuyệt vời. Hương vị đặc trưng và rất riêng.
 
Tre thân thương, nhiều tác dụng như vậy nên hầu như nhà nào trong làng cũng trồng tre, nhà ít đất thì vài ba bụi, nhà nhiều đất trồng tới cả mấy chục bụi, thậm chí cả trăm bụi. Ở những khoảng đất không thuộc nhà ai, đất chung của tập thể, người ta cũng trồng tre. Đó là khoảng đất ở cổng làng, ở bờ mương ven đồng, ở cả những luỹ đất nơi đồng cao…
 
Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa xuân, vào dịp Tết trồng cây, học sinh chúng tôi cũng như các cụ bô lão trong làng lại mang gốc tre có măng nhú mầm đi trồng ở những khu đất tập thể, công cộng ấy. Nguồn thu từ tre ở những nơi này thường gom lại gây quỹ cho đoàn thể của làng, xã…
 
Tuổi thơ tôi cũng như những đứa trẻ sinh ra lớn lên ở làng có rất nhiều kỷ niệm với luỹ tre thân thương. Chúng tôi chơi khăng cũng tìm bờ tre để chọn các nhánh tre thon gọn, thẳng để chặt mang về chơi với nhau. Rồi sau những buổi tan trường lũ chúng tôi vẫn hay chơi trò chắt, chuyền, các thanh nhỏ vót nhẵn cũng được lấy từ cây tre mà ra.
 
Tre đã “tham gia” vào rất nhiều trò chơi của bọn nhỏ, vì thế mà chẳng một đứa trẻ nào trong xóm tôi lại không biết làm các trò thủ công từ tre, như đan lát rổ rá, giần, sàng, nong, nia…
 
Tôi chợt nhớ một câu văn của nhà văn Thép Mới: “Tre xung phong vào xe tăng đại bác, tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con người!”.
 
Miên man với hoài niệm của những lũy tre làng thân thương thuở thiếu thời, tôi lạc bước trên những con đường ngõ, xóm với toàn tường gạch bao quanh cùng những căn nhà tầng san sát trần trụi, nắng nôi, tôi thầm gọi khe khẽ: Ngày xưa ơi bao giờ trở lại…!
 
Đặng Đức

Lượt xem: 1798

Các tin khác

NGƯỜI THANH LỊCH

(15/04/2024 09:45:PM)

Cây Nghiến Di sản Lâm Bình

(08/04/2024 11:42:AM)

TÂM THƯ TƯ BẢN

(01/04/2024 11:09:AM)

CÂY KƠ NIA TRÊN ĐẤT TỔ

(30/03/2024 10:36:PM)

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

THỜI SỰ

(10/03/2024 11:43:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE