quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Nhớ giàn gấc của mẹ

Thứ Tư, 05/02/2014 | 09:07:00 AM

Món ăn mang đậm hương vị quê hương trong đêm Giao Thừa với bao tình cảm yêu thương của mẹ dành trọn trong đó đã đánh thức ký ức trong tôi. Để những ngày cuối năm xa xứ này, tôi lại nhớ lắm giàn gấc của mẹ, lại thèm một nắm xôi gấc của quê nhà…


Xuân Minh

 

Vì công việc bận rộn nên đã 10 năm nay, tôi không về Việt Nam ăn Tết cùng bố mẹ được. Xuân đến trên nước Australia xa xôi này, tôi lại chạnh lòng nhớ bố mẹ, nhớ làng quê vùng đồng chiêm chũng với không khí ấm áp ngày Xuân, nơi đầy ắp tiếng cười rộn rã tuổi thơ. Và rồi, những ký ức cứ ùa về với tình yêu và nỗi nhớ ngập tràn trong tim. Tôi nhớ về giàn gấc đỏ ối, sai trĩu quả của mẹ mỗi dịp giáp Tết, nhớ dáng mẹ tất bật thổi xôi gấc chiều Ba Mươi Tết để cúng Giao Thừa và thèm lắm hương vị xôi gấc ngọt thơm của mẹ trong những ngày Xuân xa xứ này...

Làng tôi cũng như bao làng quê khác ở vùng chiêm trũng Hà Nam, nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Nhà tôi nhỏ bé giữa một vườn cây trái. Bố mẹ tôi không những chăm công việc đồng áng mà còn chăm chút từng vườn rau, cây trái trong vườn. Bởi vậy mà mỗi năm Tết đến, mẹ tôi thường không phải lo sắm mâm ngũ quả vì vườn nhà đã có chuối, bưởi, hồng, trứng gà, cau, trầu... Đặc biệt, nhà tôi có một giàn gấc năm nào cũng đơm bông, kết trái.

Tôi còn nhớ, ngày bé, tôi rất thích ăn xôi gấc, nên cuối năm đó, mua gấc về thổi xôi cúng Giao Thừa, thấy quả gấc đẹp, ruột đỏ au nhiều thịt, mẹ đã sai tôi mang vài hạt ra góc vườn vùi dưới lớp đất mỏng. Khi mưa Xuân đến, hạt gấc nhú mầm non vươn dài bám vào cây bưởi gần đó. Thế là bố tôi làm giàn gấc cho mẹ. Bố tôi bảo, phải có giàn thì gấc mới ra nhiều quả và cho leo ngang quả sẽ nhiều hơn. Nhờ có giàn và sự chăm sóc của mẹ, cây gấc phát triển rất nhanh, chẳng mấy chốc đã đẻ nhánh leo kín giàn, trổ hoa từ Hè sang Thu và kết trái. Khỏi phải nói, tôi vui lắm vì nhà có cây gấc rồi, tôi sẽ thường xuyên được ăn xôi gấc hơn, và cuối năm mẹ sẽ không phải lo đi mua gấc nữa.

Đến mùa gió bấc, quả gấc lớn rất nhanh, cứ chũm chĩm lủng lẳng trong gió như một giàn quả chuông xanh. Đến khi nắng Đông hanh rực rỡ trong vườn là lúc gấc được nhuộm dần màu áo đỏ. Vào ngày Rằm và mùng Một Âm lịch, mẹ tôi cắt những quả gấc chín sớm để thổi xôi cúng tổ tiên – ông bà và sau đó là tôi được thưởng thức món xôi gấc yêu thích. Cuối năm, mẹ kêu tôi giúp mẹ thu hoạch gấc. Mẹ nhẹ nhàng cắt những quả gấc chín rồi đưa cho tôi. Tôi cầm từng quả gấc trong lòng bàn tay và xếp chúng vào thúng, những gai nhỏ li ti của quả gấc đâm vào tay tôi, nhưng không đủ làm tôi đau. Sau đó, mẹ tôi bớt lại mấy quả để nấu xôi cúng Giao Thừa. Số quả còn lại, mẹ mang lần lượt đi biếu các gia đình trong họ tộc và các nhà hàng xóm. Mẹ tôi bảo: “Từ xưa, ông cha ta vẫn quan niệm rằng màu đỏ là màu của hạnh phúc, màu thắm của sắc Xuân, là biểu tượng cho sự may mắn, tốt lành. Màu đỏ của gấc lại là màu tự nhiên của đất trời mang đến nên tạo ra sự dung hòa, thuận lợi cho năm mới. Trên mâm cỗ cúng gia tiên ngày đầu năm mới của mọi nhà thường có đĩa xôi gấc như niềm tin sẽ được nhiều may mắn trong cả năm. Bởi vậy mà năm nay nhà mình may mắn có cây gấc sai quả, mẹ muốn được chia sẻ niềm vui này tới mọi người”. Và tôi cũng vui trong niềm vui của mẹ...

 

 

Chiều 30 Tết, những năm tuổi thơ, tôi thường quanh quẩn bên mẹ xem mẹ chuẩn bị những món ăn ngày Tết. Đặc biệt, khi mẹ nấu xôi gấc, tôi thường chăm chú và hỏi mẹ rất kỹ. Mẹ tôi bảo, để có được đĩa xôi gấc thơm ngon đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, tỉ mỉ, từ lúc chọn gạo, chọn gấc đến khi thổi xôi, cuối cùng là đơm sao cho đẹp mắt. Người nấu cũng cần phải khéo léo và tinh tế. Mẹ tôi thường chọn gạo nếp cái hoa vàng, hạt mẩy căng tròn, trắng tinh để làm nguyên liệu nấu xôi gấc, dâng lên cúng tiên tổ trong thời khắc Giao Thừa thiêng liêng. Gạo nếp được mẹ tôi đãi sạch và ngâm với nước ấm từ sáng sớm để hạt gạo nở và mềm. Trước khi nấu, mẹ lại vo gạo sạch rồi để ráo nước. Gấc được mẹ bổ đôi, nạo lấy phần thịt đỏ và cùi vàng óng ả. Tôi thắc mắc hỏi mẹ sao lại lấy cả cùi vàng, thì được mẹ giải thích là phải cạo hết phần đó bởi nấu lên ăn rất thơm và bùi. Mẹ bóp đều phần thịt gấc với hai thìa rượu gạo và một ít muối, rồi đem trộn đều cùng với gạo nếp. Mẹ bảo, phải dùng rượu thì gấc mới dậy màu, xôi mới đẹp được. Sau đó mẹ dùng chõ đồ xôi. Khi xôi chín, mẹ cho thêm đường kính trắng và dầu ăn chín với một lượng vừa đủ vào chõ xôi rồi đảo đều để tăng vị ngọt và độ bóng cho xôi. Lúc này, nồi xôi nghi ngút hơi, tôi cảm nhận được mùi thơm nức từ gạo nếp, màu đỏ của gấc, hạt xôi thì đỏ cam, dẻo và mềm...  Cuối cùng là mẹ đơm xôi ra đĩa, mẹ khéo léo đơm sao cho đầy đặn, cân đối và thật tròn để dâng lên cúng tổ tiên.

 

 

Món ăn mang đậm hương vị quê hương trong đêm Giao Thừa với bao tình cảm yêu thương của mẹ dành trọn trong đó đã đánh thức ký ức trong tôi. Để những ngày cuối năm xa xứ này, tôi lại nhớ lắm giàn gấc của mẹ, lại thèm một nắm xôi gấc của quê nhà… Cây gấc nhà tôi giờ đã hơn chục tuổi, gốc cây không to lắm nhưng mỗi năm lại xù xì, già nua hơn. Cứ mỗi bận Tết đến, mẹ lại thu hoạch bao nhiêu là quả để rồi lại đem chia sẻ niềm vui và sự may mắn ấy… Giờ đây, mẹ vẫn chăm chút nó để chờ ngày tôi về đón Tết, sum vầy cùng gia đình trong những ngày Xuân… Tôi vẫn biết vậy và thầm hứa, nhất định năm sau con sẽ về, để lại đón nhận trái gấc từ bàn tay ấm áp của mẹ, cùng vui trong niềm vui hân hoan của mẹ, để lại được thưởng thức xôi gấc mẹ nấu với tất cả tình yêu bao la mẹ dành cho những người thân trong ngày đầu năm mới…



(Quehuongonline)


Lượt xem: 1520

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE