Làng quê Việt ngày càng thưa vắng bóng tre.
|
Đi quanh con đường làng trải bê tông phẳng láng giữa cái nắng bỏng rát miền Trung, tôi ước gì có hàng tre xanh rì tỏa bóng che mát lối đi như cái lúc gia đình tôi còn ở đây. Thời ấy, tre được coi là ranh giới hành chính phân cách làng này làng nọ, thôn này thôn kia, thậm chí giữa các nhà với nhau nên đi đâu cũng thấy dáng tre. Dưới lũy tre làng, người lớn tập trung chuyện trò, nghỉ ngơi sau giờ lao động mệt nhọc; còn bọn trẻ chúng tôi nô đùa đủ trò từ chơi trốn tìm, ăn ô quan, nhảy dây... Trong đó trò bẻ búp măng làm súng bắn nhau khiến chúng tôi thích thú nhưng lại bị cha mẹ mắng phạt. Bởi người dân quê tôi hiếm khi ăn búp mà để măng lớn thành tre.
Cây tre hiện hữu, gắn liền với đời sống thường nhật của người dân. Từ những vật dụng gia đình như (rổ rá, thúng nia, đòn gánh, đũa ăn), cho đến các dụng cụ lao động (cán cuốc, cái nơm, cái lờ, vó tôm, cần câu…), thậm chí cái kèo, vách nhà, bàn ghế, giường, chõng... cũng đều làm từ tre. Trong vô số những vật dụng kể trên, tôi thích nhất chiếc chõng tre. Nằm trõng tre rất mát, êm, nhất là vào mùa hè. Gia đình tôi thường kê chõng ra sau nhà nằm dưới rặng tre rì rào mát rười rượi hơn cả chiếc điều hòa, chiếc quạt hiện đại.
Ngày ấy, đang yên ả bên làng quê thanh bình, gia đình tôi chuyển vào Tây Nguyên sinh sống. Ở vùng đất mới, tôi phải xa ông bà, người thân, xa lũ bạn tinh nghịch và cả bóng tre nữa. Mỗi lần về thăm quê tôi đều dành thời gian để quan sát, tìm lại tuổi thơ của mình, nhưng mọi thứ đã thay đổi cùng với tốc độ phát triển của nông thôn thời hiện đại. Tre làng bị triệt hạ, nhường chỗ cho đường bê tông, nhà cao tầng... Những vật dụng thân thuộc bằng tre bao đời gắn bó với người dân cũng được thay thế bằng đủ loại chất liệu tiện lợi như nhôm, nhựa, inox... vô hồn. Giờ quê tôi vắng hẳn bóng tre.
Trước khi rời quê, tôi cố nán lại thật lâu, ngắm những hàng tre còn sót lại đang nghiêng mình về phía gió. Bởi tôi sợ mai này quay lại, tre làng biến mất và phải ngắm tre qua những thước phim tư liệu, hay trong thơ ca… mà thôi!