Nhiều ý kiến tâm huyết của VACNE gửi về Hội đồng Quốc gia Về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh
(VACNE, 7/1/2014) - Trước sự kiện GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) là một trong số ít đại diện của các tổ chức Ngos vừa được Thủ tướng Chính Phủ mời tham gia Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh (PTBV&NCNLCT), các nhà khoa học của Hội rất phấn khởi và bày tỏ tâm huyết, muốn đóng góp ý kiến.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho biết: tại cuộc họp Hội đồng vào sáng 31-12-2013, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam (Chủ tịch Hội đồng) đã yêu cầu thảo luận, góp ý kiến cho Dự thảo “Đề án xây dựng Bộ chỉ số và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam” do Bộ KT&ĐT chuẩn bị và trình bày; đồng thời xem xét Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh (NLCT) toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện.
Nhìn vào bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thấy rất nhiều chỉ tiêu NLCT của nước ta nằm ở nửa dưới trong số các nước xếp hạng, đáng lo lắng nhất là chỉ số NLCT của nước ta trong năm 2012 -2013 thấp hơn năm 2009 – 2010, có nghĩa là các nước trên thế giới thì tiến lên còn nước ta thì lùi xuống.
Sau hơn 3 giờ Hội đồng thảo luận, Phó Thủ Tưỡng Vũ Đức Đam đã kết luận đại ý như sau:
1. Trong năm 2014 nước ta phải tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh, cần phải tập trung vào 3 đột phá: (1) Thể chế; (2) Hạ tầng và (3) Nhân lực, trước mắt quan trọng nhất là phát triển và cải tiến thể chế;
2. Các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh là chỉ tiêu cạnh tranh quốc tế, ta phải theo quốc tế, không thể tự đặt ra chỉ tiêu riêng của Việt nam, không nên tự đánh giá, vì tự đánh giá thì không khách quan, không ai tin. Do đó Bộ KH&ĐT nên “đóng sổ” Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia Việt nam”;
3. Ta nên xem xét thiên hạ đánh giá mình có đúng không?, nếu không đúng thì vì sao? Cần phải làm việc và phối hợp với Tổ chức Quốc tế để họ đánh giá đúng Việt Nam. Nếu họ đánh giá ta là đúng thì phải tìm ra nguyên nhân vì sao xếp hạng nước ta thấp thế, vì sao nhiều chỉ tiêu thụt lùi? Ai là người chịu trách nhiệm? Các Bộ cần phải làm gì, làm thế nào và ai làm để dần dần nâng cao xếp hạng chỉ số NLCT của nước ta. Cần phải thấy rằng chỉ số xếp hạng NLCT “là tiền, là bạc, là cơ hội phát triển. Mình được đánh giá tốt thì mình ra nước ngoài vay vốn dễ hơn, hợp tác với nước ngoài cũng dẽ hơn”;
4. Trước tiên cần tập trung vào nâng cao các chỉ tiêu NLCT không cần chi tiền ngân sách như là chỉ tiêu về thể chế.
Hội đồng Quốc gia về PTBV&NCNLCT có 41 ủy viên Hội đồng (kể cả chủ tịch), nhưng chỉ có 8 ủy viên là các nhà khoa học độc lập. Chủ tịch Hội đồng chính thức mời riêng các chuyên gia này (trong đó có đại diện VACNE) mỗi tháng 1 lần tới làm việc với Phó Thủ Tướng, để cùng xác định các yếu kém và thế mạnh của năng lực cạnh tranh của nước ta, nguyên nhân vì sao yếu kém, trách nhiệm thuộc Bộ nào?, lập kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh của nước ta. Sau khi hình thành ý tưởng rõ ràng, dự thảo chủ trương văn bản xong mới dưa ra Hội đồng thảo luận thông qua, sau đó mới trình Thủ Tướng xem xét, ra quyết định thực hiện.
Phó Thủ Tướng cũng chỉ đạo: từ nay phải thông tin công khai, minh bạch cho dân biết.
Sau cuộc họp này, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng đã bày tỏ vinh dự cũng như trách nhiệm cá nhân, khi thay mặt VACNE tư vấn cho Chính phủ; đồng thời mong muốn nhận được góp ý trực tiếp của các Ủy viên ban chấp hành VACNE. Ngay lập tức, có nhiều nhà khoa học của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng lên tiếng và bày tỏ thái độ đồng thuận với những ý kiến và kết luận của PTT Vũ Đức Đam đã đưa ra, tại cuộc họp quan trọng này.
GS.TS Trần Ngọc Chấn cho rằng: Việt nam, không nên tự đánh giá mình và phải dựa trên sự đánh giá khách quan của Quốc tế. Các Bộ, Ngành liên quan và các chuyên gia của Việt Nam phải tìm hiểu thật kỹ phương pháp đánh giá, cho điểm của họ. Cụ thể là nắm được “công thức” cho điểm của từng lĩnh vực này, để từ đó tìm cách gia tăng các yếu tố cho điểm “cộng” và giảm thiểu hoặc triệt tiêu các yếu tố cho điểm “trừ” .
Ví dụ: Thủ tục cấp phép đầu tư thuận tiện, không quá rườm rà, phức tạp. Không nhũng nhiễu các nhà đầu tư. Có chính sách thuế má hợp lý, v..v…sẽ là điểm “cộng” (về thể chế); đảm bảo giao thông vận tải, điện, nước, có nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú và bền vững… sẽ là điểm “cộng” (về hạ tầng cơ sở).. v…v…Còn các yếu tố cho điểm trừ là: gây ô nhiễm môi trường; không có chiến lược, sách lược rõ ràng, thiếu sự nhất quán trong chính sách…thì cần khắc phục. Đặc biệt, cần xem xét thật nghiêm túc chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ hiện nay, để hạn chế tiêu cực, tạo năng suất lao động, nhất là trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học.
PGS. TS Trần Hiếu Nhuệ, GS TSKH Trương Quang Học, PGS.TS Lê Trình đều bày tỏ thái độ vui mừng và phấn khởi, khi thấy đại diện VACNE được mời tham gia Hội đồng Quốc gia PTBV&NCNLCT, nhưng cho rằng: nhiều khái niệm chưa rõ ràng, nhất là khái niệm” Kinh tế thị trường, định hướng XHCN” và "phát triển bền vững" . Do đó, trong thực tế đời sống xã hội đang bị hiểu sai lệch, thậm chí bị nhiều kẻ lạm dụng để hưởng lợi và tham nhũng.
Nếu trí thức chỉ biết uốn cong ngòi bút thì còn đâu là phát minh, sáng chế, còn đâu ý tưởng mới. Chỉ khi nào, kẻ lười biếng bị đào thải, nhân tài được trọng dụng, sáng tạo được tôn vinh, thì đất nước mới có năng lực cạnh tranh và có hội cơ phát triển bền vững./.
Văn phòng VACNE