quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI NGHỊ COP 15

Nhiều nước phản đối dự thảo mức cắt giảm khí thải

Chủ Nhật, 13/12/2009 | 09:43:00 PM

Ngày 12/12, tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen, Đan Mạch, các nền kinh tế sản sinh nhiều khí thải đã chỉ trích bản dự thảo do Nhóm công tác đặc biệt về hoạt động hợp tác dài hạn của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (AWG-LCA) soạn thảo dành cho hội nghị thông qua.



Dự thảo đặt mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C hoặc 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, để ngỏ 3 sự lựa chọn về hạn mức cắt giảm khí thải toàn cầu vào năm 2020 so với năm 1990, gồm các mục tiêu 50%, 80% và 95%.

Các nước công nghiệp ủng hộ mục tiêu 50%, trong khi các nền kinh tế mới nổi, đứng đầu là Trung Quốc, phản đối bất kỳ mục tiêu nào trong số 3 mục tiêu này, trừ phi các nước giàu chịu trách nhiệm gần như toàn bộ về gánh nặng cắt giảm khí thải.

Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Australia cùng với Mỹ phản đối phần nội dung dự thảo qui định các nền kinh tế khổng lồ đang phát triển phải hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng với điều kiện nhận được sự hỗ trợ từ những nước giàu. Những nước giàu yêu cầu các nước đang phát triển phải hạn chế khí thải vô điều kiện.

Thay mặt các nước EU, Bộ trưởng Môi trường Thụy Điển Andreas Carlgren khẳng định các cam kết phải mang tính ràng buộc và các nền kinh tế mới nổi cũng phải cam kết hành động tại Hội nghị Copenhagen.

Tuy nhiên, EU đề nghị Mỹ đưa ra những cam kết cắt giảm khí thải lớn hơn mà không cần chờ Quốc hội nước này thông qua đạo luật về khí thải, đồng thời đề nghị áp đặt những ràng buộc pháp lý đối với các mục tiêu cắt giảm khí thải của Trung Quốc.

Trưởng đoàn Mỹ Jonathan Pershing cho rằng dự thảo thỏa thuận không giải quyết được vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là hạn mức cắt giảm khí thải đối với các nền kinh tế mới nổi. Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ tài chính giúp các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu, nhưng không bao gồm Trung Quốc với lý do nước này là nền kinh tế phát triển có dự trữ ngoại tệ lớn. Tuyên bố này của Mỹ đã bị Trung Quốc chỉ trích là "thiếu khôn ngoan" và "vô trách nhiệm".

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ, nước có lượng khí thải lớn thứ 5 thế giới, ông Jairam Ramesh từ chối nâng hạn mức cắt giảm khí thải đã cam kết của nước này - từ 20 đến 25% vào năm 2020.

Trung Quốc trước đó tự nguyện cam kết hạn chế khí thải nhưng không muốn bị ràng buộc vào một hiệp ước quốc tế. Theo quan điểm của Bắc Kinh, Mỹ và các nước giàu khác phải chịu phần lớn trách nhiệm cắt giảm khí thải và bất kỳ thỏa thuận nào tại Hội nghị Copenhagen đều phải tính đến trình độ phát triển của từng nước tham gia.

Australia, nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới tính theo đầu người, cho biết sẽ hỗ trợ tài chính giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu, nhưng chỉ có kế hoạch cắt giảm khí thải ở mức từ 5% đến 25% vào năm 2020 so với mức năm 2000.

Cùng ngày, cảnh sát Đan Mạch đã bắt giữ 1.000 người quá khích trong đoàn tuần hành ở thủ đô Copenhagen, nhằm gây áp lực buộc các nhà lãnh đạo thế giới đi đến một thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu.

Các vụ bắt giữ xảy ra sau khi các phần tử quá khích này ném gạch và pháo hoa vào cảnh sát, làm một sĩ quan bị thương và đốt cháy 4 chiếc xe ôtô gần đó, bất chấp khuyến cáo giữ hòa bình của các nhà tổ chức. Phần lớn những người bị bắt giữ là công dân nước ngoài, trong đó có khoảng 400 đối tượng thuộc các nhóm bạo loạn mang tên "Khối Đen" đến từ Bắc Âu.

Theo ước tính của cảnh sát, cuộc tuần hành ở Copenhagen thu hút 30.000 người tham gia, nhưng đài truyền hình nước này đưa tin có tới 100.000 người. Các cuộc tuần hành và hoạt động trấn áp của cảnh sát tại Copenhagen được truyền trực tiếp tới hội nghị nhằm tạo sức ép với các nhà lãnh đạo thế giới.

Bộ trưởng Môi trường nước chủ nhà Connie Hedegaard thừa nhận các cuộc tuần hành phản ánh tâm trạng của đông đảo dân chúng muốn lãnh đạo các nước trên thế giới không phớt lờ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Các cuộc tuần hành với mục đích tương tự cũng đã diễn ra tại nhiều thành phố lớn ở Canada, Australia, Indonesia và Philippines./.

 
(TTXVN/Vietnam+, 13/12/2009)

Lượt xem: 1752

Các tin khác

Bài 8 (5 Tet): Mở rộng hoạt động xã hội, chia sẻ khó khăn với nhân dân.

(12/02/2018 01:57:PM)

Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước – Mười năm một chặng đường

(11/06/2013 08:14:PM)

Một số hình ảnh lễ tổng kết 10 năm và trao giải lần thứ 10 Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước

(11/06/2013 06:38:AM)

Mười năm cùng cố gắng vì môi trường nước

(10/06/2013 10:48:AM)

Mời tham dự Lễ tổng kết 10 năm Cuộc thi và trao giải Cuộc thi Nước lần thứ 10

(04/06/2013 07:23:PM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (9)

(03/05/2013 04:10:AM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (8):

(30/04/2013 08:31:PM)

Một số thông tin về Cuộc thi nước những năm trước đây (7)

(30/04/2013 03:20:PM)

Một số thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây: (6) : 2008-2009

(28/04/2013 08:25:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE