TT - Hơn mười năm qua, hằng tuần có một thầy giáo lặng lẽ từ Vĩnh Phúc về Hà Nội chở từng can nước sông Tô Lịch, lặn lội đến các bãi rác ô nhiễm của tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội nhặt từng bịch rác hôi thối... về nhà nghiên cứu.
|
Tiến sĩ Lê Ngọc Ninh (bìa trái) trao đổi với người dân bên ao thôn Thượng (phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên) sau khi hồ được “điều trị” bằng hợp chất kabenlis do anh sáng chế - Ảnh: ĐỖ HỮU LỰC |
Nếu bạn là người vợ của ông chồng thầy giáo suốt ngày chỉ thích loay hoay bên những ống nghiệm chứa đầy nước sông ô nhiễm đen ngòm, bạn sẽ phản ứng thế nào? Nếu bạn là vợ của ông chồng thích tha rác ngoài đường về nhà để... nghiên cứu, bạn có nóng giận không?
Cô giáo Nguyễn Xuân Hương Giang đã gặp cảnh như thế. Chồng cô, tiến sĩ Lê Ngọc Ninh, từng biến tổ ấm của gia đình thành một phòng thí nghiệm cá nhân vì anh có mong ước cả đời là xử lý ô nhiễm môi trường...
Thương dân sống khổ
"Làng tôi nằm ven bờ biển, biển sạch sẽ lắm. Tuổi thơ của tôi luôn được sống trong không khí trong lành và sạch sẽ. Chính vì lẽ đó tôi muốn đem trí tuệ của mình cống hiến, cải tạo những vùng đất và dòng sông bị ô nhiễm để bà con được sống trong môi trường sạch sẽ, trong lành"
Tiến sĩ Lê Ngọc Ninh tiết lộ sở dĩ anh “có duyên” với môi trường đến thế vì anh sinh ra và lớn lên ở một làng quê yên bình, trong sạch ở huyện Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa)"
|
Tốt nghiệp Trường đại học Mỏ - địa chất, Lê Ngọc Ninh được phân công về Trường cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên cách thủ đô Hà Nội gần 40km, nhưng anh vẫn đau đáu mong muốn cải tạo... dòng sông Tô Lịch.
Thời sinh viên mơ mộng anh thường đi dạo bên dòng Tô Lịch và rất bức xúc vì sông quá ô nhiễm. “Tôi thấy thương những con người hằng ngày phải sống bên cạnh dòng sông có cái tên thanh lịch ấy. Có những đoạn sông mà người dân sống quanh đấy phải đeo khẩu trang cả ngày vì mùi nước thải khó chịu!” - Lê Ngọc Ninh bức xúc.
Sau khi đã “an cư lạc nghiệp” ở Vĩnh Phúc, hằng tuần cứ đến chủ nhật thầy giáo trẻ Lê Ngọc Ninh lại vù xe máy về Hà Nội, cặm cụi đến những đoạn sông Tô Lịch bị ô nhiễm nặng lấy nước đổ vào can rồi chở về Vĩnh Phúc. Cô vợ trẻ là giáo viên ngoại ngữ giảng dạy cùng trường với chồng cứ lắc đầu kêu trời, và phải luôn miệng thanh minh với hàng xóm rằng nhà chị không “thải” ra thứ nước đó.
Không ít lần vợ chồng xích mích vì những can nước “khủng khiếp” vương vãi ra sân nhà và bốc mùi khó chịu. Thêm nữa, tuy hai vợ chồng dạy học cùng trường nhưng hiếm khi chị được nhận lương thay chồng. Hỏi đến lương, anh chồng chỉ cười khì khì với lời giải thích muộn màng: “Anh chi cho... nghiên cứu khoa học hết rồi!”.
Thành quả mười năm
Sau gần mười năm trời hết lặn lội chở nước sông Tô Lịch, đến cặm cụi lần mò vào những vùng đồi núi tỉnh Vĩnh Phúc tìm nguyên liệu xử lý nước thải, cuối năm 2006 Lê Ngọc Ninh sáng chế ra hợp chất có tên gọi kabenlis từ hai loại sét cao lanh và bentonit, có rất nhiều ở vùng đồi núi Vĩnh Phúc, Hải Dương và Quảng Ninh, kết hợp với chất xúc tác có tên là lis. Lis là hỗn hợp của nước biển hay muối ăn với CaO... theo một tỉ lệ nhất định.
“Nước sẽ trở nên trong xanh, không có mùi khó chịu, sinh vật vẫn sống được trong nước” - Ninh khoe về công dụng khử ô nhiễm nguồn nước của phát minh của anh. Điểm thực nghiệm đầu tiên là con mương ở khối phố cứ đến mùa mưa là bốc mùi khó chịu. Thành công được bà con khối phố khen ngợi hết lòng. Tự tin với kết quả đạt được, Ninh gửi giải pháp xử lý nước thải tới cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc và anh vinh dự giành giải nhất.
Tin thầy giáo Lê Ngọc Ninh xử lý thành công ô nhiễm nước thải ao hồ, dòng sông bằng công nghệ, rẻ đã làm chấn động giới nghiên cứu khoa học tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Khoa học - công nghệ Vĩnh Phúc đã mời Lê Ngọc Ninh tham gia xử lý một loạt ao hồ đang gây ô nhiễm. Hơn mười ao, hồ “chết” của các huyện thị tỉnh Vĩnh Phúc được Lê Ngọc Ninh “điều trị” và trở lại trong xanh, các loài thủy tộc lại được sinh sôi nảy nở khiến bà con nông dân hết sức vui mừng.
Ông Bùi Đức Thọ, trưởng phòng sở hữu trí tuệ Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc, cho hay hợp chất kabenlis của Lê Ngọc Ninh thật sự là liều thuốc làm hồi sinh các dòng nước chết. Cách làm của Lê Ngọc Ninh rất đơn giản, giá thành của hợp chất kabenlis là rẻ nhất hiện nay, 500-1.500 đồng/kg, phụ thuộc khoảng cách đến vùng nguyên liệu đất sét là bao xa. Với mức giá này, việc làm sạch những dòng sông chết rất hiệu quả.
|
Lê Ngọc Ninh với hợp chất kabenlis do anh sáng chế dùng để xử lý nước thải ô nhiễm ao hồ, dòng sông chết - Ảnh: ĐỖ HỮU LỰC |
Tấn công vào rác thải
Lê Ngọc Ninh kể Tết Nguyên đán năm ngoái, toàn bộ thị xã Phúc Yên và TP Vĩnh Phúc bị ứ đọng rác thải sinh hoạt do người dân chặn xe đổ phế thải vào khu vực đổ rác. Hằng ngày đi làm ngang qua những con phố ô nhiễm, nghe dân chúng ta thán, Ninh quyết nghiên cứu hợp chất mới khử mùi hôi thối và tỏa hương thơm tại các bãi rác thải sinh hoạt, nhà vệ sinh công cộng, chuồng trại...
“Thế là anh ấy lại tiếp tục “rước rác” về nhà” - cô giáo Hương Giang nhớ lại, không quên lườm yêu chồng. Lần này thì người vợ thông cảm và còn sốt sắng “chạy tiền” cho chồng nghiên cứu. Sau nhiều ngày vật lộn với những đống rác, một loại hợp chất rẻ tiền lại ra đời và ứng dụng ngay vào bãi rác của khu phố đã lưu cữu lâu ngày, kết quả vượt cả niềm mong đợi, bãi rác sau khi được xử lý đã bốc... mùi thơm. Sung sướng quá, cả vợ chồng thống nhất đặt tên cho hợp chất xử lý rác là NIFA (tên viết tắt hai cô con gái của vợ chồng là Ninh Giang và Pha Mi).
Theo Lê Ngọc Ninh, sản phẩm NIFA được điều chế từ các chất dễ kiếm, sẵn có trong tự nhiên và đặc biệt thân thiện với môi trường. Thành phần của NIFA gồm dung dịch Ca(OH)2; dung dịch muối kim loại kiềm (Na, Mg...); dung dịch chất tạo bọt; dung dịch hạt khoáng vật kaoline (màu trắng) và hỗn hợp chất thơm của các loại dược thảo (như bạc hà, khuynh diệp, long não).
Các chất trên được pha trộn theo một tỉ lệ nhất định. Giá thành sản xuất tại Vĩnh Phúc khoảng 20.000 đồng/kg NIFA dạng kem đặc. Ngoài chức năng khử được mùi hôi thối của bãi rác thải sinh hoạt, bồn cầu và mùi khai của các nhà vệ sinh, NIFA còn tỏa hương thơm dễ chịu nên tạo sảng khoái, không độc hại với môi trường, có thể dùng tay khuấy khi pha chế với nước.
Từ khi phát hiện hợp chất kabenlis, Lê Ngọc Ninh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp nhà nước loại xuất sắc với đề tài “Nghiên cứu các thông số của cấu trúc lượng thuốc trong lỗ mìn, nhằm nâng cao hiệu quả phá vỡ đất đá và bảo vệ môi trường ở một số mỏ lộ thiên VN” vào đầu năm 2009.
Thời gian gần đây anh liên tục được các công ty khai thác đá ở Vĩnh Phúc và các công ty sản xuất than ở Quảng Ninh nhờ hướng dẫn công nghệ nổ mìn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện Lê Ngọc Ninh đã và đang miệt mài với đề tài mới: lò nuốt khói! Anh cho biết ống khói của các nhà máy ở Vĩnh Phúc hiện nay gây ô nhiễm môi trường quá nhiều, và anh rất muốn cải tạo chúng qua một thiết bị do anh nghiên cứu, chế tạo.
Tin tưởng và hâm mộ anh, một doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc tự nguyện làm mạnh thường quân tài trợ cho Lê Ngọc Ninh nghiên cứu. Tại thị xã Phúc Yên nơi Ninh sống, anh được bà con khối phố gọi bằng biệt danh thân yêu: “ông tiến sĩ rác”.
ĐỖ HỮU LỰC
(Tuổi Trẻ, 7/2/2010)