Đã gần 20 năm từ sau RIO – 92, hàng chục, không phải hàng trăm cuộc họp lớn nhỏ đã được tiến hành để cùng soạn thảo văn bản liên quan đến Đa dạng sinh học.
Nguyễn Ngọc Sinh, VACNE
Cuối tháng 10 năm 2010, năm quốc tế về Đa dạng sinh học, diễn ra cuộc họp các bên tham gia (viết tắt tiếng Anh là COP) về Công ước Đa dạng sinh học tại Nhật Bản. Sau thất bại ê chề của COP Biến đổi khí hậu ở Copenhaghen năm trước (năm 2009), nhân loại lại hồi hộp chờ đợi cuộc họp COP lần này, nhưng là về đa dạng sinh học. Chờ đợi gì? Chờ đợi việc ký kết một văn bản có tính chất pháp lý quốc tế để cụ thể hóa một trong 3 nội dung có tính nguyên tắc của Công ước Đa dạng sinh học: tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích một cách công bằng và hợp lý thu được từ nguồn gen được tiếp cận (gọi tắt theo tiếng Anh là ABS)
Đã gần 20 năm từ sau RIO – 92, hàng chục, không phải hàng trăm cuộc họp lớn nhỏ đã được tiến hành để cùng soạn thảo văn bản liên quan đến nội dung vừa nói trên. Nhưng, chao ôi, nguồn gen vốn bảo thủ, kết quả chẳng là bao. Người sở hữu nguồn gen muốn đùng một cái, thu được nhiều tiền từ việc cho phép người tiếp cận cái nguồn “bảo thủ” kia, mà nhiều khi người sở hữu chẳng biết mô tê gì. Còn người tiếp cận tìm đủ lý do phức tạp để minh chứng rằng, nào tôi cũng có lợi lộc gì đâu, còn lỗ vốn là khác. Cái sợi chỉ đỏ “hợp lý” không biết phải căng vào chỗ nào giữa 2 luồng trái chiều kia. Không khéo lại đứt mất thì khó mà nối lại được. Liệu năm 2010 này có thành công không?
Có vẻ như sẽ thành công, vì các cuộc họp chuyên gia gần đây nhất đã đi đến những kết quả tương đối khả quan. Có người đã gọi các cuộc họp này mang tính chính thức rồi, nghĩa là “ép” các chính khách phải chấp nhận. Đừng vội thế, lịch sử thế giới về các cuộc thương thuyết thường như vậy. Quyền lợi từng bên là cao nhất, chỉ nhân nhượng khi nào có lợi thôi.
Thế thì lại thất bại như Copenhaghen năm trước à? Có thể không đến nỗi như vậy, có thể khá hơn, có thể không có nhóm nước nào đòi rời bỏ COP. Nhưng kết quả như mong đợi thì chắc là không có rồi. Cứ xem thực tiễn của ta thì rõ. Hồi soạn thảo Luật Đa dạng sinh học, các nhà khoa học mong có hẳn một chương về ABS, nhưng không được hoàn toàn toại nguyện. Các nội dung liên quan đến ABS theo hướng dẫn của Nghị định thư quốc tế cũng có được phản ảnh đầy đủ vào Luật đâu. Rồi nữa, luật là luật. Lại phải vận động thi hành cho đúng luật sau khi mỏi mắt chờ các hướng dẫn cụ thể mà đa phần bị chậm ít ra cũng nửa năm.
Nguồn gen vốn bảo thủ mà. Ở quy mô quốc gia hay quốc tế thì cũng vậy thôi. Quy định sao để vận dụng thực tế nhanh thì ít người muốn, nhưng cấm đoán hay thiết chặt thì dễ cho qua. Hậu quả là gì? Kinh nghiệm Philipin cho thấy: sau khi có các quy định tương đối chặt chẽ về ABS, 4-5 năm sau không có tổ chức, cá nhân nước ngoài nào xin phép tiếp cận nguồn gen của Philipin. Thiệt hại đấy.
Hồi họp COP về Biến đổi khí hậu năm 2009, trên báo tường VACNE, Ngọc có mấy bài thơ con cóc, nhưng sát tình hình và dự báo được vài điều. COP năm nay về Đa dạng sinh học chưa thấy có ý thơ nào. Linh cảm là sẽ đạt được một vài điểm, giải tỏa bước đầu cho nguồn bảo thủ toàn cầu. Hơn nữa, chẳng lẽ về Biến đổi khí hậu đã có Nghị định thư Kyoto (năm 1997), mà về Đa dạng sinh học lại không có văn bản tương tự nào ư? Cho nên, thế nào cũng có thành công đấy, nhưng sẽ là thành công hạn chế.
Làm thế nào được, phải chấp nhận thôi. Hãy sờ lên gáy xem, mình đã đóng góp được gì cho thành công lớn hơn? Ít lắm, vì tại các cuộc họp COP hoặc các cuộc họp quốc tế khác về môi trường, mình góp được gì nào? Trong khi, kinh nghiệm quốc gia của mình về đa dạng sinh học và về luật đa dạng sinh học, về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, về kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học, về ABS trong luật và đặc biệt, là kinh nghiệm cộng đồng bảo tồn ĐDSH (bảo tồn chứ không chỉ là tham gia bảo tồn),… không phải không có ý nghĩa quốc tế đâu.
Khi viết xong mấy dòng vừa rồi, chưa kịp đăng thì COP đã họp xong, kết quả đại loại như đã được dự đoán. Nghĩa là gen cũng không quá bảo thủ đâu. Có người sẽ cho là kết quả rất hoành tráng, nhất là những người tổ chức COP. Cũng không sao, vì như đã nói, ký kết một văn bản đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó gấp trăm lần. Vui một chút để lấy sức, tiếp tục phấn đấu. Vì như có tài liệu về việc này đã đặt tên là Đường dài ABS. Dài thôi chứ đừng dài mãi là được rồi. Tóm lại, có đăng hay không? Thôi thì cứ “xuất bản” như bây giờ người ta hay gọi. Vì phần viết là thực, từ trước khi COP họp. Thế thì cứ “xuất bản”, không phải vì đã đoán “hơi bị đúng”. Không tin, cứ thử đoán xem, cũng lại COP, nhưng là Cop 16 về biến đổi khí hậu sắp họp ở Cancun Mêhicô, kết quả sẽ thế nào?
Và hơn nữa, những “tản mạn” với chủ đề kiểu này, bao giờ hết được. Các chuyên gia môi trường quá quen với các chủ đề có tên viết tắt tiếng Anh kiểu ABS rồi, ví dụ: CC, CBD, POP, GMO hoặc RIO, Joha, Ramsar, Basel, Kyoto, hoặc EIA, SEI. Ai mới nhập môn, ai muốn đi dài dài với môi trường, lo mà tìm hiểu và nhớ lấy đi./.