“Những ngõ hẻm âm thầm mới nói hết được nét thực sâu xa của đời sống đường phố”.
HÀ HƯƠNG
Khi viết dòng văn ấy (*), không rõ nhà văn Tô Hoài có ý “đính chính” hồn phố của Hà Nội thật ra là ở nơi ngõ hẻm hay không, nhưng những ngõ hẻm Hà Nội - hòa trộn lối sống quần tụ của làng và sự phồn hoa mặt phố - đã và đang kể những câu chuyện khác...
“Người ta cứ hát “ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó, đêm lặng nghe trong gió tiếng sông Hồng thở than...”. Ngõ và phố giờ vẫn nhỏ nhưng chả nghe được tiếng sông, cũng chả ngắm được trăng vì ngõ trở nên xô bồ từ bao giờ rồi, cô ạ!” - lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng trầm tư nhìn ra ngõ Hạ Hồi trước cửa.
Hồi ức mang tên Ngõ
“Ngõ Hà Nội: nhân chứng của quá trình đô thị hóa thủ đô Việt Nam” là tên cuộc hội thảo sẽ diễn ra ngày 13-10 tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội), lý giải câu chuyện làm thế nào người Hà Nội xoay xở và thích ứng với những điều kiện sống, không gian công cộng đặc thù nơi họ ở - những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo sinh ra từ thời kỳ bùng nổ kinh tế, đô thị hóa.
|
80 năm sống giữa Hà Nội, lão nghệ sĩ Quang Phùng là chứng nhân cho sự biến đổi của những ngõ phố trên mảnh đất này: “Trên phố cổ có ngõ của ông đội trưởng đội xích lô, ngõ của dân anh chị giang hồ, ngõ của người bán rong, ngõ ăn - ngõ chơi - ngõ nhậu nhẹt... Ngày xưa, tôi nằm ở trong nhà buổi sáng thì thấy mặt trời, buổi đêm thì thấy ánh trăng.
Rồi mọi thứ đổi thay, cây thông cổ thụ, cây quỳnh cành dao rồi khóm lan tây trong ngõ Hạ Hồi đã bị người ta đốn hết. Căn biệt thự trước cửa được bán đi bán lại cả chục lần giờ thành mấy căn nhà có biển hiệu tiếng Trung Quốc”. Nhà nằm lọt thỏm giữa bốn bề nhà cao tầng mới tinh, ông lão nhiếp ảnh sáng sáng vẫn phải “canh” ánh nắng để chụp chùm khế đang mùa vàng rộm.
“Hai phút ánh nắng xiên qua vòm khế cũng đủ để làm nên một thế giới khác” - ông nói khi háo hức khoe bức ảnh khế được chụp trong một khoảnh khắc hiếm hoi trong ngày.
Ra khỏi cửa ô Cầu Giấy, gặp bà cụ bán cốm trên vỉa hè đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) lại nghe thêm một tâm sự khác. Khoảnh sân bé tí trong ngõ Đa Lộc nhà bà vẫn còn đủ thúng mẹt dần sàng để làm cốm Vòng. “Ngày xưa đi hết ngõ Đa Lộc là cánh đồng nếp cái hoa vàng để người làng Vòng làm cốm. Giờ đi loanh quanh chỉ thấy nhà trọ cho sinh viên thuê. Ra nữa ngoài cánh đồng chỉ thấy nhà cao tầng san sát” - bà cụ thở dài.
Không chỉ Hạ Hồi, Phất Lộc..., Hà Nội có những tên ngõ mới nghe tên đã... thương. Ngồi trong ngõ Tạm Thương uống rượu buổi chiều, hóng được câu chuyện truyền khẩu về cái tên ngõ xuất phát từ chuyện tình tang của mấy anh lính trạm xa nhà và mấy cô gái có tính thương người cũng đủ thú vị. Tạm Thương với đặc sản là rượu, giờ có thêm món nem chua rán trở thành tình yêu “chung thủy” của nhiều người, chẳng hề thương “tạm”. Đi loanh quanh chút nữa là gặp ngõ Huyện, ngõ Trạm, ngõ Cấm Chỉ với những hàng quán mở cửa thâu đêm.
“Tên của những ngõ Hà Nội phản ánh những thời kỳ đô thị hóa của vùng đất ven nội xa xưa, thuở Hà Nội hãy còn nhỏ hẹp. Trong bán kính chưa đầy một cây số quanh ô Chợ Dừa có cả ngõ Thổ Quan lẫn ngõ Quan Thổ, mà có những ba ngõ Quan Thổ đánh số từ 1 đến 3, Quan Thổ là Quan Trạm gộp với Thổ Quan.
Một loạt ngõ quanh một khu đất phía nam Văn Miếu đều được mang chữ Văn như nhắc nhở về một quá khứ ảnh hưởng sâu đậm của Nho học trên vùng ven kinh thành này: Văn Chương, Văn Hương, Huy Văn...” - kiến trúc sư trẻ Nguyễn Trương Quý, tác giả của ba cuốn sách về Hà Nội Tự nhiên như người Hà Nội, Ăn phở rất khó thấy ngon, Hà Nội là Hà Nội, thống kê. Mới biết những hồi ức về ngõ chẳng phải là câu chuyện của riêng người già.
Quẩn quanh trong Ngõ
Chủ trương giãn dân phố cổ đã được Hà Nội ấp ủ từ nhiều năm nay, song sau rất nhiều lần các kế hoạch đều chưa được thực hiện.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, quận này đang hoàn thiện đề án giãn dân phố cổ, đề xuất những giải pháp thực hiện nhằm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 còn 500 người/ha vào năm 2020 (phải di chuyển 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người).
|
Ngõ có vui, có buồn, có đông chen thì người ta vẫn bám lấy ngõ. Sau khi lý luận rất dài về đủ thứ chuyện ngõ thì Nguyễn Trương Quý cảnh báo bằng giọng hóm hỉnh: “Nhìn ngõ đừng tưởng người Hà Nội thời đô thị hóa lam lũ. Cẩn thận sờ vào đứt tay, vì mỗi căn nhà trong ngõ bây giờ là đống vàng, chỉ cần rao là có người tới hỏi mua liền”.
Còn ông lão nhiếp ảnh Quang Phùng bảo người ta khổ quá, cùng đường mưu sinh mới bám lấy ngõ. Người bán hàng vặt phải có khách quen, có khi ra chỗ khác lại chẳng biết làm gì để sống. “Ngõ giờ hỏng hết rồi, cô ạ. Hà Nội cái gì cũng nhỏ mà người thì cứ ních vào từng ngày. Một ngõ vài chục hộ chia nhau bán đủ loại theo ca sáng - trưa - chiều - tối - khuya. Ngõ bỗng dưng chất đống đồ, thành ra nhếch nhác”.
Bà cụ Gái - một cư dân lâu năm ở phố cổ Hà Nội - bảo: “Các cụ ở được thì đời con đời cháu cũng ở được”, cả nhà bà vẫn sống chung trong một căn nhà bé tí trong ngõ. Ngày ngày, bà cụ đi tha thẩn trong ngõ tối ẩm ướt, nơi cả năm có khi chả thấy mặt trời vì bên trên người ta cơi nới che hết ánh sáng.
Ngõ nhỏ và sâu đến nỗi hai người đi cũng phải tránh nhau, thành ra xe máy hay xe cải tiến chở vật liệu là phương tiện giao thông gây nhiều rắc rối nhất trong những ngõ Hà Nội. Nguyễn Trương Quý đã gọi những không gian sống hình hộp diêm bên lối ngõ sâu thăm thẳm là khối xếp hình với những miếng ghép cổ quái khin khít. “Người ngõ nhỏ mua đồ đạc theo kích thước của ngõ chứ không phải theo diện tích căn nhà. Nhà trong ngõ bề ngang không mấy khi rộng quá 2m, nên chỉ toàn những đồ đạc nho nhỏ”.
Chết lại về Ngõ
Ngõ phố, đời người. Rất nhiều người Hà Nội đã được sinh ra trong ngõ, sống chật vật xoay xở trong không gian hẹp của ngõ, chết trong ngõ rồi xương cốt cũng hóa vào một mảnh đất bé bé nằm lại trong ngõ.
Ngõ 103 phố Pháo Đài Láng (quận Đống Đa) ai nhớ được đường đi cũng là kỳ tài. Lối vào nhỏ, lại lắm chỗ rẽ ngoắt ngoéo theo đúng “chuẩn” của bờ ruộng xưa vì làng sau khi lên phố, người ta xây nhà cao tầng to rộng nhưng chỉ trừ ra chừng đó làm lối đi. Đến vài chục năm nay, nghĩa trang trong ngõ này vẫn nghi ngút khói hương, lọt thỏm giữa mấy chục tòa nhà cao ngất.
“Khoảnh đất này nguyên thủy là ruộng rau. Người nằm dưới những mộ này chủ yếu là người làng cũ. Sau này có ai chết, hỏa thiêu xong người ta cũng mang tro cốt về đây chôn. Âu cũng là người làng quần tụ với nhau cả” - ông Trương Văn Thất, “hàng xóm” của nghĩa trang này, kể.
Ngăn cách giữa “nhà” người chết và nhà người sống đôi khi chỉ là một bức tường gạch cũ - nơi thành chỗ đặt bếp than tổ ong của những nhà quá chật trong ngõ. Đất nghĩa trang nên ai cũng lấn một tí, lâu dần thành ra âm phủ với dương gian chả mấy cách biệt.
Hỏi người trong ngõ rằng nhà cao tầng cứ xây lên nườm nượp thế này, bao giờ nghĩa trang bị dời đi thì nhận được câu trả lời: “Ai mà biết được, sống ở làng phải để các cụ yên nghỉ ở làng chứ!”. Cứ như thể lờ đi chuyện làng đã lên phố, đường bờ ruộng đã thành ngõ, nhà cao tầng kín cả bốn bề.
__________
(*) Tiểu thuyết Những ngõ phố, người đường phố (NXB Thanh Niên, 2004).
(TTCT)