Người Hà Nội là bạn tốt
Trong con mắt của David Shipley, một người Anh từng sống và làm việc tại Hà Nội 4 năm, được làm bạn với một người Hà Nội thì rất tuyệt, bởi họ luôn sống vui vẻ. Điều này trái ngược với thủ đô London (Anh) quê hương anh, con người luôn phải mang bộ mặt căng thẳng, già nua và mệt mỏi.
David thích cách mỗi người quan tâm đến cộng đồng xung quanh mình. Có lần trong khu chung cư mà anh sống tại phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có một người bị mất xe máy. Ngay sau đó cư dân ở đây đã có một cuộc họp, David cũng được mời tham dự. Đại diện của 60 căn hộ đã thống nhất: Mỗi gia đình tự nguyện giúp người mất xe máy một ít tiền để anh ấy mua xe mới.
Với Elena, cô gái đến từ Nga đã từng sống và gắn bó lâu năm ở Hà Nội, hiện đang làm việc tại Trung tâm văn hóa Nga lại cảm thấy người Hà Nội nồng ấm và thân thiện. Tuy họ rất nhiệt tình nhưng cũng rất ý nhị và cô thích cách giao thiệp vừa thân thiện, vừa chừng mực ấy.
|
David Shipley ở quán cà phê vỉa hè Hà Nội. Ảnh: Như Ý |
Trong khi đó, ấn tượng của cô gái đến từ xứ sở Kim Chi, Kim Kyoung Mi hiện đang học năm thứ hai lớp cao học tại Trường Đại học Ngoại thương rất ấn tượng về nét văn hóa truyền thống trong gia đình người Hà Nội. “Rất nhiều gia đình người Hà Nội có mấy thế hệ sống cùng nhau dưới một mái nhà”. Cô kể, mỗi khi nhớ nhà, cô lại muốn đến một gia đình người bạn ở Hà Nội để cảm nhận được tình yêu thương.
Cảm nhận của Kyoung Mi cũng rất gần gũi với sinh viên ShoukBaChai BounBaLith đến từ Lào. Cô còn nhớ rất rõ khi sang Việt Nam năm đầu tiên, cô có một giáo viên tiếng Việt. Lần đó, ShoukBaChai được cô giáo mời đến nhà dùng cơm. Khi các thành viên trong gia đình ngồi vào bàn ăn, cô thấy ai cũng mời: Con mời cả nhà ăn cơm rồi sau đó mời cha, mời mẹ, mời anh, mời chị. Kể cả người lớn cũng mời. Trong bữa ăn, những người trong gia đình còn gắp thức ăn cho nhau, thật tình cảm. Cô nói: “Khi về Lào, chuyện đầu tiên mà tôi kể với cha mẹ mình chính là chuyện đó”.
Nhưng bảo thủ và kiêu?
Kyoung Mi cảm thấy người Hà Nội bảo thủ hơn người ở những thành phố khác. Đặc biệt, người Hà Nội dường như khó tiếp nhận tốt những quy tắc trong kinh doanh dịch vụ. Ví dụ, khi vào quán ăn ở TP HCM, chỉ cần khách hàng tỏ vẻ không hài lòng, điều đầu tiên họ nhận được là lời xin lỗi. Ở Hà Nội thì ngược lại, họ sẽ hỏi: “Tại sao?” thay vì tìm ra một giải pháp làm vui lòng khách đến.
Trong khi đó David lại nhận ra sự mâu thuẫn trong chính cách cư xử của người Hà Nội. Người Hà Nội đối đãi với nhau rất lịch thiệp, nhưng có một số người có ý coi thường người từ nơi khác có vị trí không ngang bằng với mình. David ngạc nhiên có người Hà Nội gọi người từ tỉnh ngoài vào là “người nhà quê”. Anh càng lấy làm lạ khi Hà Tây hợp nhất về Hà Nội, người Hà Nội gốc lại gọi những vùng đó là “Hà Nội hai”.
Trong khi đó, Elena lại thấy sợ tính ưa hào nhoáng của một bộ phận người Hà Nội. Theo cô gái Nga này, chính sở thích quan tâm đến vẻ bề ngoài nhiều hơn mà người Hà Nội đã mua nhiều xe hơi sang trọng, sử dụng điện thoại, máy tính đắt tiền nhiều hơn cả ở quê hương cô. Một người bạn đến từ Anh làm nghề marketing ở Việt Nam cho biết, nếu làm marketing ở các nước châu Âu cần phải chú trọng đến tính tiện lợi, thực dụng của đồ dùng thì ở Việt Nam phải biết khai thác tính hay làm sang của một bộ phận người Hà Nội.