Lúc này nhiều nhà đang ăn bánh chưng, đang đoàn tụ vui Tết. Nhiều thời gian, lắm tản mạn. Vậy sao không xem những câu chuyện môi trường xa xưa. Nhiều chuyện xem cho vui, nghỉ dài thế cơ mà.
Nguyễn Ngọc Sinh, VACNE
Ai chẳng biết ngoại ngữ rất quan trọng, là thứ vũ khí buộc phải được trang bị cho những người muốn bước vào đời sống môi trường hiện nay. Không biết nói thế có quá không, nhưng lúc nào tôi cũng có suy nghĩ như vậy. Mỗi khu vực có một ngoại ngữ gần như “khu vực ngữ”. Còn “quốc tế ngữ” lúc này có lẽ là tiếng Anh, kể cả các biến thể của nó. Khu vực ASEAN cũng dùng tiếng Anh. Các quan chức ASOEN cũng sử dụng tiếng Anh. Nhưng, đừng tưởng các quan chức ASOEN chỉ nói tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh đâu nhé. Nhiều người nói tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha và rất nhiều người nói tiếng Hoa. Nhưng lần này, tôi tản mạn nhiều về tiếng Nga. Có nhiều lý do đấy.
Tôi biết tiếng Nga tàm tạm. Cũng dịch được dăm quyển sách, mươi bài báo. Hồi còn trẻ hăng lắm, gửi đăng khắp nơi. Có quyển được Nhà xuất bản cho in, có quyển chỉ để tự sử dụng. Có cơ quan thông tin phát hành nội bộ, có Tòa soạn cảm ơn và chỉ đánh máy 1 số bản để phục vụ lãnh đạo. Đôi lúc cơ quan cử đi phiên dịch, hoặc giúp phiên dịch. Có lúc tự nhận phiên dịch cho lớp học. Chẳng biết có được không, nhưng vẫn có cơ hội để sử dụng đều đều tiếng Nga. Đương nhiên, có học gì dịch thuật đâu mà hành nghề, nhưng được cái chịu khó học từ chuyên môn về môi trường, chịu khó học về môi trường, nên khi truyền đạt gặp nhiều thuận lợi. Có lần ông giáo sư Nga hỏi lại, sao ông nói ngắn mà tôi dịch dài thế. Bí quá nói liều là vì thuật ngữ này tiếng Việt chưa có, phải lấy ví dụ để cắt nghĩa. Ông giáo sư lại nói thế họ có hiểu không. Tôi bảo ông hỏi họ đi. Lớp học cười và vỗ tay hoan hô vì trong lớp cũng có nhiều người biết tiếng Nga. Chắc giáo sư đoán là họ hoan hô người dịch. Còn người dịch lại hiểu là họ hoan hô giáo sư vì giáo sư giảng hay lắm.
Tiếng Nga biết tàm tạm, còn tiếng Anh lõm bõm. Cùng với ASOEN dùng tiếng Anh, thường hay nói lẫn sang tiếng Nga. Có lần nghỉ giải lao, thấy có người hỏi bằng tiếng Nga “Anh học tiếng Nga ở đâu?”. Lại một chị nữa cũng hỏi vậy. Một lúc sau đã thấy 6-7 người cũng đàm thoại bằng tiếng Nga. Có cảm giác họ nói khá hay, không phân biệt được là người nước nào. Nói thế vì nghe các quan chức ASOEN nói tiếng Anh, không cần nhìn mặt cũng đoán được họ là người nước nào. Nhưng khi hát các bài ca môi trường, hay thường gọi “chuyên môn ca” như về đánh giá tác động môi trường, mọi người như quên hết mọi thứ, say sưa hát bằng mọi biến thể tiếng Anh. Tiếc là bài hát của nhạc sỹ họ Đỗ, bài đoạt giải nhất cuộc thi bài hát Châu Á – Thái Bình Dương, mặc dù lời bằng tiếng Anh rất chuẩn, lại chưa được phổ cập rộng rãi trong khu vực.
Dạo học môi trường ở Bangđun Inđônêxia là được sử dụng tiếng Nga khá nhiều, không kể lớp tập huấn môi trường bằng tiếng Nga ở Nairobi, Kenya đầu những năm 80 thế kỷ trước. Té ra ở Inđô, rất nhiều người biết tiếng Nga, trong số đó không ít người học tiếng Nga ở ngay đất Liên Xô. Hồi học ở Inđô, tôi và một cán bộ Bộ Ngoại giao cùng được dự. Anh cán bộ Ngoại giao là phiên dịch, rất giỏi tiếng Anh. Anh cũng cố giúp tôi, vì tài liệu toàn bằng tiếng Anh. Cùng học, nên cả 2 hiểu bài khá kỹ. Khi có bài tập giả định, anh đóng vai Bộ trưởng Đầu tư, còn tôi là Bộ trưởng Môi trường. Theo hướng dẫn của bài tập, tôi cố gắng thế nào cũng không xin được quá 2% GDP cho môi trường. Tức quá, tôi thề là khi nào có Bộ Môi trường ở Việt Nam, nhất định phấn đấu xin ít nhất là 1% GDP cho môi trường. Chưa đầy 10 năm sau, việc kiến nghị xin đó thành sự thật. Bắt đầu từ năm 1994, trong các Báo cáo hiện trạng môi trường trình Quốc hội hàng năm, kiến nghị trên luôn được nhắc tới. Có thể kiểm tra được, nhưng tất nhiên không phải là do “lời thề” của tôi đâu. Còn anh bạn ở Bộ Ngoại giao cũng nói rằng, chắc sau này sẽ theo nghề môi trường thôi. Và rồi anh ta làm thế thật, hay là do môi trường có sức hút ma thuật nào đó? Anh ta được đi dự Hội nghị thượng đỉnh RIO, rồi chuyển dần sang môi trường và cuối cùng đứng đầu Văn phòng của một tổ chức quốc tế về môi trường đóng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi học được nhiều từ 3 tuần tập huấn ở Inđo còn nhờ tiếng Nga. Số lượng học viên nước chủ nhà khá đông, do vậy trong các tổ thảo luận, thực hành họ cũng chiếm quá nửa. Và tôi có dịp sử dụng tiếng Nga nhiều hơn thứ tiếng Anh lõm bõm của mình. Hồi đó học được gì là sau này vận dụng luôn. Thật là may.
Lớp học tổ chức 1 số chuyến thăm quan. Đến Di sản thế giới là 1 ngôi chùa cổ, chiếm cả quả đồi cao. Rồi đến miệng núi lửa, nước xanh lè. Nhìn khói xanh bốc lên và ngửi mùi diêm sinh nồng nặc mà khiếp. Cũng ghê ghê khi nghĩ nhỡ nó đột ngột phun lửa thì chạy sao kịp. Cả Indo có tới mấy trăm ngọn còn hoạt động kia mà. Nhưng nhớ nhất là lúc vào thăm Bảo tàng Bangđum nơi diễn ra Hội nghị các nước đang phát triển hồi nào. Được đến đúng chỗ Bác Phạm Văn Đồng và Đoàn Việt Nam ngồi còn cả ảnh ở đó. Nhớ đến giọng sang sảng và đôi mắt rạng ngời, thông minh của Bác Đồng mà rất xúc động. Chắc lúc đó Bác đã dùng tiếng Pháp, thứ tiếng Pháp thứ thiệt rồi. Ra về, như có thêm nhiệt tình, nghị lực học môi trường.
Nhóm tiếng Nga cứ lẳng lặng hoạt động trong một lớp học sử dụng tiếng Anh. Những người giỏi tiếng Nga hơn tiếng Anh cứ trò chuyện bằng tiếng Nga khi gặp nhau ở mọi nơi. Tôi cũng bật mí là trong các cuộc họp do Liên hợp quốc tổ chức, khi sử dụng đồng thời cả 5 thứ tiếng, tôi và tất nhiên không chỉ mình tôi luôn bật nút tiếng Nga. Lấy tài liệu tiếng Anh rồi, dù đã nặng mấy cũng cố lấy thêm bản tiếng Nga để tiện sử dụng riêng.
Đấy là bất đắc dĩ thôi. Thời buổi này phải cố học thêm tiếng Anh, thứ tiếng rất thông dụng và sẽ tiếp tục thông dụng hơn. Biết thêm 1 ngoại ngữ là thêm kiến thức, phương tiện. Vì vậy, cố học thêm ngoại ngữ, không khi nào muộn. Đừng cả tin những người nói rằng, người Nga và người Anh là kém ngoại ngữ nhất. Đúng là ở Việt Nam, tôi biết nhiều người sử dụng thành thạo 1,2,3 thậm chí là 4,5 ngoại ngữ của Liên hợp quốc. Đó là những tấm gương cần noi theo.
Viết đến đây chợt nhớ đến một số công trình nghiên cứu về môi trường vừa đọc. Sao mà khiếp thế, cả một danh mục tài liệu tham khảo dài dằng dặc, có khi có số thứ tự trên 100, chỉ có 1 vài tài liệu tiếng Việt, mà lại là Luật hoặc báo cáo quốc gia, còn toàn tiếng Anh. Cố đánh vần vài tài liệu, trong số đó, thấy thượng vàng hạ cám. Có thể vì là vấn đề quá mới, mình phải học từ đầu chăng? Nhưng cũng không hẳn, vì nội dung công trình không thật khớp lắm. Những ai kém ngoại ngữ phải cố học thôi, đừng nghĩ là tác giả công trình muốn dọa dẫm hoặc thể hiện này nọ. Nhưng cũng phải xem xét cụ thể. Trong một cuộc họp hội đồng một Thầy chắc là muốn trị thói xính ngoại, lòe bịp, thử hỏi diễn giải công trình 10 trang tài liệu tham khảo tiếng Anh rằng, ý kiến cụ thể của diễn giả về kết luận thứ 5 của công trình số 101 là thế nào. Diễn giả đúng là giả thật, bảo đấy là tài liệu của báo cáo chuyên đề, nên không thật rõ lắm. Rất tiếc tác giả chuyên đề hôm nay không có mặt. Cần khiêm tốn nhé. Các cửa hàng treo đầy biển tiếng Anh, nếu chưa biết cũng phải cố học cho biết, ít nhất là các biển đó, cho sành điệu. Nào hot này nọ, nào xtin, helo, nào MC trên Ti vi đến bác xe ôm cũng oke. Thời buổi hội nhập có khác. Khi nói chuyện, cũng cố nói kiểu tiếng Anh, đừng nói kiểu i-u-xê-en, mà phải là ai-u-xi-en. Thế mới là môi trường.
Chao ôi, khó nhỉ. Nhưng mà cố là được. Không có ngoại ngữ, khó có môi trường./.