Ngoài cảnh sắc thiên nhiên sông nước, những con sông bao giờ cũng gắn liền với lịch sử phát triển kinh tế và mang nặng dấu ấn bản sắc văn hoá của vùng đất nó chảy qua.
|
Sương sớm Thu Bồn. Ảnh: La Thanh Hiền |
Hồ Sĩ Bình
Ở xứ Quảng, sông Thu Bồn còn như dòng sữa ngọt ngào từ bao đời nuôi dưỡng cư dân đôi bờ. Thế nên từ lâu, mỗi lần có bạn ở xa về Đà Nẵng chơi, tôi thường đưa bạn chơi thuyền dọc sông Thu.
Thuyền chúng tôi xuất bến tại Vĩnh Điện từ sáng sớm, ngược lên từ ngã ba Giao Thuỷ đã thấy biêng biếc nương dâu bên con sông Thu. Chợt ai đó trong nhóm thốt lên hai câu của Bùi Giáng: Hỏi tên rằng biển dâu ngàn / Hỏi quê rằng xứ mơ màng đã quên.
Chính nơi biền dâu xanh ngắt này với một nền văn nghệ dân gian bên sông nước đã tạo một dấu ấn sâu nặng trong cách sử dụng thủ pháp nghệ thuật tu từ, cách luyến láy, thay đổi cấu trúc từ, lối ẩn dụ lắt léo đến cái đùa cợt nửa quên nửa nhớ đều phảng phất hơi thở của những điệu lý, điệu hò nước ngược nước xuôi, hò đò ngang đò dọc, nhất là hát hái dâu, hát kéo sợi thông minh, tinh nghịch, lạc quan nhưng cũng đậm nghĩa si tình.
|
Biền dâu ven sông Thu. Ảnh: La Thanh Hiền |
Chắc ai cũng còn nhớ mối tình lãng mạn, say đắm giữa cô gái hái dâu và chúa Nguyễn Phước Lan với câu hò da diết:
Tai nghe Chúa ngự thuyền rồng
Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa
Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu
Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình...
Dòng sông này cũng đã hình thành từ rất sớm những làng nghề cổ xưa trồng dâu nuôi tằm dệt vải. Về nghề dệt vải truyền thống, sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn từng ghi "Người Phủ Thăng, Phủ Điện dệt được các the đoạn, lụa là hoa xoè, tinh xảo chắng kém gì Quảng Đông".
Những ruộng vườn cây trái, biền dâu, nong tầm dệt vải, cá tôm thuỷ cầm cùng những làng nghề truyền thống nức tiếng cả nước như gốm Thanh Hà, đúc đồng Phước Kiều, mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế, lụa Mã Châu, làng bánh tráng Phú Chiêm, nón Quế Minh... cùng những sản vật đặc trưng như bắp Hội An nổi tiếng ngon ngọt, dưa hấu Gò Nổi ngọt mát căng nước, thịt bò Cầu Mống và biết bao khoáng sản như than Nông Sơn, những mỏ vàng sa khoáng ở Hiệp Đức, mỏ vàng Bồng Miêu.
Dọc theo sông Thu vô số những bến đò, chợ quê bên sông, những Phú Thuận, bến Dừng, Đại Bường, Trung Phước với sinh hoạt còn đậm đặc màu sắc dân dã xứ Quảng. Những làng mạc chợ quê bình dị, hồn hậu đến không ngờ, ta sẽ gặp lại như những kỷ niệm tưởng chỉ còn trong ký ức. Vẫn còn đó những người mẹ, người chị với quả mướp, quả bầu, con gà trống tía nôn nao gồng gánh về kịp buổi chợ. Vẫn bóng mẹ nơi quán nước chè đợi đò bên sông, mấy nụ cười trong trẻo “như mùa thu toả nắng” của mấy cô hàng xén, tất cả lấp lánh trong lành dưới nắng mai.
|
Sông Thu đoạn dưới chân núi Cà Tang (Nông Sơn, Quảng Nam). Ảnh: La Thanh Hiền |
Chợ Trung Phước trên bến dưới thuyền, buôn bán sầm uất nhất trong vùng. Ngôi chợ có từ rất sớm, cái thuở Quảng Nam còn mang tên Phủ Điện Bàn, còn giữ lại trong mình hình ảnh đông vui của chợ quê vùng trung du rộn rã tiếng gà. Ăn một tô mì Quảng đơn sơ nơi lều quán tập toàng, hương vị rơm rạ chân quê thấm vào tận chân răng cứ bổi hổi bồi hồi. Sống, ai cũng chẳng bước ra từ quá khứ, con người trong ý thức tìm lại mình cũng cần tìm lại nơi mình soi bóng, đi chợ quê bên dòng sông Thu là cách về lại nơi xưa cũ.
Từng có người ví sông Thu của xứ Quảng như sông Hằng của Ấn Độ, nó không chỉ là người mẹ phù sa góp phần làm nên châu thổ mà còn là hình ảnh của lịch sử từ xửa xưa cho đến ngày nay, mang trong mình một nền văn hoá bản địa được tiếp truyền qua nhiều thời kỳ. Mà lạ thay, ngay bờ bắc và bờ nam sông Thu dù đã có sự giao thoa, cộng hưởng nhưng đã có sự khác biệt về văn hoá, biểu hiện qua giọng nói, sinh hoạt và lễ hội, chưa kể những di chỉ còn lưu dấu bên sông. Ở bờ nam, nền văn hoá Chăm còn in đậm trong sinh hoạt và phong tục lễ hội của cư dân.
Lễ hội bà Thu Bồn hàng năm vào ngày 12 tháng Hai (âm lịch) được tổ chức ở làng Mỹ Lược rất trọng thể, mà quan trọng nhất là lễ rước nước. Người ta múc nước từ dưới sông Thu đổ vào chum rồi đội trên đầu rước về làng trong niềm tôn kính và ngưỡng mộ dòng sông. Ở Hiệp Đức, phía thượng nguồn, phía sau Am Bà người dân dựng một ngôi nhà dài, dựng bàn thờ ở đầu nóc rồi treo chiếc thuyền đua lên. Mỗi năm tham dự hội đua thuyền, trước và sau khi thi dân làng đều làm lễ tế. Những nghi lễ quanh chiếc thuyền đều nhằm tôn vinh người mẹ giang hà trong đời sống tâm linh của cư dân.
Cả những tên gọi bến Sé, Tí Lở, Tí Bồi... đầy âm hưởng của nền văn hoá phồn thực. Lý giải điều này, có nhà nghiên cứu đã cho rằng, phía bắc sông Thu Bồn đến nam đèo Hải Vân đã thuộc Việt Nam từ năm 1306, còn bờ nam sông Thu Bồn chỉ thuộc Việt từ năm 1402, nhưng chỉ trong vòng 5 năm rồi nhập trở lại với Chămpa, mãi đến 1471 mới thuộc hẳn về Việt Nam. Chưa kể khi chia địa giới thời vua Lê Thánh Tông, bắc Quảng Nam vẫn thuộc về Thuận Hoá cho dù cách trở đèo Hải Vân, một đường đèo vô cùng hiểm trở. Khó có một dòng sông nào mang trong mình dấu tích của lịch sử bởi sự giao thoa tiếp biến văn hoá đôi bờ nhưng trong sâu thẳm vẫn có sự khác biệt với những đặc trưng riêng như Thu Bồn.
|
Làng cây trái Đại Bường. Ảnh: La Thanh Hiền |
Những lần xuôi ngược sông Thu, tôi luôn nghĩ đến một tour du lịch sông nước, sinh thái, làng quê rất ấn tượng và hấp dẫn cho du khách khi về Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhưng lần mới đây vào mùa khô năm ngoái, tôi thật sự lo ngại cho dòng sông. Nhiều đoạn sông, thuyền mắc cạn không đi được. Chúng tôi phải nhiều lần cùng người lái đò vượt cạn.
Ghé vào chơi làng Đại Bường, một làng cây trái chẳng khác miệt vườn Nam bộ với đặc sản chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... Anh Hai Đới, chủ vườn từng đãi chúng tôi món rượu sầu riêng uống trong đêm khuya với hương vị khó quên, rầu rĩ thở dài: "Lũ lên cao quá, cao chưa từng thấy, cây trái hư hại hết".
Và những thông tin về mấy đợt lũ liên tiếp mấy năm gần đây: Lũ cuốn trôi cả một thôn ở Đại Lộc; lũ lùa về cơ man nào là cây bị đốn tấp vào bờ thành một bãi gỗ khổng lồ... Dòng sông mỗi năm mỗi khó tính và trở chứng, trở nên hung hãn, cuồng nộ trong mùa lũ rồi nhanh chóng khô cạn kiệt sức trong mùa khô. Bên bờ bắc, nhiều đoạn bị lở nặng nề khoét sâu vào đất liền, nhiều làng mạc có nguy cơ bị biến mất.
Buổi chiều đứng trên Hòn Kẽm - Đá Dừng, nơi dòng sông hẹp lại bởi vách đá đôi bờ, con nước đổ dài trong âm vang của rừng già ồ ạt tuôn xuống, nhà văn Thái Bá Lợi đứng trầm ngâm nhìn sông đăm đắm mà tiếc nuối: Trên một dòng sông mà mấy chục cái thuỷ điện, hàng ngàn hecta rừng không ngừng bị tàn phá nặng nề, có chiều hướng ngày mỗi tăng; cát thì bị khai thác vô tội vạ, bảo sao… Với cái lối ứng xử vô đạo với thiên nhiên, con người thực sự đã gieo nhân nào gặp quả ấy, kiểu này đừng có trách “trời gần trời xa” gì cả…
Vâng, sẽ rất tiếc nếu dòng sông Thu - người mẹ giang hà ôm ấp cả một vùng đất thiêng liêng đã viết nên những huyền thoại sử thi của đất Quảng, một dòng suối văn hoá truyền thống đậm đà màu sắc làng quê miền Trung, một tuyến du lịch sông nước thú vị, nếu không kịp thời ngăn chận những tàn phá do con người dù vô tình hay cố ý, sợ mai này chẳng còn giữ được hình bóng đẹp đẽ trong tâm thức của những ai từng yêu quý nước non.
|
Sông Thu Bồn nhìn từ đèo Phường Rạnh. Ảnh: La Thanh Hiền |
(TB KTSG)