Những gốc cây săng lẻ vài trăm năm tuổi tại xã biên giới Quảng Trực (Tuy Đức, Đắk Nông) vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường công nhận là quần thể Cây di sản Việt Nam.
Cánh rừng nơi những cây di sản này sinh sôi và phát triển nằm trải dài trên diện tích khoảng 3,8ha. Hàng trăm gốc săng lẻ (thường gọi là bằng lăng) thân mọc thẳng tắp, vươn mình đón nắng sau những ngày mưa dài.
Chủ tịch Công ty Nam Tây Nguyên Nguyễn Ngọc Bình nói rằng những cây bằng lăng này đều có tuổi đời trên 100 năm, trong đó cây lớn nhất đã gần 600 năm tuổi.
Năm 2020, trong một lần đi tuần tra, bảo vệ rừng, cán bộ và nhân viên của công ty đã phát hiện ra quần thể cây bằng lăng này. Rừng bằng lăng nằm cách trung tâm xã Quảng Trực khoảng 30km, giáp Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước).
Qua kiểm đếm, khu vực trên có hàng trăm gốc cây lớn nhỏ, cây lớn nhất có đường kính từ hơn 3m, cao trên 60m, những cây nhỏ hơn đều có kích thước đường kính trên 70cm.
Thời điểm phát hiện ra quần thể bằng lăng, cán bộ và nhân viên bảo vệ rừng rất sung sướng và ngỡ ngàng. Do nằm sâu trong rừng, lại ít người đi lại nên gần như rừng bằng lăng vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên và mang ấn tượng kỳ vĩ của chốn "thâm sơn cùng cốc".
"Ngay sau khi phát hiện ra quần thể bằng lăng này, chúng tôi đã nghĩ ngay đến chuyện làm gì để bảo vệ và phát huy giá trị của chúng. Phương án tốt nhất được đưa ra là xin công nhận đây là quần thể cây di sản. Trên cơ sở đó, tháng 5 vừa qua, quần thể 36 cây bằng lăng và một cây đa đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường công nhận", ông Bình cho hay.
Cử người bảo vệ cây
Do nằm sâu trong rừng lại được cán bộ và nhân viên của Công ty Nam Tây Nguyên bảo vệ nghiêm ngặt nên thời gian qua rừng bằng lăng "độc nhất vô nhị" ở Đắk Nông tồn tại gần như nguyên vẹn.
Cây di sản tại Việt Nam được công nhận ở nhiều tỉnh, thành phố và mỗi loại cây đều có đặc trưng riêng. Rừng cây tại xã biên giới Quảng Trực cũng vậy. Quần thể cây di sản không đơn thuần là những cá thể thực vật mà nó sẽ phục vụ cho nghiên cứu khoa học của ngành chức năng và tương lai sẽ trở thành một địa điểm văn hóa tinh thần của người dân.
Rừng tại Nam Tây Nguyên là rừng cây nhiệt đới, có nhiều cây thân gỗ đặc hữu như sao, dầu, bằng lăng… Bên cạnh ý nghĩa về mặt lịch sử, yếu tố quan trọng nhất là trong việc công nhận quần thể cây di sản là bảo tồn, phát triển nguồn gen.
"Có thể từ những gốc bằng lăng cổ thụ này, các nhà nghiên cứu khoa học sẽ tìm hiểu khả năng thích nghi khí hậu, hệ sinh thái. Đặc biệt, nhờ tồn tại qua hàng trăm năm, việc nghiên cứu sâu quần thể bằng lăng sẽ cho giới khoa học những căn cứ trong việc nghiên cứu khả năng kháng sâu bệnh, sinh trưởng, phát triển của cây giống", ông Bình nói.
Theo phương án Phát triển rừng bền vững (đã được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt), đơn vị sẽ tạo ra những lối đi bộ, đưa du khách tới tham quan, trải nghiệm vẻ đẹp của rừng bằng lăng, từ đó mong muốn nâng cao nhận thức của mọi người về bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường.
Ông Phạm Hòa Dũng, Giám đốc Công ty Nam Tây Nguyên, cho biết thêm việc công nhận quần thể bằng lăng và cây đa là quần thể Cây di sản Việt Nam vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm đối với công ty.
Bên cạnh việc quản lý, bảo tồn nguyên vẹn quần thể phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế rừng, việc bảo vệ rừng bằng lăng trước những lưỡi dao, nhát cưa của lâm tặc là rất quan trọng.
"Có thể từ đây, chúng ta sẽ phát hiện thêm nhiều quần thể nữa nên việc bảo vệ, bảo tồn là yếu tố then chốt, quyết định. Chúng tôi đã cắt cử cán bộ, nhân viên thường xuyên tuần tra, kiểm soát khu vực, kiểm soát người lạ ra vào khu vực có rừng để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra", ông Dũng cho hay.