quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024

Nâng quan trí để chống biến đổi khí hậu

Thứ Hai, 27/03/2023 | 05:41:00 PM

(VACNE ) - Hàng chục năm tuyên truyền trực tiếp tới bà con về tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), TS Phạm Đức Thi, Ủy viên Ban Chấp hành VACNE luôn trăn trở khi thấy ai cũng nghĩ “con ngáo ộp” BĐKH chẳng ảnh hưởng gì đến nồi cơm của mình, trong khi nó đã ngồi chễm chệ trong từng nhà. Tri ân Tiến sỹ, Web Hội trích đăng bài trên báo Khoa học và Phát triển với tiêu đề: TS Phạm Đức Thi; Nâng quan trí để chống biến đổi khí hậu.

A group of people standing on rocksDescription automatically generated with medium confidence

TS. Phạm Đức Thi (đi thứ 2) trong chuyến khảo sát Khu BTTN Phù Hoạt, Nghệ An

Xót xa khi người nghèo “lãnh đủ”

Gần 40 năm gắn bó với ngành khí tượng, thủy văn, hiểu rõ những tác động trực tiếp của BĐKH đến đời sống người dân, TS Phạm Đức Thi đã dành rất nhiều tâm huyết để tuyên truyền mối hiểm họa này. TS Thi kể, hơn chục năm nay, ông cùng các nhà khoa học tham gia dự án của Quỹ Môi trường toàn cầu chống BĐKH, thực hiện những chuyến tuyên truyền trực tiếp tới cộng đồng về tác hại của BĐKH. “Nơi chúng tôi đến là những xã nghèo nhất của huyện nghèo nhất, những huyện nghèo nhất của tỉnh nghèo nhất. Có đi mới thấy sự cơ cực của người dân khi phải đối mặt với BĐKH. Thương thay, nhiều người không hiểu, không biết và cũng không nghe nói đến BĐKH, chỉ nghĩ đơn giản trời rét thì làm sao chống rét, trời hạn thì làm sao có nước. Đồng bào các dân tộc miền núi phía bắc mỗi mùa đông lạnh, mỗi đợt tuyết rơi, nước đóng băng… cũng “khô héo” theo từng con trâu, con bò. Người dân ở những vùng như Cẩm Thủy (Thanh Hóa), vùng Ninh Thuận, Bình Thuận… do hạn hán kéo dài quá lâu, đất đai quá khô cằn không thể sản xuất đã đành, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa cũng tăng đột biến do chẳng có nước mà giữ vệ sinh. Những câu chuyện xót xa như thế cứ ám ảnh tôi mãi, day dứt không nguôi” - vị tiến sĩ tâm sự.

Ông bảo, “tội phạm” gây BĐKH không phải người nghèo, nhưng chính họ phải “chịu trận” nhiều nhất khi BĐKH xảy ra. Thi thoảng có dự án nước ngoài tài trợ phát triển mô hình ứng phó với BĐKH, nhưng khi dự án kết thúc thì mô hình lại “đắp chiếu” do không có kinh phí duy trì.

Chống BĐKH phải nâng cao “quan trí”

TS Phạm Đức Thi cho biết, nếu như cách đây mươi - mười lăm năm, người ta nghĩ BĐKH vẫn còn là cái gì xa xôi lắm thì nay nó đã hiện hình rõ nét. Thời tiết thay đổi bất thường, mùa lạnh thì nóng, mùa nóng lại lạnh, đã nóng thì cháy da cháy thịt, lạnh cũng tê tái buốt giá. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối phó với tình trạng xâm nhập mặn, miền Trung năm qua nắng hạn đến mất mùa. Liên Hợp Quốc đánh giá, Việt Nam là một trong 10 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai, BĐKH với hơn 9.600 người chết và mất tích do thiên tai trong 15 năm qua. Thiệt hại vật chất là 1,5% GDP.

Điều khiến TS Phạm Đức Thi rất buồn là dù có nhiều văn bản, kế hoạch và đã chi không ít tiền cho phòng, chống BĐKH nhưng hiệu quả vẫn chưa được bao nhiêu. Theo ông, cán bộ chính là đối tượng đầu tiên cần được giáo dục, tuyên truyền, vì ra quyết sách là do cán bộ, thực hiện quyết sách cũng phải từ cán bộ. Nâng cao “quan trí” là góp phần chống BĐKH, nhưng thực tế các chương trình tập huấn ở địa phương đa phần là cho người dân. “Các cuộc hội thảo có tổ chức long trọng một chút thì cán bộ cũng chỉ dự lúc khai mạc rồi về, thế thì làm sao họ có thể “thấm được” mình phải làm gì để chống BĐKH. Các kế hoạch hành động cho địa phương đưa xuống nhiều khi cũng chỉ “nằm đắp chiếu” do cán bộ nghĩ nó chẳng quan trọng. Nhiều khi người ta không nhận thức được mình đang đánh đổi tương lai để lấy hiện tại. Ai ai cũng thích cái lợi trước mắt, ít người nghĩ rằng thế hệ con cháu mình sẽ phải trả giá” - nhà khoa học bức xúc.

Ông lấy ví dụ việc phá rừng làm thủy điện, phá rừng trồng càphê, caosu…, ai cũng thấy lợi ích trước mắt sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, nhưng không nhiều người ý thức được rằng bão, lũ, sạt lở, thiên tai cũng từ đó mà ra; hay chuyện khai thác khoáng sản - thấy nhiều là khai thác lấy được, đến mức khoáng sản đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, sau này lấy gì mà khai thác nữa? Liệu số tiền thu được ấy có bù đắp nổi những thiệt hại nó đem lại không? Khi thiên nhiên đã nổi giận, sức tàn phá của nó ghê gớm lắm, nó có thể hủy diệt cả một vài thế hệ. Thời gian qua, chúng ta đã mặc nhiên chấp nhận quan niệm cứ làm đã, sau này ra sao thì ra, giờ phải làm giàu đã. Nếu cán bộ mà thấy trước được điều đó thì chắc chắn đã có những hành động ứng xử phù hợp, việc tích hợp BĐKH vào các chương trình, mục tiêu của địa phương cũng sẽ được làm một cách thiết thực hơn là chỉ hô hào cho có.

Nỗi day dứt của nhà khoa học

Trước đây, TS Phạm Đức Thi làm công tác dự báo ở Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia. Từ thời sinh viên đến khi đi làm, công việc đó là một phần cuộc đời ông. Nhờ đam mê, ông đã có nhiều đóng góp cho ngành. Nhưng làm cái nghề này, một chiếc lá rụng cũng có thể là chỉ dấu cho thời tiết biến chuyển khác với dự báo, nên nhiều trăn trở lắm. Ông kể: “Tôi nhớ mãi hồi còn làm việc ở Trung tâm Khí tượng - Thủy văn, chiều nào cũng có một người làm ở công ty giấy đi qua hỏi tôi thời tiết ngày mai thế nào. Lần nào tôi cũng trả lời, dù không có hợp tác hay kinh phí gì. Một lần ông ấy đến hỏi ngày mai có nắng không để phơi giấy, tôi khẳng định là ngày mai nắng, ông cứ yên tâm phơi. Nhưng chỉ ngay sau đó 15 phút, nhìn vào các thông số đo đạc tôi đã biết là ngày mai sẽ mưa. Muốn liên lạc với ông ấy nhưng không có số điện thoại, cũng chẳng biết ông ấy là ai, lòng tôi như lửa đốt. Quả đúng, hôm sau trời mưa lớn. Hôm sau nữa ông ấy đến, trách móc tôi. Nỗi day dứt theo tôi từ đó tới giờ”.

…Từ khi bắt đầu lặn lội giảng dạy về BĐKH, nỗi ám ảnh của ông chuyển sang người dân nghèo. Cái nghèo đeo đẳng đã khổ, bị “trời hành” còn khổ gấp vạn lần. Những căn nhà bị lũ quét nuốt trọn, những “đầu cơ nghiệp” nằm chỏng vó chết vì giá rét, những bữa cơm mà hạt gạo trở nên xa xỉ do hạn hán chẳng thể trồng cấy… trở thành nỗi ám ảnh để vị tiến sĩ dành hết sức mình lặn lội, những mong sẽ khắc phục được một phần nào sức tàn phá kinh khủng của thiên tai từ chính hành động của mỗi người.

Lượt xem: 763

Các tin khác

Nghiên cứu đánh giá về đốt mở và sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người ở Việt Nam là hoạt động thiết thực và có triển vọng.

(18/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn “Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung”

(17/04/2024 11:22:AM)

(THPT) video “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(17/04/2024 10:42:AM)

(VTV) – Video Lễ hội Đền Hùng 2024: Lan toả thông điệp "Khát vọng xanh"

(17/04/2024 10:24:AM)

Lan tỏa thông điệp “Khát vọng xanh” đến cộng đồng tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(15/04/2024 12:50:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 3/2024

(10/04/2024 07:46:PM)

Bốn đơn vị được Hội BVTN&MT Việt Nam tặng Bằng khen “ Vì Môi trường Xanh quốc gia năm 2024”

(10/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn về: “Rủi ro đối với môi trường và sức khỏe từ hoạt động của đốt lộ thiên” tại khu vực phía Nam

(10/04/2024 02:07:PM)

Triển khai Chương trình “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(09/04/2024 05:06:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE