EPA chính thức phán quyết rằng, 6 loại khí nhà kính do con người tạo ra, mà trước hết là CO2, đe doạ nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Tuyên bố này cho phép EPA yêu cầu cắt giảm phát thải mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội. Đầu năm tới, EPA sẽ công bố các tiêu chuẩn liên bang đầu tiên về khí thải đối với xe ôtô, các nhà máy điện hay các ngành công nghiệp nặng khác.
EU và LHQ đã lên tiếng hoan nghênh tuyên bố của chính quyền Mỹ. Nhìn chung, tuyên bố này được cho là một động lực mới mẻ và rất kịp thời để thúc đẩy các cuộc đàm phán ở Copenhagen và thể hiện cam kết của chính quyền Obama trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH), đồng thời tạo vị thế mạnh mẽ hơn cho ông tại hội nghị, khi mà dự luật chống BĐKH của Mỹ vẫn bế tắc ở quốc hội.
Joe Mendelson - Giám đốc chính sách về ấm lên toàn cầu của Liên đoàn Động vật hoang dã quốc gia - nhận xét: "Hành động của EPA đem lại cho ông ấy quyền bổ sung là nếu quốc hội không thông qua luật BĐKH, thì EPA có thể đưa nước Mỹ vào con đường thực hiện các mục tiêu khí hậu của tổng thống".
Tuy nhiên, tại Mỹ, các hội doanh nghiệp cho rằng, tuyên bố của EPA sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế trong bối cảnh Mỹ vừa nổi lên một chút sau suy thoái dài. Keith McCoy - Phó Chủ tịch về chính sách năng lượng của Hiệp hội các Nhà sản xuất quốc gia nói, EPA sẽ đặt thêm gánh nặng lên các nhà sản xuất, làm mất việc làm và làm tăng giá năng lượng. Các tiêu chuẩn cắt giảm khí nhà kính mới sẽ khiến các ngành công nghiệp phải thay thế thiết bị mới có hiệu quả hơn về năng lượng, xe hơi cũng vậy, để chuyển sang các hình thức năng lượng sạch hơn.
Tiến trình này tốn kém tới hàng tỉ USD, thậm chí hàng chục tỉ USD cho các ngành công nghiệp. EPA chưa tính toán chi phí của các quy định mới, song ước tính chi phí ban đầu cho ngành công nghiệp ôtô là khoảng 60 tỉ USD. Luật Chống BĐKH của Quốc hội Mỹ sẽ dễ chấp nhận hơn về mặt chính trị với ông Obama, vì nó đại diện cho thoả hiệp giữa giới doanh nghiệp, các chính trị gia và các lợi ích khác thay vì thông qua một phán quyết áp đặt.
Dự luật này, nếu được thông qua sẽ là sự hậu thuẫn chính trị cho EPA và về nguyên tắc, việc sử dụng cả dự luật này lẫn cơ chế của EPA sẽ giảm phát thải của Mỹ nhiều hơn so với mục tiêu từ giờ cho đến năm 2020 là sẽ cắt giảm 17% khí nhà kính so với mức của năm 2005 mà Mỹ đề ra trước Hội nghị Copenhagen. Tuy nhiên, dù hạ viện đã thông qua dự luật này, thì ở thượng viện tiến trình không thể tiếp tục trước tháng 3.2010.