Tết sớm của người Hà Nhì
Tết của dân tộc Hà Nhì ở huyện Mường Tè, Lai Châu được tổ chức vào ngày con Rồng đầu tiên của tháng 12 dương lịch sau khi được sự bàn bạc thống nhất của hội đồng già làng, trưởng bản. Trước kia, Tết diễn ra trong vòng 7 ngày 7 đêm, nhưng đến nay đã rút lại chỉ còn 3 ngày 3 đêm. Trong những ngày này, các gia đình sẽ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mà chuẩn bị cỗ, thông thường nhà nào cũng mổ lợn, vì ban thờ không thể thiếu thịt lợn, ngoài ra có rượu, gạo, bánh cha lê (bánh trôi) và lá chè tươi, các loại hoa quả, các sản vật trồng trong vườn nhà, mỗi thứ một ít. Mọi người trong gia đình tập trung ở nhà trai trưởng làm lễ cúng bái, cầu mong sức khỏe, may mắn, mưa thuận gió hòa.
Ngày Mồng Một Tết, người Hà Nhì rất thích các em bé từ 12 tuổi trở xuống, không kể trai gái đến xông nhà, coi đó là điều may mắn cho gia đình. Sau bữa cơm tụ họp, mọi người lựa chọn trang phục truyền thống dân tộc đẹp nhất để đi hát, đi chúc Tết từ bản nọ sang bản kia. Thanh niên tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: đánh cầu lông gà, hát giao duyên, đánh cù...
Tết của người H'Mông
Những chàng trai cô gái H'Mông dập dìu trong điệu khèn đón Xuân
|
Tết của người H'Mông thường tổ chức giữa mùa Đông giá rét, trước hay sau Tết dương lịch mấy hôm. Ðêm Giao Thừa các gia đình thường cử con trai đi "mở nước", tức là đi lấy nước ngoài sông suối đem về nhà cúng tổ tiên. Đối với người H’Mông, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm Mồng Một là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Tối hoặc nửa đêm 30, người ta cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà sống (và phải là gà trống, mà tốt nhất là gà trống tơ). Sau đó mới mang lợn và gà đi giết thịt (nhà nào giàu có thì thịt một con lợn từ 28, 29 để ăn trước). Thịt xong đem cúng một mâm thịt chín, rồi ăn cơm uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên.
Nói đến Tết của người H’Mông không thể không nói đến Lễ hội Gầu Tào (hội cầu phúc). Một gia đình trong làng, nếu hay đau ốm hay chậm có con thì mồng 2 đi dựng một cây nêu lớn ở bãi cỏ đầu làng. Hội này tiếng là do một gia đình tổ chức (gia đình đó gọi là chủ nêu) nhưng thật ra đó là một lễ hội của cộng đồng, thậm chí khi làng này dựng nêu, làng khác cũng đến dự hội. Hội Gầu Tào nhằm tạ ơn tổ tiên về mùa màng, súc vật; cầu cho con cháu đông đàn. Hội có thể kéo dài 3 ngày nếu 1 năm tổ chức một lần, hoặc 9 ngày nếu 3 năm tổ chức một lần. Đây là lễ hội lớn nhất của người H’Mông trong năm và nó thể hiện rõ nhất những đặc trưng văn hoá H’Mông trong ngày Tết.
Tết của người Lô Lô
Khi những cơn mưa phùn lất phất bay, tiết trời se lạnh, những cành đào, cành mận bung nở hoa trắng xóa trên những cao nguyên đá, cũng là lúc người Lô Lô ở Hà Giang- mảnh đất địa đầu Tổ quốc rộn ràng đón Tết. Từ trước Tết, bà con chuẩn bị lợn gà, các loại bánh trái thật đầy đủ. Từ 29-30 Tết, các nhà đều dọn dẹp sạch sẽ rác rưởi trong nhà, ngoài vườn, để tống khứ uế tạp trong năm cũ. Chiều 30 Tết, mọi gia đình tổ chức bữa cơm sum họp và gia chủ chúc phúc cho hết thảy các thành viên trong gia đình. Bà con Lô Lô có tục đón Giao Thừa bằng cách đánh thức tất cả gia súc nuôi trong nhà cùng dậy. Riêng tất cả đồ dùng trong gia đình và cây cối trong vườn đều được dán giấy màu vàng bạc để nghỉ ngơi trong ba ngày Tết, không được đụng chạm đến.
Những cô gái Lô Lô vui đón năm mới
|
Đồng bào Tày: vật dụng cũng được nghỉ Tết
Đồng bào Tày có cách đón năm mới rất riêng của mình, bà con bắt đầu ăn Tết từ 28 tháng Chạp âm lịch. Những ngày này trai gái trong bản tất bật trang trí lại nhà cửa, quét dọn sạch sẽ và sắp xếp lại đồ đạc trong nhà để cho gian nhà thêm mới mẻ và ấm cúng.
Bước sang ngày 29, người Tày bắt đầu làm thịt lợn và chế biến những món ăn như: giò, chả, thịt luộc, thịt nướng và lạp sườn... Đến ngày 30 Tết, những vật dụng lao động trong nhà như dao, rựa, cày, bừa… được cất tất cả vào một nơi rồi làm lễ cúng vì theo đồng bào nơi đây, những vật dụng đó đã gắn bó và theo mình suốt một năm lao động vất vả nên chúng cũng phải được nghỉ ngơi đón Tết.
Vào ngày đầu năm, người Tày ra đường không quên đem dao, rựa vừa đi vừa phát quang để thông thoáng cho năm mới. Ra Xuân, người Tày bắt đầu một mùa vụ mới bằng Lễ hội Lồng tồng (xuống đồng).
Tết Nhảy của người Dao
Người Dao ở Việt Bắc cho rằng, ngày đầu năm không được làm việc mà chỉ lo vui chơi, thăm viếng và chúc tụng lẫn nhau. Nhà nào nhà nấy đều trang hoàng sáng sủa và dán nhiều câu đối bằng chữ Hán lên cột nhà hay trên các vách tường để đón mừng Xuân. Điều đặc biệt là người Dao đón năm mới bằng Tết Nhảy với mong muốn rèn luyện sức khỏe và võ nghệ. Tết Nhảy diễn ra trước Tết Nguyên đán chừng vài ba hôm. Thanh niên phải tập các điệu múa, điệu nhảy, làm gươm đao bằng gỗ để múa. Trong Tết Nhảy, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã...
Tết Nhảy của người Dao
|
Tết với người Tây Nguyên
Tây Nguyên là nơi sinh sống của hàng chục dân tộc anh em, đông nhất là các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Ê-đê, M'Nông, Xơ-đăng, H'rê.... Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng và hàng năm đều có tổ chức những ngày lễ Tết cho buôn làng sau khi gặt hái đã hoàn tất. Những ngày lễ Bỏ Mả, lễ Đâm trâu xây cột, Tết Cơm mới, Tết Giọt nước, Tết Lửa... diễn ra rộn rịp suốt mùa hanh khô. Đây là mùa lễ Tết ở Tây Nguyên.
Tết của Người Xơ Đăng ở Kon Tum giản dị, chỉ có hai Tết chính là Tết Giọt nước và Tết Lửa. Tết Giọt nước vào khoảng tháng 3 Dương lịch. Sau khi mãn mùa, người Xơ Đăng bắt đầu sửa sang lại các máng nước và tổ chức lễ "cúng máng" để cầu mong Thần nước (Yang Dak) ban cho dân làng năm mới được mùa, nước non đầy đủ. Trong khi đó, người K’ho ở Lâm Đồng ăn Tết Nholir-Bông kéo dài suốt tháng…Tết ở Tây Nguyên luôn náo nhiệt, tràn ngập âm thanh sôi động của tiếng cồng chiêng rộn rã, trong lời ca điệu múa của những chàng trai, cô gái Tây Nguyên “da nâu mắt sáng”, căng tràn nhựa sống và đầy men say nồng ấm từ những ché rượu cần bên ánh lửa bập bùng giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.
Chôl Chnam Thmây - Lễ đón năm mới của người Khmer
Chôl Chnăm Thmây có nghĩa là “Vào năm mới”, là lễ tết lớn nhất trong năm của người Khmer được diễn ra vào giữa tháng Tư Dương lịch, lúc giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa ở Nam bộ. Giai đoạn này trời đất giao hòa, cỏ cây trở nên tươi tốt đầy sức sống. Sự đâm chồi nảy lộc của cỏ cây được người Khmer quan niệm như là sự khởi đầu của một năm mới.
Dâng cơm trong Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer
|
Lễ hội vào năm mới của người Khmer thường kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày, mỗi ngày có tên gọi khác nhau. Ngoài việc thờ phụng Phật, người Kh'mer còn tin rằng mỗi năm có một vị thần trên trời (Têvôđa) được trời sai xuống để chăm lo cho cuộc sống và con người trong năm đó, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ giới. Vì thế, trong đêm Giao Thừa, nhà nào cũng làm cỗ, thắp hương, đốt đèn, cúng lễ tiễn đưa vị Têvôđa cũ, đón rước Têvôđa mới. Cả gia đình ngồi xếp chân trước bàn thờ tổ tiên, khấn vái, mong và tin rằng sẽ được thần ban phước lành.
Trong Tết Chôl Chnam Thmây, một tục lệ không thể thiếu của người Khme là đắp núi cát tại các ngôi chùa. Người Kh’me quan niệm rằng mỗi hạt cát được đắp lên là xoá được một tội lỗi và giải thoát được một linh hồn ở dưới địa ngục. Núi cát cũng như những đám mây mang mưa cho vụ mùa mới sau 5-6 tháng khô hạn.
Tết của người Hoa
Sinh sống lâu đời trên mảnh đất Việt Nam, người Hoa qua nhiều thế hệ vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống rất riêng của mình. Từ những ngày đầu tháng Chạp trước Tết, người Hoa chọn ngày tốt để dọn dẹp nhà cửa, làm lễ tạ thần. Đó là lễ đáp tạ Trời, Phật, Ông Bà đã cho gia đình một năm bình an. Vào sáng ngày 24 tháng Chạp là lễ tiễn ông Táo về Trời. Vật cúng ông Táo thường có các món ngọt như thèo lèo và quýt bởi trong tiếng Hoa, “quýt” đồng âm với “cát” (cát tường là may mắn).
Người Hoa rất thích màu đỏ, bởi vậy từ câu đối đến những đồ vật trang trí trong nhà dịp năm mới thường có màu đỏ. Đến ngày 30 Tết, người ta thay câu đối liễn mới, giấy đỏ chữ vàng, nội dung thường mang thông điệp tốt lành như Xuất nhập bình an, Kim ngọc mãn đường, Tân xuân đại cát... Với những gia đình làm ăn buôn bán tại nhà, nội dung câu đối liễn thường là Nhất bản vạn lợi, Khai trương hồng phát, Sinh ý hưng long... Ngoài ra, người ta còn dán chữ “Xuân” và “Phúc” ngược trên cửa với mong muốn Xuân đến, Phúc đến. Bên cạnh đó, đầu lân và các hoạt động múa lân cũng là nét văn hóa độc đáo.
Những món bánh không thể thiếu được trong ngày Tết của người Hoa
|
Trong ngày Tết của người Hoa, không thể thiếu được món bánh bởi đây không chỉ là một món ăn, món cúng mà còn là nét văn hóa tâm linh rất đặc sắc. Với người Hoa, mỗi loại bánh mang ý nghĩa khác nhau như bánh tổ để cúng trời vào dịp đầu Xuân, cầu cho khí hậu ôn hòa; bánh đào tiên: cúng thọ cho các cụ lớn tuổi trong ngày đầu Xuân; bánh lá liễu: cúng trời đất; bánh lột da: tượng trưng cho nghĩa vợ chồng; bánh in: cầu tiền tài, bình an; bánh trái lựu: vươn cao, thăng tiến trong năm mới… Trên cái loại bánh còn in hoặc chạm khắc chữ Đại, Phát, Tài, Lộc, Hỉ, Thọ, Khang… như ước vọng của người cúng tế.
Sáng mồng Một Tết, con gái đã có chồng ở riêng sẽ đưa chồng con về nhà ông bà ngoại chúc Tết, nghĩa là ăn “tết Mẹ” trước; sau đó, người ta mới “tết Cha”, rồi đến thăm họ hàng, người thân, mồng Bốn đón ông Táo về… Những ngày đầu năm, người Hoa cùng nhau đến các chùa, miếu thờ thắp hương với mong muốn cầu cho một năm được bình an, làm ăn phát đạt. Đến rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu, ngày Tết mới thật sự kết thúc đối với người Hoa…
Đất nước đang vào Xuân, Tết đang đến rất gần với cộng đồng 54 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất cong cong hình chữ S. Đón Tết mừng Xuân dù khác nhau ở phong tục, có muôn hình, muôn vẻ, diễn ra vào thời điểm nào trong năm, nhưng với các dân tộc Việt ở nơi đâu, với đồng bào Lô Lô, Tày, Dao nơi địa đầu Tổ quốc, với người Thái, người Mường vùng Tây Bắc, với người Chăm vùng Nam Trung bộ, với các dân tộc nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, hay với người Hoa, người Khme ở phương Nam…đều gặp nhau ở tinh thần nhân văn, ở khát vọng đoàn viên, ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng.
Tiến Minh (tổng hợp)
(Quehuongonline)