Muốn giải quyết tranh chấp môi trường ổn thỏa phải dựa trên sức mạnh cộng đồng và thể chế luật pháp minh bạch
(VACNE 20/8) - Đây là quan điển xuyên suốt quá trình Hội thảo góp ý Báo cáo nghiên cứu giải quyết tranh chấp môi trường ở Việt Nam diễn ra hôm nay tại Hà Nội do VACNE phối hợp với Viện Chính sách Môi trường (Bộ TN&MT) và Quỹ Châu Á tổ chức.
Tới dự Hội thảo này, có đông đảo cán bộ quản lý, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, đến từ Quỹ Châu Á, Ban Nội Chính Trung ương, Bộ Tư Pháp, Bộ TN&MT, Bộ Công An, trường Đại học Luật Hà Nội, Viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội, cùng đại diện các cơ quan Thông tấn báo chí.
Sau khi nghe trình bày báo cáo Nghiên cứu về giải quyết tranh chấp môi trường ở Việt Nam và kiến nghị giải pháp hoàn thiện; Kinh nghiệm của Nhật Bản về giải quyết tranh chấp môi trường của TS Nguyễn Trung Thắng và PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Môi trường, là hàng loạt ý kiến đóng góp bổ sung, làm “nóng” hội trường và kéo dài thời gian Hội thảo.
Các ý kiến chủ yếu tập trung vào những nội dung về Tranh chấp môi trường nhìn từ góc độ cộng đồng, chia sẻ những thông tin điều tra, tiếp cận tình huống về tranh chấp môi trường rút ra từ thực tiễn ở nước ta. Hậu quả của những ô nhiễm này, đã gây thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng tới sức khỏe và làm thay đổi tập quán canh tác của người dân. Và người dân đã sử dụng nhiều biện pháp gây sức ép lên các chủ thể gây hại (bằng đơn thư tố cáo, phong tỏa sản xuất kinh doanh, biểu tình, kêu gọi tẩy chay sản phẩm, thậm chí đập phá cơ sở gây mất an ninh). Hầu hết các phương thức giải quyết tranh chấp của các cơ quan quản lý ít được người dân chấp nhận (gây khiếu kiện kéo dài) hoặc buộc phải chấp nhận một cách miễn cưỡng. Nguyên nhân cơ bản là do chưa minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp, do những quy định của Luật pháp chưa rõ ràng cụ thể.
Phát biểu khai mạc và tổng kết Hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam bày tỏ sự đồng cảm với những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu tham dự Hội thảo; cảm ơn sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á và nhóm nghiên cứu đã khẩn trương hoàn thành Báo cáo này. Ông Sinh cho rằng: giải quyết tranh chấp môi trường là vấn đề khó và rất mới ở nước ta. Vì thế, việc đi tới hoàn thiện hệ thống tổ chức và luật pháp, cùng các thể chế liên quan là rất cần thiết. Đặc biệt là những quy định danh phận cho các tổ chức trung gian hòa giải ở cơ sở; Xác định trách nhiệm các doanh nghiệp và những quy định giá trị pháp lý các kết quả hòa giải…cần cụ thể, rõ ràng. Những đóng góp tại Hội thảo này thực sự rất hữu ích, cho việc bổ sung hoàn thiện Luật Môi trường sửa đổi và Luật Đa dạng sinh học ở nước ta./.
Bích Thủy