Miền trung du quê tôi ngày ấy là một vùng rừng nguyên sinh có rất nhiều cây trám mọc tự nhiên trên đồi, trong thung lũng. Những cây trám là kỷ niệm của thời tuổi thơ. Trám là loại cây gỗ mềm và rất thơm dễ bị sâu bọ, kiến mối đục khoét tạo nên những hang hốc trên thân cành. Các loại chim sáo đá, sáo sậu, sáo mỏ đỏ, sáo mỏ ngà thường làm tổ trong các hốc trên cây trám. Bọn trẻ chăn trâu chúng tôi thường chờ những con chim sáo non trong tổ vừa đủ lông đủ cánh, chuẩn bị tập bay là trèo lên cây trám bắt về nuôi. Chúng tôi nhốt lũ con chim sáo trong lồng. Những chú chim sáo non lớn lên cùng bọn trẻ trâu chúng tôi trở thành những con vật nuôi. Chúng bay vút lên trời cao như lũ chim tự do nhưng chỉ cần nghe tiếng huýt sáo là sà xuống đậu trên vai chủ nhân mà phần lớn là đám trẻ con chúng tôi. Nhiều con chim sáo sống lâu với người đã nói được tiếng người với những câu chào khách đơn giản.
|
Cây trám nhiều tổ chim sáo cùng với quả trám đã đi suốt tuổi thơ của chúng tôi. Tôi không quên những mùa trám rụng. Những quả trám trắng sau trận gió heo may rụng sáng cả gốc cây. Bọn trẻ chúng tôi tay cầm múm cọ (làm bằng một tấm lá cọ loại nhỏ như cái làn) đi từng gốc trám để tìm nhặt trám rụng. Quả trám đen ăn tươi thì vị hơi chát. Quả trám trắng ăn tươi có vị chua nhẹ nhưng ngọt. Sau khi cắn nhai miếng trám trắng, vị ngọt của nó cứ lưu mãi trong miệng. Trám trắng rụng nhặt đem về rửa sạch luộc lên tách bỏ hạt đem phơi khô dùng để kho với cá đồng ăn rất ngon. Trám đen hái về thì ỏm chín ăn rất bùi. Tôi vẫn nhớ miếng trám đen chấm tương ngọt bùi đậm đà ngày ấy. Thời khó khăn, quả trám là một loại thức ăn của vùng núi nghèo quê tôi. Sau mỗi bữa ăn có trám chấm tương anh em tôi thường tranh nhau nhặt hạt trám. Hạt trám hình thoi, rất cứng. Dùng dao sắc chặt ngang hạt trám rồi lấy gai bưởi khều cái nhân ra. Nhân hạt quả trám trắng tinh ăn có nhiều hương vị. Nhân hạt quả trám chỉ bằng hạt thóc nhưng với bọn trẻ quê ngày ấy là một món quà ngon.
Bây giờ thì quê tôi không còn rừng nữa. Rừng già đã bị con người tiêu diệt đến tận gốc rễ. Những khu rừng rậm phía sau nhà tôi ngày xưa có nhiều cây trám đen, cây trám trắng bây giờ chỉ độc một màu bạch đàn rũ rượi. Lá bạch đàn rụng xuống chết cả cỏ dại. Chả còn thấy một mống cây trám nào, mùa trám rụng cũng không còn nữa. Tôi biết ở nhiều gia đình ở chân núi Tam Đảo trong vườn vẫn còn những cây trám. Cây trám cho quả ăn, nghe nói quả dùng làm thuốc nữa. Cùng với quả, cây trám còn cho nhựa. Nhựa trám làm nhang đen. Hương nhang làm bằng nhựa trám không thơm đậm như làm bằng trầm hương nhưng cháy lâu và có mùi rất khác biệt. Thắp nén hương đen làm bằng nhựa trám lên, trong mùi hương của nó tỏa ra ta cảm thấy có sự ấm áp của một miền quê xưa cũ.
Lâu lắm rồi mới lại về qua chợ quê vùng chân núi, chợt nhìn thấy một người bày bán bồ trám trắng tôi lại nhớ về ngày xưa chăn trâu cắt cỏ, nhớ những lần trèo cây bắt chim sáo về nuôi. Viết đoạn văn ngắn này, trong tôi cứ bâng khuâng nuối tiếc về một khoảng xanh thẳm của núi rừng quê tôi ngày ấy!