Minh họa: Ngọc Diệp
Hỏi bao nhiêu tiền thì kêu. Bảo: "Bác vừa đi bao nhiêu thì trả cháu bấy nhiêu."
Cứ thỉnh thoảng lại gặp một anh xe ôm như vậy đấy. Trông mình nhiều tuổi hay nhìn mình tử tế nhỉ? Chắc cả hai. “Lát nữa bác về đâu, bác lại gọi cháu nhé.Cháu làm ở công ty môi trường, nghỉ ca thì cháu đi xe thêm lấy tiền cho con đi học. Động vào lòng thương cảm của người nhiều tuổi rồi. Thế là nhấn số điện thoại để khi về gọi cháu.
Xuống xe mới nhìn – anh chàng này mặc mầu đồng phục xanh của nhân viên môi trường
Ngày nào chẳng hai lần gặp những người làm về môi trường. Sớm đi chợ,gặp người đẩy xe và quét lá cây rụng qua đêm, quét rác người bỏ hoặc ném ra đường. Nói đến chuyện bỏ rác ra đường mà vừa bực mình vừa ghê tởm.
Người quét rác vừa quét sạch, đẩy xe đi tiếp thì một cô từ trong nhà bước ra vứt đánh toẹt một bọc rác xuống đường. Vứt ngay trước cửa nhà cô ta. Chỉ cần bước theo một bước, chỉ cần gọi nhẹ một câu là xe dừng lại. Ngứa mồm nhắc thì bị lườm. Có lần gặp một cô mặt bị đánh xây xước đang phân bua to tiếng với mấy bà ngồi chợ. Nó đánh cháu thế này cháu sẽ thưa kiện. Tò mò dừng lại hỏi han. Tưởng chuyện vợ chồng, chuyện bồ bịch gì hóa ra cô ta vứt túi rác ra đường trước cửa nhà anh kia. Vặc nhau, cãi láo thế là cho vàitạt tai xưng mặt, chửi đổng. Kể ra đàn ông đánh đàn bà chẳng quen biết gìlại chuyện vặt thế cũng quá tay, cũng vũ phu. Nhìn theo tay cô hàng rau chỉ thấy một bịch rác đầy cơm, rau, giấy đang nằm toác toang giữa đường. Nó được người đàn ông chuyển ra đấy và xe ô tô đi qua cán vỡ bung. Ghê vì bẩn. Chẳng nhẽ nói đánh cũng phải nhưng biết phải thế nào đây. Rác khắp phố. Rác đầy hè. Rác đầy cống.
Bác biết không, bọn cháu nhắc là họ mắng, họ bảo việc của các anh. Bác biết không, có người sửa nhà, cho gạch vữa vào từng túi nylon xong rồi rải suốt đường, vài mét rải một túi. Bọn cháu còng lưng mà nhặt mà đẩy xe. Bác có nhìn thấy không, có khi xác chuột cống nằm chềnh ềnh, lòi ruột be bét trên đường mà kinh. Tổ cháu có chị sợ chuột như vậy lắm, khi làm nhắm mắt lại mà hót. Có người thấy còn nói đi dọn rác mà còn sợ chuột. Ôi nhiều lúc bực và tủi thân lắm bác ạ.
Hà Nội nhiều rác thật bởi người nhiều quá, người vô ý thức nhiều quá. Đi ôtô say xe, ói – thò tay vứt túi ói xuống đường. Đi tập thể dục sớm, cầm theo túi rác, nhìn quanh quanh vứt luôn túi rác xuống đường. Ăn phở, bún...dù cửa hàng có để sọt vẫn vứt luôn xuống sàn. Người nọ ngồi ăn trên rác của người kia. Hình như chả có tỉnh thành nào, phố xá nơi nào bẩn thỉu rác rưởi như Hà Nội. Hai bác cháu vừa chở nhau qua bao phố vừa tâm sự về công việc của người làm vệ sinh môi trường. Tiền phí thu vệ sinh đã tăng gấp đôi nhưng đâu phải vứt rác tăng gấp chục lần như vậy. Hè nát, đường rác, người bừa rác. Khó có thể nghĩ một ngày gần, dù trong vòng mươi năm không có rác trên đường. Đi xa nước người thấy trên phố người đi dọn vệ sinh chỉ cần một chổi nhỏ để phẩy nhẹ chiếc lá hay mẩu giấy với một hót rác và túi nylon chứa mà thương người mình còng lưng đẩy xe rác nặng, hôi hám bẩn, mà chợt chán cả mình luôn. Vứt rác là thói quen ư? Đáng sợ thói quen xấu ngày mỗi lắm ở nhiều người. Đáng sợ khi không nghĩ đó lại là thói quen xấu của mình. Cứ hồn nhiên, cứ vô tư mà xả rác. Mặc luôn bộ đồ nhân viên môi trường để đi làm ca chiều tối, sau khi tranh thủ thêm một cuốc xe ôm, lát nữa thôi lặng lẽ giữa dòng đông nghịt, phải tránh xe, tránh người kẻo bị chẹt, bị mắng vì đang làm sạch phố phường. Và thế là danh bạ điện thoại của tôi thêm một số khi cần.