Sau khi Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ban hành tài liệu “Hướng dẫn việc tổ chức xây dựng các cam kết của cộng đồng về bảo vệ môi trường”, tài liệu nhanh chóng được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng và được nhiều tổ chức xã hội sử dụng làm tài liệu hướng dẫn cộng đồng trong thực hiện và nhân rộng mô hình Cam kết bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Tiếp theo sự thành công và yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng, Hội tiếp tục biên soạn và phát hành tài liệu các mô hình tiên tiến bảo vệ môi trường theo các lĩnh vực trong đời sống. Bộ tài liệu này gồm 4 cuốn cho 4 lĩnh vực khác nhau là Mô hình xã hội hóa thu gom và xử lý chất thải; Mô hình kết hợp bảo vệ môi trường với xóa đói giảm nghèo; Mô hình thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường; Mô hình giáo dục truyền thông môi trường ở cấp cơ sở.
Trong bài này, tác giả bài viết chỉ giới thiệu nội dung và ý nghĩa của Mô hình xã hội hóa thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các mô hình khác được giới thiệu trong các bài tiếp theo.
Xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một giải pháp cơ bản trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước. Xã hội hoá trong thu gom và quản lý chất thải thường được hiểu là sự thu hút, huy động sự tham gia của các cộng đồng trong xã hội vào các hoạt động thu gom và quản lý chất thải. Sự thu hút, huy động này thể hiện dưới nhiều hình thức hoạt động với nhiều mô hình tổ chức khác nhau. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước và thấy được tầm quan trọng của việc xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã nghiên cứu, tổng hợp và biên soạn tài liệu nhằm phổ biến kết quả và chia sẻ kinh nghiệm của một số mô hình xã hội hóa trong thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã mang lại nhiều thành công cho nhiều địa phương trong cả nước.
Mô hình Mô hình tập thể: Hợp tác xã vệ sinh môi trường Thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, tiền thân là tổ vệ sinh môi trường được thành lập và hoạt động từ năm 1996) với tổ chức quản lý gọn nhẹ, hiệu quả (bộ máy quản lý chỉ có 3 người), hoạt động đa dịch vụ (thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; trồng, chăm sóc cây xanh; khơi thông cống rãnh, ...). Nguồn thu chủ yếu của HTX là từ các hợp đồng cung cấp dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt với các cơ quan, doanh nghiệp; dịch vụ trồng, chăm sóc cây xanh, nạo vét, khơi thông cống rãnh trên địa bàn Thị trấn với UBND Thị trấn và từ nguồn thu phí vệ sinh môi trường.
Mô hình đội/tổ: Đội chuyên trách vệ sinh môi trường, xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Loại mô hình này hiện đang phổ biến ở nhiều địa phương bởi mô hình tổ chức đơn giản, thường do tác động và khởi xướng của chính quyền xã, phường hoặc cộng đồng ởđịa phương. Mô hình đội, tổ chuyên làm công tác thu gom chất thải phù hợp với điều kiện và bối cảnh ởđịa bàn cơ sở (xã, phường, thôn, xóm,...) với tổ chức đơn giản, tự quản, không đòi hỏi đầu tư nhiều (chủ yếu là xe đẩy tay và các dụng cụ lao động thô sơ), đáp ứng ngay nhu cầu cấp bách về vệ sinh môi trường của người dân. Mô hình này hoạt động trên cơ sở tự quản, lấy thu bù chi. Nguồn thu là do các hộ dân đóng góp hàng tháng. Quy chế Bảo vệ vệ sinh môi trường do UBND xã Thạch Kim ban hành quyđịnh sựđóng góp cụ thể theo từng thời điểm.
Mô hình Doanh nghiệp tư nhân: Công ty TNHH Huy Hoàng, Thành phố Lạng Sơn. Đây doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Việt Nam hoạt động trên lĩnh vực cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường. Công ty được thành lập năm 1993, cho đến nay vẫn được coi là một mô hình doanh nghiệp tư nhân hoạt động thành công trên lĩnh vực cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường. Công ty nhận định mức khoán khối lượng vàđơn giá thanh toán của UBND tỉnh Lạng Sơn cho công tác cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Công ty có trách nhiệm thu phí vệ sinh theo quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, trong đó tổng tiền phí thu đượctrích 15% để bù đắp cho việc thu phí; được sử dụng 75% để thanh toán bù trừ khối lượng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo định mức, nộp ngân sách nhà nước 10%. Bên cạnh việc thu gom, Công ty chú ý công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức, nhận thức và trách nhiệm công dân cho người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường bằng đầu tư cụ thể, là treo băng rôn, biểu ngữ, phát tờ rơi, hỗ trợ hàng tháng cho cán bộ xã, phường một khoản tiền nhất định để họ giúp Công ty tuyên truyền, vận động dân cư. Khẩu hiệu hoạt động của Công ty ghi trong hợp đồng thu gom rác của Công ty với các hộ gia đình là ”Phế thải sẽ là vàng của mọi người khi chúng ta biết gom lại !”.
Trong khuôn khổ của tài liệu không thể đưa ra nhiều dạng mô hình trong lĩnh vực thu gom và quản lý chất thải, tuy nhiên với 3 mô hình tiêu biểu đã giới thiệu gồm mô hình tập thể, mô hình tổ đội và mô hình doanh nghiệp tư nhân phần nào đã đưa đến cho cộng động một bức tranh về xã hội hóa trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Không chỉ giới hạn trong việc giới thiệu các mô hình tiên tiến, tài liệu chú trọng nêu lên phương hướng phát triển và bài học kinh nghiệm của từng loại mô hình, giúp cộng đồng tiếp cận nhanh hơn và đạt hiệu quả hơn trong việc áp dụng và triển khai mô hình.
Đến nay, tài liệu vẫn được nhiều cộng đồng trong cả nước sử dụng và được coi như cuốn cẩm nang trong lĩnh vực xã hội hóa thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Sơn Dương