Xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường hướng đến sự phát triển bền vững đã và đang là mối quan tâm không chỉ của Việt Nam mà còn ở mức độ toàn cầu.
Môi trường liên quan mật thiết đến vấn đề nghèo đói và chất lượng cuộc sống của con người. Vì vậy, xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường đang là nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm bảo vệ môi trường, củng cố điều kiện môi trường thông qua chương trình Nghị sự Phát triển bền vững, thể hiện bằng các mục tiêu phát triển của Việt Nam. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của của mọi người, mọi tổ chức, mọi đối tác và mọi chương trình phát triển.
Bằng những nghiên cứu của mình và kết quả triển khai thực tế tại các địa phương trên cả nước, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã nghiên cứu, tổng hợp và biên soạn tài liệu “Mô hình kết hợp bảo vệ môi trường với xóa đói giảm nghèo” nhằm phổ biến kết quả và chia sẻ kinh nghiệm của một số mô hình xóa đói giảm nghèo kết hợp với bảo vệ môi trường đã mang lại nhiều thành công cho nhiều địa phương trong cả nước.
Tài liệu giới thiệu 3 mô hình cụ thể tại 3 tỉnh gồm Mô hình cải tạo đất bạc màu, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng góp phần bảo vệ đất, bảo vệ môi trường của người Tày và Mông ở xã Thuận Hoà, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; Mô hình lâm nghiệp cộng đồng, bảo vệ và phát triển rừng vùng núi cao của người Mông ở xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên; Mô hình xoá đói giảm nghèo kết hợp bảo vệ môi trường cho người Mnông Gar ở ĐăkLăk.
Hoạt động của các mô hình này chủ yếu tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, trồng trọt, hướng dẫn cho cộng đồng cách ủ phân,…
Sau khi áp dụng mô hình, năng suất cây trồng tăng 15-20%, đời sống của cộng đồng dân cư địa phương được nâng lên đáng kể và quan trọng hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư địa phương đã thực sự được nâng cao.
Sơn Dương