Rôm rả, nhộn nhịp nhất là những cánh đồng vào vụ đậu phộng. Có những cánh đồng hàng trăm người nông dân cùng cuốc đất, lên hàng, gieo hạt đậu phộng. Nụ cười trên khuôn mặt những người nông dân cũng tươi hơn. Cả một quãng đồng rộn vang tiếng cuốc, tiếng cày, tiếng người rôm rả nói chuyện. Nhìn dáng lom khom bỏ đậu phộng giống xuống luống của các bà, các mẹ, các chị, lòng lại bâng khuâng nhớ về tuổi thơ. Hồi nhỏ, mùa đậu phộng, tôi được ba mẹ phân công cho việc bỏ đậu xuống luống. Nhìn thì dễ nhưng thật ra rất khó với một đứa trẻ. Bỏ phải đúng theo từng hàng, khoảng cách các hạt phải tương đối đều nhau. Thường tôi phải tập trung nhiều, có khi lại phải dùng tay gang từng gang cho đều nhau bỏ hạt.
Hết mùa gieo đậu phộng đến vụ lúa Đông Xuân, các mẹ, các chị lại lục tục ra đồng phát bờ, dọn mương, nhổ cỏ. Đàn ông đưa trâu ra đồng để trở những đường cày mới, cho những hạt lúa chuẩn bị có nơi mới mà trú ngụ, sinh trưởng. Trẻ con thì hồn nhiên hơn, đón vụ sạ lúa mới bằng việc tát những cái ô, đầm, đìa ven ruộng để bắt ít cá. Bởi mùa xuống lúa giống thường nước ngưng một thời gian, nên rất dễ cho việc tát cá. Chiều về, đứa nào đứa ấy hí hửng mang xâu cá về để mẹ chế biến bữa cơm chiều. Những chú cá rô phi, cá riếc được mẹ kho với khế chua thơm ngon vô cùng. Và hôm nào có món cá kho của mẹ là y rằng nồi cơm cũng được đánh sạch.
Hôm tôi về thăm quê, cánh đồng làng cũng đang vào mùa gieo hạt. Cả làng vẫn rộn rã những tiếng nói cười. Ai cũng hy vọng, xong mùa gieo hạt này, mùa no ấm sẽ lại về trên từng ruộng lúa, nương ngô trên những căn bếp bảng lảng khói chiều, trên từng bước chân con trẻ rộn rã tới trường.
Nguyễn Thành Giang
|