Được về quê ngắm nhìn triền đê lộng gió, hà hít không khí trong lành của đồng quê, quên đi cái bụi bặm, ồn ã của phố phường, thật sung sướng! Tôi thường ngẩn ngơ nhìn những đợt sóng âu yếm vỗ bờ, ngắm những khóm cỏ gà yêu dấu của tuổi thơ. Sau những ngày nắng cháy, mưa xuống, từ gốc khô xác kia, mầm xanh bật dậy. Quên sao được trò chơi "chọi gà” bằng thứ cỏ thân thương ấy! Có những loài cỏ gắn với huyền thoại tình yêu lứa đôi. Ai cũng biết câu chuyện cảm động về người vợ thủy chung trong "Sự tích hoa cỏ may”. Những bụi cỏ may sắc nhọn, màu tím bạc nhức nhối một nỗi niềm đau của tình yêu trong xa cách. Phải chăng vì thế mà ai đi qua, cỏ cũng găm vài cọng vào ống quần với niềm vấn vương, da diết! Rồi cỏ mật xanh tim tím, thứ cỏ gắn kết tình yêu lứa đôi, dù mọc nơi đầu bờ, cuối bãi vẫn thoang thoảng một mùi thơm. Cỏ xước mộc mạc như tình yêu của trai gái thôn quê.
Những cụm cỏ gấu lè tè nhưng cũng cố vươn lên đón gió chiều. Mọc ở những nơi cằn cỗi nhất, cỏ gấu vẫn chắt chiu nuôi cái củ đen óng của mình góp cho đời chút ích nhỏ nhoi. Cỏ nhọ nồi bò lan dưới chân đê hay bờ ruộng. Những bông hoa nhỏ trắng ngà không hương sắc, nép mình bên khe lá thô ráp. Ấy vậy mà lúc trẻ con sốt cao, tìm một nắm cỏ này giã cho uống nước rồi đắp bã vào trán, chỉ một lúc là đỡ. Còn thài lài hoa màu xanh nước biển rất hấp dẫn mọc góc ruộng, bờ mương. Trẻ con hay lấy những bông hoa màu xanh tím về chơi. Hàng xóm với thài lài là cỏ bợ. Loại cỏ này mảnh mai nhưng sức sống không kém những loài cỏ khác, cứ lặng lẽ bò khắp bờ ruộng. Nắng quá, có thể rạc khô đi. Tưởng chết, nhưng sau cơn mưa vài ngày, lột xác với những ngọn lá xanh non.
Sức sống mãnh liệt nhất phải kể đến cỏ tranh. Rễ của nó ăn sâu trong đất. Dọn vườn làm đất, chỉ sót một đoạn rễ mầm trắng ngần là ít hôm sau đã vươn lên khỏi mặt đất và thành cụm cỏ to, lan nhanh. Cỏ cháo lấm tấm xanh. Loài cỏ gắn với tuổi thơ tinh nghịch của trẻ quê chính là cỏ lau. Thân lau làm súng trong trò chơi trận giả. Hoa cỏ lau làm chổi hay buộc vào hai đầu thân lau bắt chước người lớn đi gặt về.
Những loài cỏ quây quần bên nhau làm thành thế giới riêng của mình tạo nên nét đẹp thanh bình của làng quê. Cỏ hạ không tốt tươi mơn mởn như cỏ xuân, nhưng nó lại có sức sống diệu kỳ giống như người dân thôn quê luôn vượt qua bão giông, nắng lửa để sinh tồn.