Bữa cơm chiều thứ bảy, vợ chồng bàn về món ăn cho ngày mai. Mình thỉnh thoảng mới ăn cơm ở nhà, bà xã ưu tiên cho quyền lựa chọn.
HỒ VIÊN
Ngày mai kho mắm, động vật gồm cá linh, tép sông và thịt ba rọi, chủ đạo là cá linh; thực vật gồm cà tím, khổ qua, bông súng, chuối sống, đậu rồng, dưa leo, rau thơm..., phải tiến hành chùi rửa nồi đất cũ và kiếm mớ than củi.
Hình ảnh mấy con mắm sặt hiện lên, được nấu nhừ tan, vớt xương bỏ ra, nêm nếm gia vị, bắc lửa liu riu, thịt ba rọi xắt mỏng cho vô trước, kế đến là cà tím, khổ qua xắt miếng lớn, ớt xắt hình elip cho vô rồi đến tép, sau cùng là mớ cá linh đầu mùa từ từ cho vô, mùi khói than với mùi khói mang hơi mắm hòa quyện bay lượn.
Tôi khoái chí với chủ trương đột ngột sáng suốt của mình, không kịp thời kho mắm ngày mai, tháng sau về thì cá linh lớn trộng, xương cứng ngắc.
Bàn bạc xong thực đơn ngày mai thì vừa xong bữa, đi loanh quanh trong xóm một hồi, trở về nghe bà xã nói anh ơi tháng này thiếu, ngày mai hai chín ăn chay.
!!!
Sự kiện nồi mắm kho cá linh không hình thành trên thực tế có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do hệ thống lịch pháp, nông lịch hay lịch can chi hoặc gọi là âm lịch, hay quen gọi là lịch ta có nhiều tháng thiếu, không như lịch Tây trong năm chỉ tháng 2 có 28 ngày dễ nhớ.
Kế đến là do sự tác động hay ảnh hưởng của nền văn hóa Phật giáo, vùng đất Nam bộ cổ Phù Nam này nhiều nhà không phải theo đạo Phật hẳn hoi nhưng có tục thờ Phật và ăn chay ít ngày trong tháng. Có nhà ăn chay hai ngày: rằm và mồng một, có nhà ăn bốn ngày: mười bốn, rằm, ba mươi và mồng một, cũng có nhà ăn nhiều hơn.
Lại phân nhánh mà nói, theo vùng địa lý thì Nam bộ gần gũi với Phật giáo Nam tông. Tông phái này vốn không ràng buộc việc chay mặn, nếu mấy vị tì kheo Tích Lan xửa xưa chịu đi xa xa, để phái Nam tông chiếm lĩnh địa bàn trước khi Bắc tông từ Trung Hoa ập đến thì không chừng kế hoạch kho nồi mắm cá linh nhiều khả năng thành hiện thực.
Như không lệ thuộc vào việc chay mặn thì nồi mắm kho cũng sẽ chưa thành, nếu nhằm trúng sáng sớm mưa bão ầm ào, chuyện chợ búa đành phải gác lại. Hoặc có khi không mưa không bão mà vẫn không thành do “tác động xã hội”, tỉ như đột nhiên anh em bà con lối xóm rủ ren tiệc lớn tiệc nhỏ..., tức cũng phải liệt vào những lý do gây trở ngại việc kho nồi mắm.
Kế hoạch kho mắm cùng bữa cơm mắm kho là tiền đề và kết thúc một sự kiện nếu có chỉ diễn ra cách nhau một đêm, cuối cùng trở thành một sự kiện “hụt”. Bài học “lịch sử” rút ra được rất cụ thể: Khi trù tính việc gì cần phải coi kỹ cả hai thứ lịch âm dương, xem thiên văn hoặc truy cập thông tin dự báo thời tiết, tìm hiểu về không gian văn hóa, đặc biệt là tín ngưỡng nơi địa bàn mà kế hoạch sắp thực hiện và cũng phải tìm hiểu hoàn cảnh xã hội.
Chẳng phải kế hoạch kho nồi mắm cá linh bị thất bại là do nhân vật chủ trương chỉ chú trọng vào yếu tố địa lý phong thổ mà lơ là các yếu tố thời gian, không gian và con người mà bài học lịch sử nào cũng nêu đó sao?
(TTCT)