Một góc đảo Lý Sơn nhìn từ đỉnh núi Thới Lới
Theo các nhà khoa học, những đợt phun trào của núi lửa cách ngày nay hàng triệu năm đã hình thành nên đảo Lý Sơn nhấp nhô 5 ngọn núi dạng bát úp gồm: Giếng Tiền, Thới Lới, Hòn Sỏi, Hòn Vung và Hòn Tai. Trong 5 hòn núi này, Giếng Tiền và Thới Lới còn hiện diện hai lòng chảo khổng lồ nằm giữa biển khơi tạo thành điểm nhấn cảnh quan vô cùng ngoạn mục, thu hút nhiều du khách đến khám phá, thưởng ngoạn.
Không chỉ có vậy, dung nham núi lửa còn tạo cho Lý Sơn có một hệ thống hang động, cầu đá. Chính những địa hình vách dốc tạo cho đảo Lý Sơn nét hùng vĩ, thơ mộng, sống động suốt hàng triệu năm qua. Đó là hang Câu lừng lững vách dung nham cao hàng trăm mét bên bờ cát trắng hòa với nhịp sóng vỗ bờ; là di tích quốc gia chùa Hang thâm trầm và nhuốm đầy huyền thoại; là cổng tò vò nằm phía bắc làng An Vĩnh như chiếc cầu đá vươn ra phía biển khơi. Còn ở đảo Bé là hang Kẻ Cướp được phủ bằng những dải dung nham ngoằn ngoèo cao hàng chục mét, phía trước là bãi tắm trong xanh - một địa điểm lý tưởng cho du khách phơi mình trong cái mặn mà của nắng và gió biển.
Theo PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo VN, Lý Sơn còn là một khu bảo tồn biển đa dạng hệ sinh thái, các loài thủy sinh phong phú. Đến nay, các nhà khoa học ghi nhận vùng biển xung quanh đảo Lý Sơn có 92 loài san hô, 45 loài động vật thân mềm, một số loài được ghi trong Sách Đỏ VN… Ngoài ra, thiên nhiên còn ban tặng cho Lý Sơn sản vật hành, tỏi nổi tiếng, một trong những đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi được xác lập kỷ lục VN. Đây chính là tiềm năng to lớn trong việc phát triển kinh tế cũng như phát triển du lịch trên đảo.
Ở Lý Sơn, sự kết hợp giữa biển và núi lửa tạo thành một chùm đặc sản độc đáo, một vẻ đẹp tự nhiên hiếm có. Vì thế, nhiều người ví von đảo Lý Sơn chính là đảo Jeju của VN. “Lý Sơn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa khác biệt và một hòn đảo trùng trùng cảnh quan thiên nhiên đa dạng, độc đáo, là một bảo tàng sống động về di sản văn hóa”, TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi đánh giá.
Theo TS Vũ, trên hòn đảo 10 km2 này chứa đựng một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đa dạng và độc đáo. Một nền văn hóa Sa Huỳnh với những hiện vật như mộ nồi, mộ đất, rìu đồng… nằm sâu dưới lòng đất cách đây hơn 2.000 năm được các nhà khảo cổ phát hiện tại xóm Ốc (xã An Vĩnh) và suối Chình (An Hải) vào năm 2006; một nền văn hóa Chăm pa còn hiện hữu ở di tích miếu Con Bò, ở giếng Xó La…
Lý Sơn còn có những di tích các tàu cổ đắm không những chứa đựng giá trị văn hóa mà còn mang dấu vết con đường giao thương tơ lụa và gốm sứ thuộc nhiều niên đại khác nhau. Sự đa dạng, độc đáo về hệ thống văn hóa phi vật thể ở Lý Sơn không chỉ ở tính chất đậm đặc với hàng trăm di tích, chưa kể đến hơn 30 ngôi nhà cổ mà còn thể hiện một dòng chảy lịch sử-văn hóa nối tiếp không ngừng từ thời tiền sử đến thời hiện đại, không hề bị đứt gãy, vẫn còn được bảo tồn dường như nguyên vẹn. Ở đó còn in dấu ấn của các thời kỳ lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển Đông của VN. Điển hình nhất là lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được người dân đất đảo gìn giữ từ hàng trăm năm qua. Lễ hội này là di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận cấp quốc gia, là một sự khác biệt tiêu biểu khó nơi nào có được.
|