Lý Sơn đang đứng trước cơ hội để cả thế giới chiêm ngưỡng, vinh danh là Công viên địa chất toàn cầu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Hành động trước khi quá muộn
Những năm gần đây, Lý Sơn nổi lên trên bản đồ du lịch Việt Nam như một địa điểm của những con người thân thiện và phong cảnh hoang sơ, thơ mộng. Tuy nhiên, những năm qua do phát triển quá nhanh, công tác xử lý môi trường chưa được chú trọng khiến huyện đảo Lý Sơn trở thành một “túi rác” ngay giữa vùng biển. Nhiều khu vực dân cư, đường giao thông, bờ biển tràn ngập rác thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan vùng biển đảo hoang sơ, thanh bình. Nhiều du khách đặt câu hỏi, phải chăng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của chính quyền và ngành chức năng chưa cao, chưa sâu, chưa triệt để, nên ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường cũng rất hạn chế…?
Trước nguy cơ thiên đường xanh sẽ biến mất, chính quyền và nhân dân huyện đảo Lý Sơn đang nỗ lực hành động để xây dựng đảo Lý Sơn trở thành một hòn đảo xanh- sạch- đẹp hơn trong mắt người dân và du khách.
Nhằm làm sạch môi trường biển Lý Sơn, thời gian qua hàng trăm chiến sĩ và các bạn trẻ đến từ nhiều Câu lạc bộ (CLB) môi trường, trường học đã ra quân thu gom rác thải, làm sạch môi trường biển tại các tuyến đường và các điểm du lịch trên đảo. Song song với hoạt động dọn rác, các CLB thiện nguyện vì môi trường còn bố trí hệ thống thùng rác chuyên dụng và treo các băng rôn kêu gọi người dân bỏ rác đúng nơi quy định dọc tuyến đường biển và các điểm du lịch trên đảo. Hành động nhỏ của các bạn trẻ đã góp phần lan tỏa tinh thần vì màu xanh của biển đến người dân trên đảo và khách du lịch trong việc bảo vệ môi trường.
Ông Phạm Văn Công, đại diện chương trình thiện nguyện “Vì Lý Sơn không rác” cho biết: “Chương trình dọn sạch rác nhằm trả lại cho nơi đây vẻ đẹp tự nhiên, trong lành. Đồng thời tuyên truyền cho toàn thể bà con và khách du lịch ý thức bảo vệ môi trường; rác bỏ đúng nơi quy định, không bỏ xuống biển, mỗi người góp một tay thì đảo Lý Sơn sẽ rất xanh, sạch đẹp”.
Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, lãnh đạo huyện Lý Sơn đã trực tiếp làm việc với Công ty thu gom rác thải Đa Lộc để tháo gỡ vướng mắc, đồng thời, yêu cầu đơn vị này phải tăng cường thiết bị, tăng nhân công, đảm bảo mọi nơi trên đảo phải được thu gom rác hằng ngày. Nhờ vậy, các điểm ô nhiễm môi trường, nhất là ven bờ biển quanh đảo, không còn đầy rác rưởi, bốc mùi hôi thối như trước.
Phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường
Mới đây, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã thông qua Đề án xây dựng khu vực Lý Sơn - Bình Châu thành Công viên địa chất toàn cầu. Đây là thời cơ lớn để Lý Sơn phát triển du lịch biển đảo, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững bằng ngành công nghiệp “không khói”, góp phần cải thiện chất lượng sống cho người dân trong vùng. Nhưng cũng là thách thức lớn đòi hỏi chính quyền và nhân dân địa phương phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Nguyễn Viết Vy- Bí thư huyện đảo Lý Sơn cho biết, huyện đã yêu cầu các địa phương bảo tồn di sản địa chất núi lửa cùng danh lam thắng cảnh. Trước mắt, địa phương đang tập trung xử lý môi trường tại các điểm di tích, thắng cảnh. Đồng thời, yêu cầu các địa phương dừng tất cả công trình khởi công mới trên đảo trong năm nay. Sau khi có quy hoạch, huyện xem xét dự án nào phù hợp mới cho thực hiện khi có thiết kế và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường.
Để tiến tới giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, huyện đảo Lý Sơn đã lên kế hoạch thực hiện thí điểm không dùng túi ni lông tại đảo Bé, xã An Bình. Trên cơ sở đó, sẽ nhân rộng ra toàn đảo. Theo đó, các ngành chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Đặc biệt là tập trung phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong các khách sạn, nhà nghỉ, các quầy hàng, cửa hiệu, các chợ… để vận động, thuyết phục các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, du khách đến tham quan, du lịch tại Lý Sơn tự giác tham gia.
Hiện, địa phương cũng đang khuyến khích du khách đến đảo Lý Sơn trồng cây lưu niệm, tăng bóng mát cho đảo. Du khách có thể trồng những loại cây phù hợp với thổ nhưỡng như bàng vuông, dương liễu, dứa..., sau đó ủy thác lại các đơn vị chăm sóc lâu dài.
“Trước đây, người dân địa phương thường chặt cây trên núi về làm củi, và thả rông bò dê tàn phá khiến núi đồi trơ trọi. Do vậy, huyện đã phát động người dân cùng lực lượng bộ đội phải đi đục đá, đưa đất lên để trồng cây xanh. Sau gần một năm thực hiện, nhiều tuyến đường, đồi núi ở đảo Lý Sơn đã nhuộm màu xanh của cây bàng vuông, thảm cỏ….”- ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư huyện ủy Lý Sơn cho biết.
Mỗi năm huyện đảo Lý Sơn đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã có khoảng 110.000 lượt khách hòn đảo này tham quan, nghỉ dưỡng. Với những tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho huyện đảo Lý Sơn, nếu lãnh đạo và người dân nơi đây biết cách bảo tồn và gìn giữ môi trường biển, đảo sẽ là điều kiện để Lý Sơn ngày càng phát triển bền vững trong tương lai.