Ngày 30/3/2011, UBND Quận Tây Hồ đã khởi công Dự án tu bổ, tôn tạo DTLS Đền Voi Phục, nơi có 9 cụ muỗm 700 năm tuổi được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh là Cây Di sản Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin Quận Tây Hồ giới thiệu Lược sử tóm tắt về Đền Voi Phục.
Đền Voi Phục Thụy Khuê tại số 251 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ - Hà Nội. Thời Lê di tích thuộc phường Thụy Chương, sau được đổi thành Thụy Khuê thuộc Tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nói đền Voi Phục Thụy Khuê để phân biệt với Đền Voi Phục Thủ Lệ. Hai đền đều thờ Thánh Linh Lang triều Lý. Sở dĩ gọi là đền Voi Phục vì đền có hình tượng voi đã tư thế quỳ, biểu tượng lúc voi quỳ xuống mời Hoàng tử cưỡi lên để xông ra mặt trận. Hiện nay ngoài cổng đền chỉ còn 2 con voi đá nhỏ, tư thế đứng. Có thể 2 con voi này được tạc sau này hoặc cũng có thể do người đời cho rằng sự nghiệp dẹp giặc của Hoàng tử Linh Lang đã hoàn thành nên đã có sự thay đổi hay chăng? (đó chỉ là giả thiết mà thôi)

Đền Voi Phục trong ngày Lễ vinh danh 9 Cụ Muỗm là Cây Di sản VN (5/10/2010)
Theo sách "Đại viện sử ký toàn thư" thì khu vực Đền Thụy Khuê thời Lý là Điện Thụy Chương, khoảng cuối triều Hồ cho dỡ điện Thụy Chương. Thấy điện bị hủy hoại, dân địa phương nhân nền cũ dựng đền thờ Thánh Linh Lang. Như vậy có thể khẳng định về niên đại ngôi đền hiện nay ít nhất đã có từ thời nhà Hồ (1400 -1407) cách đây hơn 600 năm.
Về lai lịch vị Đức Thánh được tôn thờ tại Đền và công trạng của người xin được tóm tắt như sau:
Ngài có tên là Hoàng Lang - con của vua Lý Thái Tông với Bà thứ phi Cảo Nương. Ngài sinh vào ngày 13 tháng chạp năm Kỷ Tỵ 1029. Đến năm Thiên cảnh Thánh Vũ 1044 (khi 15 tuổi) Hoàng Lang đã tinh thông võ nghệ - Bấy giờ có giặc Chiêm Thành sang xâm lược nước ta. Thần theo vua cha đi đánh giặc tiến đến kinh đô bàn, giết được vua chiêm, quân chiêm tan tác, bỏ chạy tán loạn. Đến năm 1069 (lúc 40 tuổi) Thần lại theo vua Lý Thánh Tông tiến quân đánh xuống phía Nam diệt giặc Trình Vĩnh.
Năm Đinh Tỵ (1077) Quân Tống lại đem quân xâm lược nước ta. Thái úy Lý Thường Kiệt, tổng chi huy các lực lượng bộ binh, thủy binh giao cho Hoàng tử (lúc đó ngài 48 tuổi) đảm nhiệm lực lượng thủy binh tiến quân tiêu diệt cụm quân của chánh Tướng Quách Quỳ ở phả lại, đánh ngược lên phía Bắc cùng phối hợp với đạo quân của Lý Thường Kiệt phản công mạnh mẽ, tiêu diệt phần lớn quân địch do phó Tướng Triệu Tiết (giặc Tống) chỉ huy (như vậy ngài đã 3 lần cầm quân đánh giặc và cả 3 lần đều chiến thắng) khải hoàn trở về, Hoàng tử được nhà vua phong thưởng rất nhiều, nhưng người đã đem phần thưởng đó phân phát cho dân. Chỉ xin nhà vua cho tung cờ lên, cờ bay đến đâu thì làm nhà ở đó. Cờ bay đến trại Thủ Lệ, vua cho xây cung điện ở đó cho Hoàng tử ở. Ít lâu sau, thần không bệnh mà hóa (ngày 12 tháng 2 âm lịch) nhà vua phong cho Hoàng tử là Linh Lang Đại Vương. Sắc phong cho hai làng Thụy Khuê và Thủ Lệ lập đền thờ làm Thành Hoàng. Chính vì vậy, trong đền còn có câu đối:
Đông cung nhất dạ long đằng do truyền thắng tích
Tây trấn thiên thu tượng phục vĩnh ngật thần từ
Tạm dịch nghĩa là:
Đông cung phút chốc cưỡi rồng bay, vẫn đây truyền thắng tích
Trấn tây mãi mãi có Voi Phục, muôn thủa vững miếu thờ.
Từ các cứ liệu trên có cơ sở để khẳng định: việc xây đền hoặc miếu thờ Ngài được sắc phong từ triều Lý. Còn việc dời đổi vị trí hoặc thay đổi quy mô nơi thờ Ngài có thể có sự thay đổi theo thời gian và ý thức của các thế hệ mà không mâu thuẫn với các cứ liệu đã dẫn ở phần trên.
Hiện nay di tích còn bảo lưu lễ hội gắn liền với sự tích của vị thần Linh Lang. Lễ hội hàng năm được tổ chức 2 lần: 1 vào dịp ngày sinh (13 tháng chạp) 1 vào ngày Hóa của thần (12/2 âm lịch). Lễ vật thường là lễ Tam Sinh: Trâu, lợn, dê cùng các thứ hoa quả để cúng Thần. Trong dịp hội Đền thường tổ chức rước long ngai, bài vị từ Thủ Lệ sang Thụy Khuê (Thụy Khuê được coi là tổng cả và là nơi sinh của thần).
Đền thờ Thần tại Thụy Khuê chắc chắn có từ lâu và từng được sửa chữa nhiều lần - theo tấm bia cổ nhất hiện còn trong đền. Tấm bia được dựng năm Vĩnh Tộ thứ ba (1621) thì biết: "Đền trước đó nguy nga có tiếng là thiêng, vua nhân cầu đảo thấy ứng nghiệm, cho quan đến tu sửa và cấp cho 20 mẫu ruộng…"
Sang thời Nguyễn, ngôi đền lại được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Kiến trúc hiện nay mang đậm dấu ấn của phong cách kiến trúc thời Nguyễn.
Tổng mặt bằng kiến trúc của di tích được bố cục theo dạng chữ đinh, ngoài cùng là tam quan, qua khoảng sân nhỏ dẫn đến đền chính gồm tiền tế và hậu cung.
Tam quan đền là nếp nhà ba gian, xây gạch, phía trước có các cửa kiểu bức bàn, dưới là 4 hàng cột, bộ vì làm kiểu "chồng rường" chắc chắn, vững chãi, sát hai bên hồi, đắp hai tượng hộ pháp, bên ngoài sát đường đặt hai con voi đá.
Qua khoảng sân nhỏ là bậc tam cấp bằng đá xanh mịn dẫn ta vào tiền tế. Tòa tiền tế gồm năm gian, vì kèo làm kiểu "chồng rường giá chiêng", dưới là 4 hàng cột, hai vì hồi chạm hai mặt hổ phù, hổ mắt lồi vẻ dữ tợn phản ánh ý thức cầu được mùa của cư dân nông nghiệp. Trên các bức cốn đầu dư, được chạm khắc nhiều đề tài: rồng, mây, hoa lá… trông khá thanh thoát. Gian chính giữa treo bức đại tự "Vạn cổ anh linh", hai bên có treo câu đối ca ngợi công tích của thần. Hai gian sát hồi được gắn nhiều bia đá, đó là nhữn bia ghi việc trùng tu sửa chữa đền.
Hậu cung gồm ba gian, cũng giống như tòa tiền tế, đều xây theo kiểu tường hồi bít đốc, theo kiểu duy nhất: "chồng rường giá chiêng". Hai bên hồi cũng trang trí hổ phù, hoa văn hình học, tứ linh tứ quý. Trên cao chính giữa hậu cung là long ngai, bài vị viết "Linh lang Đại vương thượng đẳng thần". Bên cạnh đặt một bát hương bằng đá hình vuông. Mặt chính diện chạm hổ phù, hai mặt bên chạm lưỡng long chầu nguyệt. Đây là hiện vật quý thể hiện nghệ thuật tạo tác thời Lê. Trong đền còn tấm bia cao 92cm, rộng 61cm, dày 10cm, được đặt tên thân rùa, bốn mặt đều khắc chữ Hán. Đây là một di vật quý giúp chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc của ngôi đền cũng như quá trình trùng tu, sửa chữa.
Qua nhiều biến động của lịch sử, ngôi đền còn may mắn bảo lưu được một số di vật có giá trị cao. Ngoài sáu bia đá, di tích còn bảo lưu được long ngai, bài vị, cửa võng, bát bửu, kiệu, hoành phi, câu đối được sơn son thiếp vàng lộng lẫy với nội dung ca ngợi công tích của thần như:
Tây Hồ chi sơ Tô Lịch chi dương tự thị giang sơn chân diện mục
Lê thị dĩ tiền Lý triều dĩ hậu bất tùy văn vật cải tinh linh.
Tạm dịch:
Bến nước Hồ Tây, dòng sông Tô Lịch, bộ mặt nước Nam từ đó rạng.
Từ trước thời Lê, nối sau thời Lý, tinh linh văn vật chẳng đổi dời.
Qua tư liệu từ các tấm bia chúng ta cũng được biết thêm về hướng Đền: trước đây dưới triều Lê, Đền làm theo hướng quay lưng ra Hồ, là để ngăn con đường đi tắt ra hồ. Vào tháng 7 năm Canh Thân (1860) Án Sát Sứ Hà Nội lúc đó là Tiến sỹ Nguyễn Hầu tự là Như Cát, nhân lúc rảnh rỗi đi chơi Hồ Tây đến nơi này cảm hoài nói: "Đền như thế này thì làm sao có thể thu về cái đẹp của non nước bao la, Đền như thế này làm sao bao quát được mây trời vạn dặm vào tầm mắt được… ". Thế là ngài hỏi ý kiến các bậc kỳ lão và mọi người bốc cư, bày cách để làm việc phúc, bèn chọn ngày lành tháng tốt xây dựng lại Đền mặt trước của Đền quay về hướng Đông Bắc thay vì hướng Tây Nam như trước đây. Nay Đền nằm trong đất cố thổ của Hồ Tây, lấy Nền La Thành làm hậu chẩm, lấy Sông Tô làm khâm đái, mặt nhìn ra nước Hồ Tây trong xanh, từng lớp sóng bạc dâng trào.
Sau khi làm được như vậy ông nói:"Hồ Sông thực khá lớn vậy. Thần dân phải làm chủ hết thẩy. Nay thuận theo lòng người, chọn được phương, định được vị để xin thân ban phúc. Chúng tôi được ủy thác trông coi muôn dân; đầu tiên là phải làm cho chính sự thanh liêm mà dân hòa. Điều đó phải dựa vào lòng người xu hướng vào đâu, bỏ cái gì mà làm cái gì. Bởi vậy mới nói "Trước tiên là làm tốt đẹp cho dân, sau mới chí kính với Thần vậy".
Ngày Trùng dương 9 tháng 9 năm Canh Thân, Tự Đức thứ 13 (1860) dựng bia.
Phó Tổng Nguyễn Viết Hướng viết.
Và đến hôm nay 30/3/2011, nhằm ngày 26/2 năm Tân Mão lớp hậu thế chúng ta lại một lần nữa khởi công thực hiện dự án "Quy hoạch Tổng mặt bằng và tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích Đền Voi Phục", cũng là cách trân trọng và tiếp nối việc làm của người xưa vậy./.