TSKH. Trần Công Khánh
Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP), thành viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Năm 2003, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Luật Đa dạng sinh học của Việt Nam. Bộ đã huy động sự tham gia của hơn 120 chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan ở trong nước và tham khảo ý kiến của trên 30 chuyên gia nước ngoài. Quá trình soạn thảo đã tham khảo 46 bộ luật liên quan đến Đa dạng sinh học của các nước trên thế giới. Bản dự thảo luật đã nhiều lần được góp ý kiến, chỉnh sửa tại nhiều hội thảo Quốc gia, hội thảo Quốc tế và diễn đàn đối thoại giữa những người tham gia xây dựng luật. Cuối cùng, văn bản chính thức của Luật Đa dạng sinh học đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ tư, thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008, và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.
Sau đây là tóm tắt nội dung bộ luật Đa dạng sinh học và một số vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc, mà chúng ta thường gặp.
I. Luật Đa dạng sinh học (Biodiversity Law)
Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) có 8 chương, 78 điều, gồm các nội dung chính sau:
Chương 1: Những quy định chung (Điều 1-7)
Chương 2: Quy hoạch bảo tồn ĐDSH. Gồm 2 mục, với 8 điều (Điều 8-15).
Chương 3: Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên. Gồm 2 mục, với 21 điều (16-36).
Chương 4: Bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật. Gồm 3 mục, với 18 điều (37-54).
Chương 5: Bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền. Gồm 3 mục, với 14 điều (55-68).
Chương 6: Hợp tác Quốc tế về ĐDSH. Gồm 2 điều (69-70).
Chương 7: Cơ chế, nguồn lực bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH. Gồm 5 điều (71-75)
Chương 8: Điều khoản thi hành. Gồm 3 điều (76-78)
Bộ luật Đa dạng sinh học được in bằng hai thứ tiếng (Việt và Anh), gồm 164 trang, khổ 13x19cm, xuất bản năm 2008.
II. Luật ĐDSH và việc bảo tồn Tài nguyên cây thuốc ở Việt Nam
Ai cũng biết, nước ta có nguồn Tài nguyên sinh học rất đa dạng và phong phú, được xếp hạng thứ 16 trong số 25 Quốc gia có Đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan (chiến tranh) và chủ quan (con người) tác động, nên nguồn tài nguyên này đã bị suy giảm nghiêm trọng, do bị xâm hại và khai thác quá mức. Nay luật Đa dạng sinh học ra đời sẽ là một công cụ nhằm góp phần trong việc bảo tồn và ngăn chặn sự suy thoái nguồn Tài nguyên sinh học nói chung, trong đó có Tài nguyên cây thuốc ở Việt Nam.
Các chương, mục, điều, khoản của bộ luật đều ít nhiều liên quan đến Tài nguyên cây thuốc. Riêng chương 5: Bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền. Gồm 3 mục, với 14 điều (55-68).
- Mục 1: Quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen.
- Mục 2: Lưu giữ, bảo quản mẫu vật di truyền, đánh giá nguồn gen, quản lý thông tin về nguồn gen, bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen.
- Mục 3: Quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với ĐDSH.
Mục 1: Liên quan trực tiếp đến việc khai thác nguồn gen sinh vật làm thuốc (gồm thực vật, động vật và vi sinh vật) và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen này. Đề cập những vấn đề mà cho đến nay những người tổ chức việc khai thác và buôn bán dược liệu thường gặp.
Điều 55 (Quản lý nguồn gen) đã xác định:
(1) Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ nguồn gen trên lãnh thổ Việt Nam.
(2) Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân quản lý nguồn gen theo quy định sau: (a) Ban quản lý khu bảo tồn; (b) Chủ cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen; (c) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen thuộc phạm vi được giao quản lý, sử dụng; (d) Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý nguồn gen trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, nêu trên.
Như vậy, nguồn gen không phải là của chung, không phải là ‘của trời cho’, mà ai muốn lấy cũng được (!). Nay nó đã có các địa chỉ chịu trách nhiệm quản lý, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào muốn khai thác sử dụng nguồn gen đều phải xin phép trước.
Điều 56 (Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen) đã ghi rõ 3 quyền:
a. Quyền điều tra, thu thập nguồn gen được giao quản lý;
b. Quyền trao đổi, chuyển giao, cung cấp nguồn gen được giao quản lý cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;
c. Quyền hưởng lợi ích do tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn gen chia sẻ theo quy định tại điều 58 và 61 của luật này.
Và 4 nghĩa vụ, trong đó có:
b. Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen quy định tại điều 59 của luật này.
c. Kiểm soát việc điều tra, thu thập nguồn gen của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen.
Điều này cho thấy: Tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen phải có hợp đồng chia sẻ lợi ích với các bên liên quan; bao gồm cả việc phân chia quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả sáng tạo trên cơ sở bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen.
Việc chia sẻ lợi ích một cách hợp lý là trách nhiệm của bất cứ tổ chức, cá nhân nào được phép khai thác, sử dụng nguồn gen.Vấn đề đặt ra là: mức độ chia sẻ như thế nào thì cần có quy định tiếp bằng văn bản dưới luật của Chính phủ.
Trước đây, do chưa có luật ĐDSH, nên nhiều cá nhân, cũng như tổ chức trong và ngoài ngành Dược đã vô tình vi phạm việc quản lý, bảo tồn và khai thác bền vững nguồn gen làm thuốc. Hậu quả dẫn đến nguồn tài nguyên này bị suy giảm nhanh chóng, nhiều cây thuốc và con vật làm thuốc gần như bị tuyệt chủng trong thiên nhiên (vd. Hoàng liên, Sâm Việt Nam, Tắc kè, vv.). Nay luật ĐDSH đã có hiệu lực. Trách nhiệm của chúng ta là phải làm theo luật pháp, góp phần bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên sinh học nói chung và nguồn gen làm thuốc quý giá ở Việt Nam, cho chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau.