Tôi nhớ như in dù ngày ấy vẫn còn rất bé. Khoảng sân nhà tôi là một vườn địa đàng đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Ở đó chúng tôi thường chạy theo tiếng chim, tiếng dế, tiếng mo cau bị gió kéo lê trên đường. Chỉ có thế mà vẫn thích thú cười hoài. Và trò chơi cưỡi mo cau lại diễn ra. Rồi khi những trò chơi đùa không còn quyến rũ lũ trẻ chúng tôi được nữa, tôi quay về bên cánh võng của mẹ nằm ngủ một giấc ngon lành. “À..ơi…con ngủ cho ngoan để cha đi trẩy nước non Cao Bằng…” có dính dáng gì tới quê tôi đâu nhưng đã in sâu vào tiềm thức của tôi lúc nào không hay. Nó lớn lên, lớn lên mãi như cây gạo làng tôi. Để rồi sắc hoa của nó đã thành sắc hoa nhớ mà tôi luôn khát khao mỗi khi xuân qua hạ tới.
Đến bây giờ tôi cũng không thể nào phân tích được là trong lời ru của mẹ có cái gì đó thật ấm áp và vô cùng êm ái mà không có nó thì giấc ngủ của trẻ thơ sẽ không thể say nồng. Phải chăng lời ru của mẹ là liều thuốc ngủ diệu kỳ nhất. Bàn tay vỗ về của mẹ là an tâm nhất để giấc ngủ con không phải chập chờn. Sự việc tưởng chừng vô thức đó, thực ra là một quá trình lao động cực nhọc của tạo hóa để làm nên tình mẫu tử thiêng liêng. Một sợi dây vô hình nhưng vô cùng chắc chắn gắn kết con vào đời mẹ. Nói cho con biết con từ núm ruột mẹ mà ra, chung thủy sắt son mà có. Thực tế, trên đời này yêu nhất vẫn là mẹ mình thôi.
Cuộc sống ngày càng hối hả, con người ta không thể không thích nghi với vòng xoay luôn tăng chứ không hề giảm của nhịp sống thị thành. Câu mẹ ru dần thưa thớt trong những căn nhà phố, nơi mà người mẹ giờ không còn là người nội trợ thuần túy nữa mà là người của xã hội, của đoàn thể, của bình đẳng nữ giới nên tuổi thơ con có chút thiệt thòi. Không như thời chúng tôi, những đứa trẻ quê luôn được mẹ ẵm bồng, hôn hít, vỗ về khi hát ru nôi… “À…ơi…con ngủ cho say…”.