Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội
Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh
Câu hát này thể hiện ước muốn thiết tha về một Hà Nội xanh của biết bao thế hệ người Hà Nội, ngay cả khi Thủ đô và đất nước còn trong thời đạn lửa. Ước muốn này đã dần dần trở thành một hoạch định chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô.
Xanh -
văn hiến -
văn minh -
hiện đại là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt những văn bản pháp quy cơ bản nhất lần lượt được thông qua trong ba năm qua:
Quy hoạch chung phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2050;
Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thủ đô Hà Nội đến năm 2020,
tầm nhìn đến năm 2030;
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020;
Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và đặc biệt là
Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua cuối năm 2012.Trong tất cả các văn bản quan trọng này, yếu tố
Xanh bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu, được nhấn mạnh với một sự quan tâm đặc biệt để Hà Nội đạt bằng được mục tiêu: 70% diện tích là không gian xanh, 30% là phát triển đô thị.
Vì sao vậy?
Sau hơn 5 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô ta hiện có số dân hơn 7 triệu người, (trong tương lai không xa sẽ lên tới 8 - 9 triệu người); diện tích 3.344km
2. Hà Nội hôm nay đang thực hiện công nghiệp hóa - đô thị hóa với tốc lực lớn, lại đang trong tình trạng mất cân bằng về nhiều mặt, trong đó gay gắt nhất là sự quá tải về dân số ở khu đô thị trung tâm, ách tắc giao thông nghiêm trọng và ô nhiễm môi trường nặng nề.
Đã từ lâu rồi, trong tâm thức không chỉ của người Hà thành mà còn của các nhà nghiên cứu quốc tế, Hà Nội là thành phố cây - hồ. Thế có nghĩa là, nếu thiếu cây, mất hồ thì đâu còn là Hà Nội!
Ngăn chặn hủy hoại môi trường sống ở vùng đất “rồng cuộn hổ ngồi” này bắt đầu từ đâu? Cây xanh, công viên, vườn hoa, sông hồ... phải được cứu sống, phải được gây dựng, phải được gìn giữ và phát huy. Đó là thân thể, là da thịt, là hồn cốt của Thăng Long - Hà Nội.
Mạng lưới cây xanh ở các tuyến phố cũ tồn tại từ lâu lắm rồi, gắn bó với tâm hồn người Hà Nội. Đó là những hàng sấu già, thân sần sùi mà lá xanh ngắt ở phố Phan Đình Phùng đẹp nhất Thủ đô; cây xà cừ ở đường Hoàng Diệu, đường Kim Mã; cây sữa ở phố Nguyễn Du; cây sao đen ở phố Lò Đúc... Những hàng cây quý giá, được coi là khá phong phú về chủng loại (gồm 172 loài thuộc 55 họ thực vật), nhưng ít ỏi về số lượng nên đâu có đủ sức che mát cả một đô thị lớn đang cuồn cuộn, hầm hập trong cơn lốc dựng xây, ngày đêm ngộp thở vì bụi, ngột ngạt, tức mắt vì các khối bê tông cốt thép. Đó là chưa kể đến việc có những kẻ vô lương, ích kỷ, độc ác, vì sự thiển cận trong nhận thức, đã đang tâm đổ nước muối, đổ axít, chặt rễ... để hạ sát những cái cây trước cửa nhà, trước cửa hiệu của họ. Thật xót xa! Rồi nữa, cứ hễ có được “mảnh đất vàng” nào được giải phóng mặt bằng từ chủ trương di dời các nhà máy, khu công nghiệp, công sở, bệnh viện ra khỏi khu vực trung tâm là không ít người dòm ngó, sắp đặt, mưu toan cho “mọc” lên ở đó các khu đô thị, các tòa nhà cao ngất vì mục đích thương mại.
Nhận thấy sự nguy hại này, mấy năm qua, lãnh đạo Hà Nội đã kiên quyết điều chỉnh, cắt bỏ một loạt các dự án, công trình không phù hợp, đồng thời dứt khoát “cắt ngọn” các công trình vượt chiều cao cho phép mà lâu nay đây đó vẫn được coi là “việc đã rồi”, chỉ nhắc nhở qua quýt rồi “phạt cho tồn tại”. Xem xét thấu đáo mọi bề, thật không dễ gì đưa ra quyết định như: Xây dựng vườn hoa ở Quảng trường Cách mạng tháng Tám thay vì cho mọc lên ở đó một tòa cao ốc; xây dựng con đường lát đá đen, có thảm cỏ và cây xanh ở Chợ 19/2 - nơi đã phát hiện nhiều hài cốt đồng bào và chiến sĩ ta hy sinh trong trận chiến mùa đông 1946 - thay vì lạnh lùng cho mọc lên ở đó một trung tâm thương mại; dừng dự án xây dựng khách sạn SAS cao ngất bên cạnh Công viên Thống Nhất... Đó là những quyết định kịp thời, đúng đắn và dũng cảm, được dư luận đánh giá rất cao. Điều này thể hiện rất rõ quyết tâm thực hiện chủ trương xây dựng thành phố theo hướng
Xanh của lãnh đạo Hà Nội. Đó cũng là những minh chứng sống động cho việc hình thành và xác lập một phong cách lãnh đạo mới ở Thủ đô ta.
Trong cuộc đời làm báo, chúng tôi đã có dịp tới thủ đô nhiều nước ở các châu lục khác nhau. Ở đâu chúng tôi cũng thấy bao la mướt xanh, mênh mông êm đềm những cánh rừng thơ mộng như trong cổ tích. Rừng không chỉ ở vùng ngoại ô mà ở ngay giữa lòng thành phố. Trong khi Liverpool (Anh) thực hiện thành công chiến lược
Hạ tầng xanh, Porland (Mỹ) tự hào với chiến lược
Đường phố xanh thì Singapore nổi danh với chiến lược
Từ thành phố vườn đến thành phố trong vườn. Được biết mật độ cây xanh của Berlin là 60m
2/người, Moscow là 50m
2/người, Paris là 30m
2/người... KualaLumpur là 25m
2/người... Nếu như trước năm 1945, Hà Nội chỉ có khoảng một chục vườn hoa, công viên với tổng diện tích 38ha thì sau năm 2000 đã có 67 công viên, vườn hoa với tổng diện tích 365,61ha. Mặc dù vậy, hiện đô thị Hà Nội chỉ mới đạt khoảng 5m
2 cây xanh/người và theo quy hoạch chung thì đến năm 2030 mới đạt 26m
2/người. Để tới được mục tiêu này, trước hết Hà Nội cần giảm tải dân cư ở các khu trung tâm, thực hiện thật nghiêm quy hoạch các vùng nệm xanh đã được xác định chủ yếu ở vùng ngoại ô và vùng nông thôn của Hà Nội mở rộng.
Trong phiên họp cuối năm 2012, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã cho ý kiến chỉ đạo về
Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội hiện có 111 hồ trong nội thành với tổng diện tích 1.146ha, 77 hồ ngoại thành với tổng diện tích 4.861ha, 16 sông chính với tổng chiều dài 600km, trong đó đương nhiên quan trọng nhất là sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội dài 45km. Khỏi phải nhắc lại tầm quan trọng sống còn của hệ thống sông hồ đối với Hà Nội, thế mà những năm qua, trong cơn lốc đô thị hóa, nhiều ao hồ đã bị san lấp, thu hẹp không thương tiếc; nhiều dòng sông, vốn rất đẹp trong thơ ca nhạc họa, nay trở thành những “dòng sông chết”.
Không thể để “lá phổi” thành phố bị teo dần, đích thân Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã phát động chiến dịch cứu hồ Hà Nội, và ngay trong ngày đầu tiên đã nhận được hàng trăm tỷ đồng ủng hộ từ sự vào cuộc của các doanh nghiệp; đến nay đã có 46 hồ được cải tạo, những mặt nước đen ngòm đã dần xanh lại. Bên cạnh đó, Dự án cứu sông Nhuệ và một số dòng sông khác đã được bàn thảo nhiều, một số việc đã được triển khai nhưng hiệu quả thực sự thì vẫn còn là điều mong ước.
Dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được xem lại bức ảnh cô gái tưới hoa bên xác máy bay B.52 dưới hồ Hữu Tiệp, bỗng dưng lòng tôi trào lên nỗi nhớ tiếc làng hoa Ngọc Hà, nay đã nằm dưới những khu nhà ở thời đô thị hóa. Lại thấy buốt lòng khi làng đào Nhật Tân đã bị dự án khu đô thị Ciputra nuốt chửng mấy năm trước đây. Như thế hai làng hoa nức tiếng của Thăng Long - Hà Nội nay chỉ còn lại trong ký ức buồn. Trong thời mở mang kinh tế, vì những hối thúc lợi ích trước mắt nào đó, chúng ta đã không giữ được những thứ quý như báu vật. Đây thực sự là bài học đắt giá!
Hà Nội không phải là thành phố chuyên trồng hoa như Đà Lạt, nhưng trong tâm thức và ước mong của nhiều người, Hà Nội phải là một
thành phố hoa. Chúng ta có thể làm gì? Trước hết, nên xây dựng một số
làng hoa mới với ý thức bồi đắp thương hiệu ngày càng mạnh, tiếng thơm ngày càng vang xa. Trong nội đô, nên tổ chức một vài tuyến phố hoa, đó là nơi giới thiệu, trưng bày và tiêu thụ những sản phẩm đủ loại của các làng hoa, kể cả hoa tươi, hoa khô, hoa nghệ thuật. Đó là nơi gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của những người trồng hoa cả nước. Những tuyến phố hoa như vậy sẽ làm cho Thủ đô ta thêm duyên dáng, lung linh, lộng lẫy, một trung tâm du lịch thu hút thêm du khách thập phương. Hoa vừa tô điểm thành phố, vừa đưa lại những lợi ích kinh tế không nhỏ. Và trên mỗi ô cửa sổ, trên mỗi ban công, trước hiên mỗi ngôi nhà, tùy theo điều kiện cụ thể, người Hà Nội hãy trồng những chậu hoa, những luống hoa, vừa đẹp nhà mình, vừa đẹp cả làng, cả phố. Nếu phường nào, xã nào cũng làm được như vậy, thì
thành phố hoa đâu phải là điều gì quá xa vời đối với Hà Nội. Tôi mong hội phụ nữ và đoàn thanh niên các địa phương nên đi đầu gây dựng phong trào đầy mỹ cảm và rất thiết thực này.
Một Thăng Long - Hà Nội
xanh -
văn hiến -
văn minh -
hiện đại vươn mình trong ánh sáng của thời đại mới là kỳ vọng lớn, là quyết tâm lớn của các thế hệ con Lạc cháu Hồng thời đại Hồ Chí Minh
Nhà báo Hồ Quang Lợi
Ủy viên Ban Thường vụ
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
(Trí thức và Phát triển)