Xưa kia ấy, quê tôi có cái tên dân dã là làng Tiếp Võ thuộc xã Thuận Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Từ năm 1979, nhà nước có chủ trương di dân từ vùng trũng thấp lên gần đường quốc lộ I, dưới chân núi Hồng Lĩnh. Sau này, tỉnh mới thành lập thị trấn, rồi thị xã Hồng Lĩnh. Kể từ đó, bến sông quê chỉ còn trong ký ức, trong niềm thương nỗi nhớ với mỗi người con quê hương.
Bến sông quê! Đó là nơi bà con làng nước lại trở về sau một ngày lao động vất vả để được tắm gội, giặt giũ rũ sạch bụi bặm mà nhận về cái mát rượi của dòng nước. Đó là nơi hẹn hò của những đôi trai gái làng quê, nơi họ tỏ bày nỗi niềm tâm sự tình cảm của mình. Bến sông quê như là nhân chứng của những mối tình mộc mạc thủy chung...
Có lẽ với tuổi thơ, bến sông quê có biết bao kỷ niệm. Nhà thơ Tế Hanh từng ký thác về tuổi thơ của mình khi hồi tưởng trong bài thơ Nhớ con sông quê hương: “... Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy/ Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy/ Bầy chim non bơi lội trên sông...”. Ở đâu có bến sông mà tuổi thơ không “ôm nước vào lòng”, để “sông mở nước” hay mở lòng, mở rộng vòng tay ôm ấp vỗ về và đón nhận tình cảm của những công dân nhỏ của làng quê.
Tuổi thơ tôi từng gắn bó với dòng sông bến nước quê hương. Khi chiều về, bọn trẻ lại ùa ra bến sông ngụp lặn cho thỏa thích, nhất là những ngày Hè nắng nóng, bến sông là nơi tắm gội lý tưởng nhất, mát mẻ, thú vị nhất. Trong những ngày hè ấy, người dân làng hay cả bọn trẻ có khi tới 9 - 10 giờ đêm mới từ bến sông trở về...
Không hiểu sao mỗi lần về thăm quê sau bao ngày tháng xa cách, tôi lại hồi tưởng nhớ về bến sông quê. Lại nhớ về nơi chất chứa bao kỷ niệm vui buồn. Lại thèm được sống cảnh làng quê thanh bình mà đằm thắm, dù đời sống vật chất còn bộn bề gian khó mà cuộc sống vẫn ăm ắp tiếng cười và tình người đôn hậu. Với làng quê tôi, bến sông không chỉ là nơi tắm gội, nơi gặp gỡ chia ly mà còn là nơi “cả làng ăn nước sông”. Điều ấy không chỉ nói về một cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, chưa có nước lọc, nước máy như bây giờ mà còn phản ánh một thực tế: nước sông dù có vẩn đục nhưng không ô nhiễm như nhiều dòng sông hôm nay.
Bến sông quê! Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong tâm thức của người Việt luôn có hình ảnh “bến nước” như một biểu tượng của văn hóa truyền thống. Và cùng với “cây đa” - “bến nước” - “sân đình”, đã tạo nên chuỗi giá trị văn hóa tinh thần với sức sống trường tồn của cộng đồng người Việt từ ngàn đời nay. Bởi nơi ấy tình người hội tụ và lan tỏa cái tình làng nghĩa nước. Đó cũng là cái chất dân dã, mộc mạc, chân chất mà thắm thiết tình người của cộng đồng người Việt như vạn sự “tắt lửa, tối đèn có nhau”. Bởi nơi ấy, bến nước dòng sông từng chứng kiến những “cuộc chia ly màu đỏ” (Nguyễn Mỹ). Ấy là cuộc chia ly trên bến dưới thuyền giữa người ra đi và người ở lại khi người chinh phụ lúc phải đi công địch, khi lại lên miền biên ải hay lao công phục vụ lợi ích cho những triều đại phong kiến trước đây. Đó cũng chính là cuộc chia ly của làng nước quê hương, của những đôi trai gái khi tiễn đưa người thân yêu của mình lên đường tòng quân ra mặt trận trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ...
Có thể nói, bến sông quê là không gian văn hóa từng gắn kết các thế hệ người Việt Nam với quê hương xứ sở. Và chính điều ấy đã hun đúc và kết tinh cái sức sống trường tồn của dân tộc. Đồng thời cũng tạo nên nét văn hóa với những giá trị đích thực trong sinh hoạt làng quê của cộng đồng người Việt. Hồi tưởng về bến sông quê là trở về với văn hóa nguồn cội, cái cội nguồn cho ta nhiều cảm xúc.
Trọng Nguyên