(VACNE) - Nằm trong Chương trình Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 5 với chuyên đề bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Cục Bảo tồn đa dạng sinh học – Tổng cục Môi trường tổ chức, sau 1 ngày tổ chức hội thảo tại thành phố Buôn Ma Thuột, chúng tôi được đi khảo sát thực tế rừng khộp trong Vườn quốc gia Yok Đôn.
Rừng khộp chỉ có ở khu vực Đông Nam Á, cấu thành từ những loài cây tán không khép kín, rụng lá trong thời gian dài, ánh sáng mặt trời có thể chiếu xuống đất dưới tán rừng. Rừng chỉ có một tầng thường không có tầng dưới, thảm tươi phổ biến là cỏ. Rừng Khộp thường chiếm những diện tích riêng biệt với một vài loài cây có hệ số thành phần như tuyệt đối trong đó chủ yếu là các loài cây họ Dầu như Cà chắc (Cà chít), Cẩm liên, Dầu đồng, Dầu trà beng, Chiêu liêu,… Bên cạnh những cây họ đầu còn một số loài gỗ khác nhưng tỉ lệ ít.
Vườn quốc gia Yok Đôn có tổng diện tích là 113.853,95 ha, chủ yếu là rừng khộp (chiếm 93% diện tích), nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 40 km về phía Tây Bắc. Đây là vườn quốc gia duy nhất ở Việt Nam bảo tồn loại rừng đặc biệt này.
Bản đồ hiện trạng rừng và đất đai VQG Yok Đôn
Một góc VQG Yok Đôn
Lộ trình khảo sát VQG Yok Đôn gồm: làm việc với Ban quản lý VQG, thăm quan nhà trưng bày; thăm quan khu du lịch Bản Đôn; khảo sát sự phân bố của rừng khộp, rừng bán thường xanh, rừng hổn hợp…theo tuyến Bản Đôn - Hồ Đrang Phok- Buôn Đrang phok.
Điểm thứ nhất: Văn phòng VQG Yok Đôn
Lãnh đạo và nhân viên ban quản lý VQG Yok Đôn
Điểm thứ 2: Khu du lịch Bản Đôn
Bản Đôn thuộc địa phận xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Bản Đôn là một ngôi làng được xây dựng trên một ốc đảo của sông Sêrepôk. Đây từng là một trong những điểm giao thương quan trọng của 3 nước Đông Dương ngày xưa trên tuyến đường sông.
Bản Đôn là một địa danh nổi tiếng của Việt Nam và được nhiều người trên thế giới biết đến như là một nơi có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Bản Đôn trước đây đã từng là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk, sau này để tiện cho việc phát triển kinh tế xã hội và để chiếm giữ một vị trí an ninh quốc phòng chiến lược, người Pháp đã cho dời cơ quan hành chính về Buôn Ma Thuột.
Tại Bản Đôn không khó để gặp các sắc màu rực rỡ đủ loại trong trang phục thổ cẩm đồng bào dân tộc M Nông, Ê Đê... Đây đó, ta bắt gặp những chú voi cao to ngạo nghễ dạo bước ngoan ngoãn dưới sự chỉ huy của người quản tượng đãn du khách đi dạo quanh Bản Đôn.
Chú voi đưa du khách đi dạo quanh Bản Đôn
Một đặc điểm nữa không thể không nhắc tới tại bản đôn là cầu treo. Đây là một cây cầu du lịch được làm bằng vật liệu tre, nứa, song, mây có gia cố thêm cáp sắt. Cầu được bắt trên một cây si (dân địa phương gọi là cây gừa) cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi, mọc ven bờ sông Serepôk. Tán cây bao trùm một diện tích tới trên một ha đất với nhiều gốc do các đoạn rễ phụ tạo thành và hiện nay khó có thể xác định gốc chính ở đâu. Cây cầu dài chừng 1 km, với nhiều phân đoạn gắn kết hài hòa với một hệ thống sàn nghỉ, nhà hàng gia công bằng gỗ cũng hoàn toàn nằm trên cây.
Đoàn qua Cầu treo tại khu du lịch Bản Đôn
Nhiều người rất thích thú cái cảm giác cầu lắc lư theo nhịp chân,
tuy nhiên nhiều người tỏ ra sợ hãi khi qua cầu
Hiện nay, Bản Đôn cũng luôn bị ảnh hưởng do quá trình xả lũ
của các công trình thủy điện trên dòng Serepôk,
Ảnh trên là một chiếc chòi bị nước cuốn trôi trên sông.
Nghỉ ngơi thư giãn sau khi thăm Bản Đôn
Điểm thứ 3: Khảo sát sự phân bố của rừng khộp, rừng bán thường xanh, rừng hổn hợp… theo tuyến Bản Đôn - Hồ Đrang Phok- Buôn Đrang phok (khoảng 30 km).
Đặc trung rừng khộp và ở VQG Yok Đôn cũng không phải là ngoại lệ: Rừng khộp thường phân bố ở những vùng có khí hậu phân biệt thành hai mùa mưa – khô rõ rệt. Vào mùa khô, rừng khộp trơ trụi lá, đất đai khô cằn, các dòng suối trong rừng hầu hết đều cạn kiệt khiến những người lần đầu đến thăm có thể ngỡ rằng đó là khu rừng chết. Chính vì cây lá rụng nhiều, ở mặt đất lại thường là các loại cỏ, le và cây con mọc dày đặc nên loại rừng này rất dễ cháy vào mùa khô. Tuy nhiên, chính lửa lại là yếu tố tích cực làm quả cây có đủ điều kiện để nảy mầm và tạo nên sức tái sinh mãnh liệt của rừng khộp. Chỉ cần có một cơn mưa thoáng qua là cả khu rừng lập tức bừng màu xanh trở lại. Trong suốt mùa mưa, cây cối trong rừng khộp phát triển mạnh và tươi tốt.
VQG Yok Đôn là một địa điểm quan trọng để bảo tồn nhiều loài thú lớn như bò tót (Bos gaurus), bò rừng (Bos javanicus) và Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes). Khu vực này cũng được coi là một trong những vùng bảo tồn chim quan trọng của Việt Nam, nhất là đối với chim công (Pavo muticus). Tầm quan trọng này lại càng được khẳng định với sự phát hiện loài chìa vôi Mê Kông (Motacilla samveasnae) và quắm lớn (Pseudibis gigantea). Trong số 51 loài động vật quý hiếm ở Đông Dương đã phát hiện được 38 loài hiện diện ở rừng khộp Tây Nguyên.
Không chỉ là nơi sinh sống của các loài động vật quý hiếm, rừng khộp còn có rất nhiều loài thực vật có giá trị. Đến nay VQG Yok Đôn đã ghi nhận được 858 loài Thực vật thuộc 129 họ trong đó có tới 116 loài (chiếm 14%) cho gỗ với nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: Trắc, Cà te, Cẩm lai, Giáng Hương, Gụ mật, Căm xe, Sao, Cà chít, Cẩm liên, chiêu liêu đen, Gáo vàng... Động vật cũng đã ghi nhận 489 loài thuộc 54 họ 16 bộ (Trong đó có 44 loài thú quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới)
Một thực trạng đáng báo động là ở nhiều địa phương rừng khộp bị coi là kém hiệu quả kinh tế, đang bị phá bỏ không thương tiếc. Hàng trăm hecta đã và đang bị chuyển sang trồng cao su, cà phê... được coi là có hiệu quả cao hơn.Thực tế không nhiều người dân và thậm chí là cả chính quyền địa phương cũng chưa hiểu hết được các giá trị của rừng khộp, cả về kinh tế và các giá trị sinh học, sinh thái.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp tại Yok Đôn hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn như: Hàng ngày có hơn 200 lượt người vào rừng với các hoạt động chăn thả gia súc, làm ruộng rẫy, thu hái lâm sản ngoài gỗ ... Trong 9 tháng đầu năm 2013 VQG Yok Đôn đã ngăn chặn và xử lý 27 vụ khai thác gỗ trái phép; ngăn chặn và xử lý 378 vụ vận chuyển, mua bán, cất giữ gỗ trái phép; ngăn chặn và xử lý 07 vụsăn bắn, bẫy bắt động vật rừng trái phép.
Hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ của người dân địa phương
trong rừng khộp
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh cùng với cán bộ của Vườn đang xem mẫu
lá cây Kơ Nia, một cây đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên
Phát hiện được chú tắc kè trong bụi tre tại rừng khộp
đang chiêm ngưỡng Đoàn khảo sát
Và những mần xanh đanh nhú lên trong sự khắc nghiệt của rừng khộp
(Trong bài có sử dụng một số ảnh và tư liệu do Ban quản lý VQG cung cấp)
Danh Trường