Kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới 5.6.2011: Rừng – vấn đề môi trường hàng đầu của Việt Nam
TS. Nguyễn Ngọc Sinh,
Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam
Năm 2011, năm mở đầu của Thập kỷ Đa dạng sinh học 2011 – 2020 được Liên hợp quốc chọn là Năm Quốc tế về Rừng, còn Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc UNEP đưa ra thông điệp “Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên” (dịch theo áp phích của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Rừng có giá trị to lớn đối với cuộc sống của tự nhiên và con người, là nơi cung cấp các dịch vụ thiết yếu và duy trì sự sống trên hành tinh, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu, cung cấp oxy cho khí quyển và giữ lại lượng lớn khí CO2 thải ra. Rừng tích nước cho các dòng sông, tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất, là hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học lớn nhất trên cạn. Rừng cung cấp nơi ở, làm việc, tạo an ninh sinh kế và các nền văn hóa liên quan đến nhiều cộng đồng các dân tộc. Thế nhưng, bất chấp tất cả, mỗi năm con người vẫn chặt phá trung bình 13 triệu hecta rừng, làm suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học rừng, làm tổn hại đáng kể chức năng và giá trị to lớn của rừng đối với cuộc sống của con người và của tự nhiên.
Năm nay Ấn Độ được chọn là nước chủ nhà của Ngày Môi trường Thế giới 5.6. Quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này đang phải đối mặt với nhiều thách thức môi trường nghiêm trọng liên quan đến gia tăng dân số, đẩy mạnh công nghiệp hóa và đô thị hóa ngoài khả năng kiểm soát và sự mở rộng ồ ạt của nông nghiệp. Những vấn đề môi trường hàng đầu của Ấn Độ là nạn phá rừng, thứ đến ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước và quốc nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã. Tất cả đều liên quan đến rừng.
Cũng như Ấn Độ và các nước trên thế giới, Việt Nam ta kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới năm nay thiết thực nhất là nhìn lại những vấn đề về Rừng từ góc độ môi trường. Với việc thành lập Vườn Quốc gia Cúc Phương từ những năm đầu của Thập niên 60 Thế kỷ trước, với việc ban hành Pháp lệnh Bảo vệ Rừng và cho ra đời lực lượng Kiểm lâm Nhân dân 10 năm sau đó, có thể nói chúng ta đã sớm tiếp cận vấn đề bảo vệ rừng. Câu thơ “Rừng suy tàn là Tổ quốc suy vong” được truyền tụng rất sớm đã như một lời cảnh báo, một lời nguyền của cả dân tộc. Thế nhưng, cũng như ở nhiều nơi khác, thảm họa suy thoái rừng vẫn đã xảy ra mà đáy của nó là vào những năm trước Thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Thời kỳ đó, trung bình mỗi năm chúng ta mất khoảng 0,2 triệu hecta rừng dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng về nhiều mặt.
Vài nét điểm qua tình hình cũng đủ để thấy rằng ở Việt Nam, ở Ấn Độ và ở khắp các quốc gia khác, vấn đề rừng đều trở thành vấn đề môi trường hàng đầu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến không chỉ môi trường và con người mà còn đến sự tồn vong của cả thế giới này. Các tổ chức quốc tế lấy năm 2011 là Năm quốc tế về rừng là muốn chúng ta nhận thức rõ hơn nữa giá trị to lớn và quyết định của rừng đối với cuộc sống, muốn chúng ta ngăn chặn tình trạng tàn phá rừng, khôi phục lá phổi xanh của Trái đất. Sẽ không phải là quá muộn nếu ngay lúc này, ngay từ năm này chúng ta quyết tâm hơn, đồng lòng xây dựng cuộc sống xanh mà trong đó những cánh rừng giữ vai trò trọng tâm của các nền kinh tế xanh và sự phát triển bền vững. Bảo tồn và phát triển rừng là những cơ hội kinh doanh có hiệu quả. Các nhà kinh tế đã tính được rằng, nếu thế giới đầu tư 30 tỷ đô la để chống phá rừng và phục hồi rừng thì có thể nhận được tới 2500 tỷ đô la từ các sản phẩm và dịch vụ mà rừng mang lại.
Từng quốc gia và cả cộng đồng quốc tế đã có nhiều sáng kiến quan trọng nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững rừng. Nhiều kết quả đáng khích lệ liên quan đến Chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua giảm mất rừng và suy thoái rừng tại các nước đang phát triển (viết tắt tiếng Anh là REDD) được Liên hợp quốc phát động từ tháng 9 năm 2008. Chương trình hiện có 29 nước tham gia, từ Châu Phi, Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Mỹ La Tinh. REDD cũng được coi là một trong những sáng kiến hiệu quả nhất về mặt kinh tế nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần chặn đứng nguy cơ nhiệt độ trái đất tăng lên 2oC.
Nhân ngày Môi trường Thế giới năm nay, UNEP khuyến nghị các quốc gia nên xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích sử dụng rừng một cách bền vững; xây dựng các vành đai bảo vệ các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng và khuyến khích tái tạo rừng tại các khu vực bị hoang hóa. Các công ty tư nhân nên chớp cơ hội để đầu tư vào “nền kinh tế xanh”, bên cạnh đó xây dựng ý thức trách nhiệm xã hội cho người tiêu dùng. Cộng đồng cần giữ vị trí quan trọng hơn nữa trong việc giám sát độc lập các tổ chức có liên quan đến rừng, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và hưởng ứng các sáng kiến bảo vệ rừng.
Cũng như các công ty tư nhân, mỗi cá nhân cũng có thể trở thành người tiêu dùng thông thái thông qua việc chọn mua các sản phẩm được chứng nhận bảo vệ môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc khi mua các vật dụng, đồ gỗ, giấy hay bất kỳ sản phẩm nào, người dân hãy kiểm tra liệu sản phẩm đó có đảm bảo tiêu chí thân thiện với môi trường hay không, xem sản phẩm đã được dán nhãn sinh thái hay chưa.
Điều quan trọng hơn cả, bảo vệ rừng không chỉ là một hành động đơn lẻ mà phải là chuỗi hành động có tính thường xuyên, liên tục và lâu dài với mục tiêu thay đổi phong cách sống.
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cũng vậy, hơn 20 năm qua, từ ngày thành lập (năm 1988) vẫn coi vấn đề môi trường rừng như là một trong những vấn đề môi trường hàng đầu của Việt Nam. Đa số các hoạt động, các công trình nghiên cứu khoa học đều hướng về bảo vệ và phát triển rừng; trong đó rừng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên (dãy Trường Sơn) được đặc biệt quan tâm. Bởi đây là vùng hết sức nhạy cảm đối với các thảm họa thiên nhiên, đặc biệt là vị trí của nó trong tương lai, trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Chính vì thế, suốt từ năm 2008 đến nay VACNE đã kiên trì tổ chức hàng loạt hội thảo và diễn đàn khoa học dành riêng cho khu vực này, dù Hội gặp rất nhiều khó khăn. Theo đánh giá của giới chuyên môn: dãy Trường Sơn không chỉ là khu vực có sự đa dạng về sinh học (ĐDSH) cao nhất của Việt Nam, mà nó còn là một trong số ít các Trung tâm ĐDSH vào loại bậc nhất của thế giới. Hơn nữa, vùng sinh thái dãy Trường Sơn không chỉ đóng vai trò quan trọng về phát triển Kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng của nước ta, mà nó còn mang tính liên vùng quốc tế.
Vấn đề bảo vệ rừng còn được các nhà khoa học của VACNE “mổ xẻ” kỹ hơn trên diễn đàn báo chí, cũng như các cuộc Hội thảo chuyên đề, như các cuộc hội thảo “Xây dựng Tây Bắc phát triển bền vững” do Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với VUSTA tổ chức; Hội thảo “Bảo tồn và Phát triển cây thuốc ở các tỉnh miền núi phía Bắc” do hai đơn vị của Hội là Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Cây thuốc Dân tộc Cổ truyền (CREDEP) và Trung tâm Con người & Thiên nhiên (PanNature) tổ chức.
Có lẽ vì thế, Hội BVTN&MT Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách. Bởi họ có được những kết quả nghiên cứu khá toàn diện và đánh giá khách quan của các nhà khoa học, mà VACNE là đại diện. Những luận cứ khoa học và ý kiến tư vấn của Hội càng có ý nghĩa hơn, khi làm sáng tỏ hơn các vấn đề mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Một hoạt động khác cũng liên quan mật thiết với việc bảo vệ và phát triển rừng, là VACNE đã khởi xướng và tổ chức sự kiện "Bảo tồn cây Di sản Việt Nam". Dù chưa lâu (mới mới hơn một năm) nhưng sáng kiến này đã trở thành phong trào rộng khắp cả nước. Rất mừng là: đã có nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, của các ngành và chính quyền địa phương động viên cổ vũ và được các cơ quan truyền thông tiếp sức, cũng như ủng hộ kịp thời .
Tới nay, Văn phòng Hội đã nhận được hàng trăm bộ hồ sơ cây cổ thụ và Hội đồng Cây Di sản của VACNE đã xét duyệt và công nhận được 92 cây, đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam. Sự lan tỏa nhanh, vì mục tiêu của hoạt động này không chỉ nhằm bảo vệ cảnh quan, môi trường trước mắt, bảo vệ các nguồn gen quý hiếm, bảo vệ sự đa dạng sinh học…mà sâu xa hơn thế, nó còn đáp ứng được những nhu cầu về: văn hóa, tâm linh cuả người dân; khơi dậy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, muốn bảo vệ cây, bảo vệ rừng của ông cha ta.
Không biết có sự run rủi nào hay không? Mà có sự trùng hợp rất lạ lùng: Ngày môi trường thế giới (5/6) năm nay – năm mở đầu của Thập kỷ Đa dạng sinh học (2011 – 2020) được Liên hợp quốc chọn là Năm Quốc tế về Rừng lại rơi đúng vào ngày kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Khi nhắc đến Người, là tất cả mọi người dân Việt Nam và thế giới đều phải thừa nhận: đây là một con người đã nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của việc trồng cây, gây rừng từ giữa thế kỷ trước, với lời dạy “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Và chắc chắn trong mỗi con người ấy, đều biết phát triển rừng, để có một môi trường sống trong lành bền vững ./.