quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Kota Kinabalu

Thứ Sáu, 27/09/2019 | 08:52:00 AM

(VACNE) - Trưa nay Quán có thêm mấy vị khách lạ, nhưng không khí vẫn ấm cúng, thân mật. Có lẽ trời đã vào thu nên mát mẻ, dễ chịu và những cơn bão biển nằm giữa khu vực Đông Nam Á cũng trệch xa vùng đất hình chữ S. Làm mọi người quên đi những chuyện bức xúc, cùng những câu hỏi nóng. Họ muốn nghe những chuyện “thượng vàng”.

Đấy là sử dụng ngôn từ của Người kể chuyện. Còn những người khách lạ, thì lúc nào cũng phàn nàn là dân môi trường đi đâu cũng chỉ gặp “thượng vàng hạ cám”. Vậy thì xin kể chuyện thượng vàng vậy, người kể vui vẻ nhận lời. Nhưng chưa kể câu nào, đã quay qua hỏi một “thượng đế” ngồi bên cạnh: Quý ông có biết sắp tới Indonexia định chuyển thủ đô đến đâu không?

Vị “thượng đế” cười và ngập ngừng: nghe đâu như Jacata đang xụt lún nghiêm trọng, nước biển dâng, rồi ô nhiễm, rồi kẹt xe, quy hoạch không gian thì  rối tung rối mù, nhưng không biết di dời về đảo nào và hình như  Đông Kalimantan. Vâng đúng rồi, đấy là một trong những vấn nạn không phải chỉ riêng của thủ đô Jacata đâu. Người kể bổ sung thêm, mới đây là Mianma và trước đó là Malaixia cũng đã phải chuyển thủ đô.

Trở lại chuyện quốc gia vạn đảo Indonexia, họ dự kiến chuyển thủ đô tới hòn đảo to nhất, gần với nước Bruney và một phần lãnh thổ Malaixia. Khoảng trước năm 1990, một nhóm chuyên gia môi trường Việt Nam được mời tham dự lớp bồi dưỡng do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ở Kota Kinabalu (KK) của Malaixia. Tra bản đồ, tìm mãi không thấy KK ở đâu. Đường bay thì phải chuyển chuyến qua thủ đô Malaixia. Sau chuyến bay dài ngoẵng và cuối cùng cũng đến đích. Tới nơi  mới càng thấy là họ phát triển nhanh quá. Tiêu biểu ở thành phố này là một khách sạn cao tầng có Nhà hàng xoay 360 độ và nghe nói  được xây cùng thời gian như ở khách sạn Matxcova mà một số chuyên gia trong đoàn Việt Nam đã được chiêm ngưỡng. Từ nơi họp, các thành viên được tổ chức thăm quan VQG Kinabalu trên ngọn núi cùng tên.

VQG Kinabalu nằm ở phía bắc đảo Borneo bao gồm đỉnh núi Kinabalu cao 4.095 m, ngọn núi cao nhất khu vực Đông Nam Á, quanh năm xuất hiện băng tuyết.Nơi đây có một môi trường thiên nhiên gần như trong sạch tuyệt đối. VQG Kinabalu nổi bật với sự đa dạng về địa chất, về sinh học, đặc biệt là các loài thực vật nhiệt đới. Các nhà khoa học tìm thấy nhiều loài thực vật của dãy Himalaya, của Trung Quốc và Australia cùng có mặt tại Kinabalu.

 Image result for "Vườn quốc gia Kota Kinabalu"


Theo đánh giá chung cuả nhiều người, một trong những đặc trưng tiêu biểu của VQG Kinabalu là Hoa Raflesia, loài hoa lớn nhất thế giới, nhưng lại có một mùi hôi thối kinh khủng, như mùi thịt thối rữa, nhằm thu hút côn trùng, ruồi muỗi.. Đường kính trung bình của hoa Raflesia tại đây lên tới 1 m và trọng lượng khoảng 10 kg.

VQG Kinabalu được Unesco công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 2.000. Hiện VQG Kinabalu là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Malaysia. Trung bình mỗi năm vườn quốc gia này thu hút tới hơn 500.000 lượt khách thăm quan và hơn 40.000 nhà leo núi chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư đến từ khắp nơi trên thế giới

Chính phủ Malaysia đã đầu tư những khu nghỉ dưỡng gần vườn quốc gia Kinabalu để phục vụ du khách. Nguồn thu từ việc kinh doanh du lịch không hề nhỏ, nhưng không vì thế mà việc đảm bảo vệ môi trường, sinh thái nơi đây bị coi nhẹ.

Đấy là những thông tin mà ai cũng có thể tìm thấy trên mạng. Còn Người kể chuyện xin nói về một sự kiện tâm đắc, được nghe đi nghe lại nhiều lần sau đây.

Hôm ấy, các thành viên lớp học của WB được chở bằng máy bay nhỏ từ trung tâm thành phố KK lên VQG. Sau khi được các hướng dẫn viên giới thiệu nội quy thăm quan, đoàn người chuẩn bị đi bộ vào rừng. Trong khi các học viên đến từ các nước châu Âu, châu Mỹ và từ Nhật thay trang phục leo núi, xoa các loại kem chống muỗi, vắt và chống nắng, rồi đi tất cao cổ, đeo khẩu trang, đeo găng tay, đeo kính, đội mũ bảo hiểm,v.v., thì các học viên Việt Nam chỉ đứng nhìn vì chưa bao giờ nghĩ là phải trang bị ghê gớm như vậy. Và thực ra có biết cũng chịu, tìm đâu ra những thứ kia. Các hướng dẫn viên nhắc nhở, nhưng học viên Việt Nam chỉ cười, nói đã quen rồi, không có gì phải lo lắng.

VQG rộng mênh mông, được bố trí khoa học theo hướng vừa thăm quan, vừa học hỏi chuyên đề, thậm chí vừa kết hợp nghiên cứu và thử nghiệm khoa học. Ví dụ, về bướm,  có vị so sánh “khập khiễng” rằng, vào đây mới thấy “Rừng bướm” ở VQG  Cúc Phương của ta hay “Vườn bướm” trong Công viên quốc gia Singapore chưa thấm vào đâu. Số đông các học viên hăm hở leo núi, mặc dù biết rằng có cố cũng không lên tới đỉnh trên 4.000 mét được. Nhóm học viên Việt Nam hiền lành hơn, nhất là hai bác đã có tuổi. Vậy là các khu phân bố nhiều loài hoa được họ quan tâm hơn, khá gần cửa vườn nên dễ quay về. Dù sao cũng ấn tượng lắm, vì thời đó, ta chưa có nhiều VQG như bây giờ. Hơn nữa, cơ hội tiếp cận các VQG của ta cũng không thật thuận tiện. Nên khi đó, vừa thăm quan, các học viên Việt Nam vừa thảo luận, thậm chí còn say sưa đề xuất các ý kiến nên tổ chức các VQG của ta như thế nào cho tốt. Để vừa bảo tồn, nghiên cứu, giáo dục, truyền thông, vừa tổ chức thăm quan du lịch để có kinh phí phục vụ các hoạt động của Vườn…Đến khi các học viên các nước bạn từ trên núi lục tục kéo xuống, các tranh luận của nhóm mới tạm dừng. Trên đường quay lại cửa VQG, nhìn thấy những cây dương xỉ nho nhỏ, xinh xinh, một học viên theo thói quen cẩn thận bứng 1 cây để đem về làm kỷ niệm. Đoàn ra gần đến cửa VQG thì có 2 xe máy phi vội đến, yêu cầu trả lại cây dương xỉ vào chỗ cũ. Mặt mũi các vị học viên nghệt ra, còn 2 vị “mô tô” thì căng thẳng, vì, theo họ, lý ra phải phạt rất nặng, nhưng đành phải “cho qua” vì đây là lớp học của WB. Hú vía, nhưng được bài học sâu sắc. Sau đó, trong các buổi lên lớp tiếp theo, các giảng viên còn nhắc mãi chuyện này.

Trong bữa tối hôm thăm quan VQG, một học viên Việt Nam thấy đĩa khế rất to, xếp rất đẹp theo gam mầu giảm dần từ da cam đến vàng nhạt. Dễ đến trên chục loại. Ai cũng thích, nhưng càng thích hơn khi nếm thử. Té ra, mỗi mầu khác nhau lại có hương vị và độ ngọt khác nhau. Một học viên thốt lên, về Việt Nam tôi nhất định sản xuất ra đĩa khế còn đa dạng và ngon hơn thế này. Thật tiếc, Người kể chuyện chưa từng được thưởng thúc món đó ở Việt Nam, nhưng luôn nghe những lời ca thán là bây giờ hết khế chua rồi, còn toàn khế ngọt nhưng nhạt thếch thôi. Có đúng vậy không các “thượng đế”?.

Thế là lại ầm ầm, chẳng ai nói hay hỏi gì về Kinabalu, chỉ nói chuyện khế. Nhiều thượng đế chê tay học viên nọ, nói là khó gì đâu việc tạo ra các loại khế có mầu sắc và hương vị khác nhau. Dễ mà. Người kể chuyện nghe mãi, mệt quá, đành nhận xét là dễ khó thế nào chưa biết, nhưng người ta đã bầy ra ăn ở khách sạn từ mấy chục năm trước rồi, mà ở mình đâu thấy. Hay lại là đặc điểm khác biệt của Việt Nam, là vì ta không muốn thế. Vậy cái vị muốn thế kia đâu rồi? Một “thượng đế” lên tiếng: tôi biết tay này, còn sống, vẫn theo đuổi đam mê đó, nhưng chưa thành. Đang tái khởi nghiệp. Trưa mai tôi sẽ rủ đến đây. Hay quá, mọi người kêu lên và cùng vui vẻ ra về.

 

 

 

Quán Cà phê MT, trưa chủ nhật cuối tháng 9/2019

Lượt xem: 1726

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE