Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Ảnh: trangandanhthang.vn
“Điểm đến” được coi là một khu vực địa lý được khách chọn làm địa điểm du lịch, bao gồm các cảnh quan (bãi biển, thác nước, di tích lịch sử-văn hóa).
Điểm đến phải có chuẩn
Để cạnh tranh hiệu quả, các điểm đến phải tạo cho du khách những trải nghiệm và giá trị bằng sự tổng hợp nhiều yếu tố hài lòng về nơi ăn chốn ở, thái độ phục vụ của nhân viên, cảnh quan môi trường, sự thân thiện an toàn…
Theo ông Hoàng Nhân Chính, chuyên gia kỹ thuật của Dự án phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU-ESRT), kinh doanh du lịch tương đối phức tạp so với các ngành kinh doanh khác. Bởi lẽ, tuy chúng ta có thể cung cấp và chủ động từ khâu đầu tới khâu cuối để tạo ra một sản phẩm (điểm đến, dịch vụ) nhưng do đặc thù của một ngành kinh tế tổng hợp, các dịch vụ cung ứng tạo nên một sản phẩm du lịch bị phân đoạn thành từng khâu dịch vụ do các đơn vị vận chuyển, hãng lữ hành, cơ sở lưu trú, các đơn vị kinh doanh tại điểm đến... cung cấp cho du khách. Do đó, những người làm du lịch không dễ dàng bảo đảm chất lượng sản phẩm của một điểm đến.
Từ thời điểm du khách đặt chân đến điểm đến tới khi họ rời đi, cảm nhận của họ phụ thuộc vào nhiều dịch vụ và trải nghiệm khác nhau bao gồm cả môi trường và thái độ của cộng đồng dân cư tại địa phương. Việc tạo ra giá trị du lịch tốt phụ thuộc nhiều vào cách thức các tổ chức cùng nhau phối hợp làm việc.
Quản lý điểm đến đòi hỏi sự liên kết của các lợi ích khác nhau cùng làm việc vì một mục tiêu chung nhằm bảo đảm sức sống và sự toàn vẹn cho điểm đến hiện tại và trong tương lai. Đó là lợi ích của chính quyền, người dân, của các nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ và du khách. Bãi biển có đẹp tới đâu, nhà hàng ăn có ngon đến mức nào, khách sạn cao cấp bao nhiêu nhưng khách du lịch phải đi trên những bãi biển đầy rác, rồi hiện tượng ăn xin, cướp giật, nâng giá vô tội vạ, thức ăn thiếu vệ sinh… thì điểm đến đó không thể là một điểm đến hấp dẫn, an toàn.
Lĩnh vực chưa thực sự được quan tâm
Ở ngành du lịch nước ta, khái niệm “quản lý điểm đến” chưa được định hình rõ ràng. Trong lĩnh vực này, sự hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý cũng như giữa các doanh nghiệp đang cạnh tranh với nhau tại các địa phương còn hạn chế. Du lịch dường như vẫn “mạnh ai nấy làm”.
Vì không có tổ chức quản lý điểm đến, thắng cảnh du lịch không được quảng bá rộng rãi, không được tổ chức các dịch vụ theo chuẩn, bảo đảm chất lượng. Điểm đến không an toàn và kém hấp dẫn vì chính quyền địa phương không kiểm soát được hoạt động và chất lượng dịch vụ và doanh nghiệp cung ứng cũng không kết nối được các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ công-tư (lữ hành, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, điểm tham quan mua sắm, an ninh trật tự…).
Đó còn là việc xây dựng khu du lịch, khách sạn không theo quy hoạch, không có sự kiểm soát về chất lượng, bảo đảm môi trường khiến cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ; sự kết nối khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng với giao thông (đường hàng không, đường bộ) chưa đồng bộ… Điều này lý giải vì sao nhiều khu du lịch của chúng ta đang phát triển không bền vững, thậm chí có tình trạng khách chỉ đến một lần và không quay lại.
Du lịch càng phát triển, càng cho thấy sự cần thiết, vai trò của công tác tổ chức quản lý điểm đến để bảo đảm cho sự phát triển du lịch của khu vực đó. Và không ai khác, chính quyền địa phương, lãnh đạo cao nhất phải là đơn vị đứng ra đảm nhiệm vai trò này.
Chính quyền phải là đơn vị đứng ra tổ chức kết nối tất cả các đơn vị, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ du lịch, điều chỉnh hài hòa nhất giữa cung cầu, bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa khu vực tư nhân và Nhà nước, giữa người dân với chính quyền, doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm du lịch, điểm đến thực sự hấp dẫn mang lại nhiều trải nghiệm đáng nhớ cho du khách.
Nguyệt Hà