quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

KHO THUỐC TỪ BIỂN KHƠI

Thứ Năm, 25/07/2019 | 11:46:00 AM

(VACNE) Cho đến nay, phần lớn nguồn nguyên liệu làm thuốc, đặc biệt thuốc Y học cổ truyền được lấy từ các sinh vật hoang dã hoặc nuôi trồng trên đất liền, chỉ một phần nhỏ được khai thác từ các sinh vật sống ở biển. Nguồn nguyên liệu từ sinh vật hoang dã trên mặt đất thì ngày càng cạn kiệt, còn nguồn từ sinh vật biển thì vô cùng phong phú và đa dạng, nhưng còn ít được khai thác, khoảng dưới 1% được nghiên cứu và sử dụng.

Đại dương bao la chiếm 71% bề mặt trái đất, người ta ước tính có hàng chục triệu loài sinh vật biển đang sống (chủ yếu là các vi sinh vật). Nếu như trên đất liền có khoảng 270.000 loài thực vật đã biết cho tới nay và hàng triệu loài côn trùng và vi sinh vật đang sinh sống thì số sinh vật biển lớn hơn rất nhiều. Nhiều hoạt chất lấy từ các sinh vật biển có hoạt tính sinh học mạnh gấp hàng trăm lần so với các chất lấy từ sinh vật trên đất liền.

Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, chúng ta chỉ quan tâm chủ yếu tới những loài sinh vật biển có giá trị thực phẩm, mà ít chú ý tới giá trị cung cấp các chất có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc. Trong số đó, nhóm sinh vật đã biết có chứa các chất hoạt tính sinh học tiềm năng rất phong phú (như Hải miên, San hô mềm...), kể cả những sinh vật có độc tố (như Cá nóc, Rắn biển, Xoang tràng...). Đại dương chính là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu làm thuốc vô tận cho ngành Dược. Các nhà hóa học và dược học đang hy vọng sẽ tìm ra những loại thuốc thế hệ mới được điều chế từ các sinh vật biển để chữa trị những căn bệnh nan y hiện nay.

Gần đây, cụm công trình “Khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật biển Việt Nam nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị phục vụ cuộc sống”, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu trên 5 loài sinh vật biển được chọn lọc, gồm Hải miên cành (Haliclona sp.), Bọt biển xốp đen (Icrinia echinata), Cầu gai (Diadema setosum), Hải sâm (Holothuria vagabunda và Holothuria scabra), đã phát hiện được hàng trăm hợp chất hóa học, trong đó có những chất mới có hoạt tính sinh học cao, như chống ung thư và kháng sinh. Từ các hoạt chất này sẽ được nghiên cứu về tác dụng sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm thuốc dùng trong điều trị những bệnh hiểm nghèo.

Biển Việt Nam có khá nhiều loài động vật và thực vật được sử dụng để làm thuốc. Dưới đây, chỉ xin kể một vài loài phổ biến mà chúng ta đã nghe tên.

• Rong mơ: Còn gọi là Rau mơ, Rau mã vĩ, Hải tảo; tên khoa học là Sargassum henslowianum J. Agardh, họ Rong mơ (Sargassaceae).

Cấu tạo của Rong mơ là một ‘tản’, gồm các sợi hình trụ tròn hoặc hơi dẹt phân nhánh, tạo thành một đám lớn, màu vàng nâu hay nâu (thuộc ngành Tảo nâu -Phaeophyta). Trên tản có nhiều bộ phận mỏng, dẹt, giống như lá cây, hình bầu dục hẹp, và rải rác có những túi khí hình cầu, tác dụng như cái phao, trông giống như một “quả” có cuống ngắn, giúp cho rong đứng thẳng trong nước biển.

DSC02835

Hình 1: Rong mơ (Nguồn: T.C. Khánh)

Dọc ven biển từ các tỉnh Quảng Ninh, Hải phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa đến xung quanh các đảo (vd: Phú Quốc) có những bãi Rong mơ dài tới hàng chục kilômét và rộng 2-3km, với trữ lượng rất lớn.

Rong mơ chứa nhiều muối vô cơ, trong đó có asen, kali… và đặc biệt iod (45,3 - 60mg%), acid alginic, alginat, 1-2% lipid và khoảng 10-11% protein.

Do chứa nhiều iod nên Rong mơ được dùng để chế ra thuốc Iotamin để chữa bệnh bướu cổ (chứa 50-70 microgram iod/viên, ngày dùng 2-4 viên, điều trị trong 3-5 tháng). Từ lâu, Rong mơ cũng được dùng trong Y học cổ truyền. Theo Đông y, nó có vị đắng, mặn, tính lạnh; vào các kinh vị, can, thận; có tác dụng tiêu đờm, lợi thủy; dùng làm thuốc chữa tràng nhạc, bướu cổ, thủy thũng, cước khí. Ngày dùng 8-12g, dưới dạng thuốc sắc, hoặc viên hoàn. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

• Cá ngựa: Còn gọi là Hải mã (Ngựa biển), Thủy mã. Gọi như vậy vì chúng có đầu giống đầu con Ngựa, đuôi dài cuộn tròn về phía bụng, sống ở vùng nước trong gần bờ, có độ muối cao, dọc ven biển Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, … Tên khoa học là Hippocampus spp., họ Cá chìa vôi (Syngnathidae). Cá ngựa có nhiều loài như Cá ngựa gai (H. histrix Kaup.), Cá ngựa lớn (H. kuda Bleeker), Cá ngựa thân trắng (H. kelloggi Jordan et Snyder), Cá ngựa chấm (H. trimaculatus Leach), vv., chúng có màu sắc khác nhau và đều được dùng làm thuốc, nhưng loại trắng và vàng được coi là tốt hơn. Cá ngựa là đối tượng bị săn bắt để làm thuốc nên số lượng của chúng ngày càng suy giảm, đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (Phần động vật, 1992, 2007).

Theo y học cổ truyền, Cá ngựa có tác dụng làm ấm thận, tráng dương, gây hưng phấn, giúp cho sự giao hợp, chữa phụ nữ hiếm muộn. Ngày dùng 4-12g, chia làm 3 lần, dưới dạng thuốc sắc hoặc tán bột uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với vị thuốc Dâm dương hoắc, Kỷ tử, Ba kích, Nhân sâm, vv.

Cá ngựa - seahorses

Hình 2: Cá ngựa (Nguồn: Internet)

• Hải sâm: Còn gọi là Sâm biển, Đỉa biển hay Đồn độp. Ở nước ta có nhiều loài Hải sâm, thuộc chi Holothuria, họ Hải sâm (Holothuriidae). Chúng sống ở vùng biển Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, biển đảo Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc, vv.

Đây là động vật không xương sống, thân mềm, có dạng ống, dài khoảng 20cm như quả dưa  (tiếng Anh gọi là Sea cucumber -Dưa biển), bên ngoài có nhiều gai thịt nhỏ.

Holothuria tubulosa Gmelin

Hình 3: Hải sâm, loài H. tubulosa Gmelin (Nguồn: Internet)

Hải sâm không chỉ là một loại thực phẩm biển cao cấp, giầu chất dinh dưỡng, mà còn là một vị thuốc quý, được gọi là ‘Nhân sâm của biển’.

Thịt Hải sâm chứa 21,5% protid, 0,3% lipid; hàm lượng các acid amin khá cao như lysin, prolin, arginin, histidin, acid glutamic, thionin, leucin, isolecin, acid aspartic, tyrosin… cùng nhiều yếu tố vi lượng như Ca 69mg%, P 5mg%, Fe 9,2mg%; có một lượng nhỏ các vitamin B1, B2, PP, và đặc biệt còn có chất holothurin.

Theo Đông y, Hải sâm có vị mặn, tính ấm, đi vào các kinh Tâm, Tỳ, Thận và Phế; có tác dụng bổ thận, tráng dương, ích tinh, sát khuẩn, dưỡng huyết, nhuận táo; dùng cho người có thể trạng gầy yếu, suy nhược, viêm phế quản; các chứng chảy máu, ho, liệt dương, di tinh, mộng tinh, tiểu tiện nhiều lần, táo bón, lỵ kinh niên. Thường dùng  dưới dạng nướng giòn, tán thành bột, ngày uống 12-20g, chia 3 lần.

• Rắn biển còn gọi là con Đẹn. Biển nước ta có 13 loài, như Đẹn khoanh (Hydrophis cyanocinctus Daudin), Đẹn vết (Hydrophis ornatus Gray), Đẹn mỏ (Enhydrina schistosa Daudin), Đẹn cơm (Lapemis hardwickii Gray),… thuộc họ Rắn biển (Hydrophiidae). Chúng sống ở ven biển và các cửa sông, nhiều nhất ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển Ninh Thuận trở vào đến vịnh Thái Lan. Mức độ độc của nọc Rắn cũng khác nhau tuỳ theo từng loài, thường nọc Rắn biển độc hơn nọc Rắn ở cạn, nhưng thịt Rắn ăn được. Thịt Rắn chứa nhiều loại acid amin như lysin, threonin, valin, leucin, isoleucin, arginin, histidin, methionin, vv. Theo Đông y, thịt Rắn có vị ngọt, mặn, tính ôn; vào kinh can; có tác dụng trừ phong thấp, đau nhức xương, tê liệt, bán thân bất toại; dùng dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, hay rượu thuốc.

Đẻn vết, Hydrophis-ornatusb

Hình 4:  Đẹn vết (Nguồn: Internet)

Từ những năm 60 của thập kỷ trước, trường ĐH Dược Hà Nội đã nghiên cứu chế rượu thuốc từ Rắn biển, gồm 3 loài: Đẹn cơm, Đẹn khoanh và Đẹn vết. Mỡ Rắn biển cũng được dùng làm thuốc chữa bỏng. Người Nhật rất thích món ăn từ Rắn biển và nó cũng được coi là vị thuốc. 

Nước ta có nguồn tài nguyên làm thuốc rất phong phú và đa dạng, chúng có ở khắp nơi trên đất liền và cả dưới biển. Việt Nam lại là một quốc gia biển. Các nhà khoa học cần tiếp tục điều tra, bảo tồn, khai thác bền vững và nghiên cứu nguồn tài nguyên làm thuốc từ biển khơi để làm ra thuốc phòng và chữa bệnh cho con người.

TSKH. Trần Công Khánh

Lượt xem: 1449

Các tin khác

Ngày Quốc tế Trái đất 2024: Đối đầu của hành tinh với nhựa

(24/04/2024 07:28:AM)

Ninh Bình: Chim hoang dã bay rợp trời trong khu du lịch Thung Nham

(23/04/2024 06:10:AM)

Chủ đề Ngày Trái đất 2024: Đối đầu của Hành tinh với Nhựa

(18/04/2024 07:27:AM)

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

Vàng ròng tín chỉ carbon

(08/04/2024 07:45:AM)

Đồng Nai quyết tâm giảm phát thải carbon

(05/04/2024 07:30:AM)

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh

(04/04/2024 06:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

(02/04/2024 07:29:AM)

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE