VACNE-PGS.TS NGUYỄN ĐÌNH HÒE, Trưởng ban Phản biện Xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN trao đổi với Phóng viên báo Tuổi trẻ về việc các doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV), đang bán tài nguyên của đất nước.
Câu chuyện các doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV), đang bán tài nguyên với tốc độ cao là bài toán của lợi ích trước mắt và lâu dài. Kìm giữ lợi ích trước mắt không dễ, nhất là khi đất nước thiếu vốn, các doanh nghiệp bán tài nguyên lại đem về nguồn thu lớn. Nhưng cần sự phân biệt rạch ròi đâu là lợi ích của doanh nghiệp và đâu là lợi ích của quốc gia, đâu là giới hạn của nhu cầu trước mắt.
Có một thực tế là VN đang bán rất rẻ tài nguyên của mình so với tiềm năng của chúng. Ví dụ VN đang xuất khẩu cát sang Nhật tưởng làm thủy tinh, pha lê nhưng họ lại dùng làm máy vi tính; ta xuất khẩu than sang Hàn Quốc để làm chất đốt nhưng họ dùng làm hàng điện tử, có giá trị cao gấp hàng ngàn lần giá chúng ta đem bán.
Hay bà con ở Phú Yên đang bán san hô ở chợ Lớn với giá khoảng 15.000 đồng/kg, nhưng Đài Loan họ mua, nghiền, chế biến thành vật liệu thay thế xương, khớp, bán lại với giá mà VN ít người có thể mua để dùng. Chúng ta nghĩ gì và thấy trách nhiệm mình ra sao nếu cứ tiếp tục khai thác đến cạn kiệt tài nguyên để xuất khẩu trong điều kiện như thế?
Thực tế với khoảng 450 mỏ, mỗi năm khai thác từ lòng đất lên gần 50 triệu tấn than nhưng đóng góp của TKV cho GDP chỉ khoảng 3,5%. Phó tổng giám đốc TKV Vũ Mạnh Hùng công nhận một trong những lý do khiến họ cứ phải xuất khẩu là nếu không xuất khẩu, tập đoàn sẽ lỗ, sẽ không đảm bảo mục tiêu kinh doanh. Sợ lỗ, có tài nguyên cứ bán trong khi sắp phải nhập đến nơi và việc nhập biết chắc rất khó, có lẽ đó là cách làm khi không còn sự lựa chọn nào khác?
Chúng ta đã bắt đầu phải trả giá cho cách nghĩ chấp nhận đánh đổi tài nguyên, môi trường lấy kinh tế, tăng trưởng. Than đá VN vốn có nhiều tiềm năng và giàu trữ lượng, nhưng bi kịch vừa đến khi ta đã phải nhập khẩu than. Sau than sẽ là những nguyên liệu khác mà có thời chúng ta đã bán đi với giá rẻ mạt. Việc lãnh đạo TKV giải thích phải xuất khẩu than tốt vì trong nước chưa dùng đến cũng chỉ là lý do của những người đang rất muốn khai thác, đem bán. Và điều có thể chỉ ngay ra của tình trạng này là chính TKV và các cơ quan hữu trách đã thiếu chiến lược trong quy hoạch, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Tâm lý muốn bán tài nguyên là thường trực ở các nước nghèo, khó nước nào tránh được vì cần tiền, dễ có tăng trưởng, có ngoại tệ, nhất là khi giá đang cao. Với việc TKV và nhiều doanh nghiệp tiếp tục bán tài nguyên thô đang đem về lợi nhuận cho các công ty này nhưng đặt cả nền kinh tế vào thách thức trong dài hạn. VN đang thiếu điện và người dân đã thấm thía mức thiệt hại, khổ cực thế nào của thiếu hụt năng lượng. Hàng chục nhà máy nhiệt điện đang được xây để giải bài toán thiếu điện.
Nhưng các nhà máy điện, nhà máy luyện kim và các ngành công nghiệp tương lai sẽ ra sao nếu nước ngoài không bán than, các khoáng sản cần để sản xuất cho VN? Các hợp đồng mua than của VN hiện không nhà cung cấp nào chịu ký 10-20 năm mà chỉ ký một vài năm. Nhà máy nhiệt điện không có than, không chỉ hàng tỉ USD đầu tư phải trùm mền, hàng ngàn công nhân sẽ mất việc mà điện cho phát triển đất nước, cả nền sản xuất cũng gặp nguy cơ đình đốn.
Chính phủ đã nói nhiều đến “phát triển bền vững”. Mà phát triển bền vững, hiểu theo nghĩa đơn giản, là việc phát triển hôm nay không ảnh hưởng, cản trở sự phát triển của các thế hệ mai sau. Với than, khoáng sản, chúng ta đang bán cái sẽ thiếu, không dễ mua, điều đó khó có thể nói là bền vững.
Thế hệ hiện nay chưa đủ sức làm thì hãy để dành cho con cháu, tránh đến lúc con cháu có thể đầu tư chất xám, làm được hàng giá trị cao thì cha ông đã cơ bản bán hết tài nguyên rồi. Tương lai quan trọng không kém việc làm sao đủ cơm ăn áo mặc cho thế hệ hiện tại.
PGS.TS NGUYỄN ĐÌNH HÒE
(Trưởng ban Phản biện Xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN)
CẦM VĂN KÌNH ghi
(TTO)