Khai mạc hội nghị thượng đỉnh khí hậu Copenhagen: 17.000 đại biểu tìm tiếng nói chung
TT - Mọi ngả đường đều dẫn đến Copenhagen. Hôm nay, hơn 17.000 đại biểu từ 191 quốc gia trên thế giới cùng tề tựu về thủ đô Đan Mạch để bàn việc cứu lấy Trái đất. Trong hai tuần (từ ngày 7 đến 18-12), các đại biểu sẽ cùng thảo luận, tìm giải pháp nhằm đạt được một thỏa thuận cho vấn đề sống còn đối với nhân loại hiện nay: Trái đất đang nóng lên.
|
Khẩu hiệu của những người biểu tình ở London: “Công lý cho khí hậu ngay bây giờ” - Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng môi trường Na Uy Erik Solheim nhấn mạnh: “Đây là cuộc đàm phán khó khăn nhất mà nhân loại từng tiến hành. Ảnh hưởng của hội nghị sẽ là từ những nông dân trồng lúa ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) tới cả tổng hành dinh của Google ở Seattle hay kể cả những người khai thác dầu ở Na Uy.” Thế nhưng, như Reuters dẫn lời một quan chức Anh, “khả năng đạt được thỏa thuận và thất bại giờ là ngang nhau”.
Trung tâm hội nghị xanh
Trung tâm hội nghị Belle Centre sẽ là điểm nhấn của hội nghị với khoảng 17.000 đại biểu, các nhà hoạt động môi trường và báo giới tham gia. Để thể hiện tinh thần “xanh” cho hội nghị, các đại biểu sẽ dùng nước máy thay vì nước đóng chai, các ly uống nước được làm từ vật liệu tự phân hủy và dùng để sản xuất biogas sau khi sử dụng. 65% đồ uống và thực phẩm tại hội nghị có nguồn gốc hữu cơ. Các đại biểu cũng sẽ di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng.
|
105/191 nguyên thủ quốc gia đã đồng ý tới dự hội nghị mà như mô tả của Thủ tướng Đan Mạch Lokke Rasmussen là “đại diện cho 82% nhân loại, 89% GDP thế giới và 80% lượng khí thải trên toàn cầu hiện nay”. Do vậy, “nếu nhóm các nhà lãnh đạo này có thể thống nhất thì quyết định của họ có thể chuyển hướng đi của hành tinh này”.
Ngoài thỏa thuận về mức cắt giảm khí thải, các nước giàu dự kiến còn phải đạt được thỏa thuận về số tiền trợ giúp các nước nghèo nhất hiện đang là nạn nhân của biến đổi khí hậu để thích ứng và ngăn chặn các hậu quả của biến đổi khí hậu. Thế nhưng, đây lại là vấn đề mà các nước giàu vẫn lảng tránh cho đến nay.
Đến nay đã đạt được hai nghị định thư từ hội nghị Rio de Janeiro năm 1992 và Kyoto năm 1997. Tuy vậy, các thỏa thuận này đều bị coi là thiếu hiệu lực khi các nước có lượng khí thải lớn nhất như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... không đưa ra cam kết cắt giảm của mình.
Copenhagen dự kiến chỉ đưa ra một hiệp ước mang tính chuyển giao khiêm tốn trong khi một nghị định thư chính thức dự kiến sẽ chỉ đạt được vào năm 2010.
THANH TUẤN
_____________
Nông dân Phan Thị Ánh dự Hội nghị Copenhagen:
“Bây giờ mưa nắng thất thường quá!”
“Tôi là một nông dân mà gia đình đã nhiều đời làm muối. Cũng đôi lần tôi có nghe tivi nói về biến đổi khí hậu toàn cầu. Rồi bà con hàng xóm cũng nói ra nói vào, người nghe được ở đâu nói gì thì nói thế đó chứ thật ra cũng không biết chính xác là gì. Chỉ có một điều mà tôi chắc chắn là khí hậu những năm gần đây quá thất thường.
|
Chị Phan Thị Ánh là một người làm muối ở xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) |
“Chị Ánh là một bằng chứng sống về tác động hiện hữu của biến đổi khí hậu tới cuộc sống, sinh kế của người dân nghèo. Chúng tôi hi vọng cách làm này sẽ đưa ra bằng chứng cụ thể, mang tính thuyết phục cao hơn”
Ông Trương Quốc Cần (điều phối viên của Actionaid Việt Nam, tổ chức đài thọ chuyến đi của chị Ánh)
|
Trước đây, cứ đến ba tháng hè là đúng ba tháng trời nắng ráo, không một ngày mưa, còn giờ thì mưa nắng thất thường quá. Có hôm trời nắng ráo 37-38°C, mấy chị em trên đồng muối chúng tôi mồ hôi ướt cả áo rồi bỗng nhiên trời chuyển mưa, vậy là coi như mất trắng.
Ngày trước, 2 sào đất nhà tôi làm được hơn 10 tấn muối. Với giá cả lúc ấy cũng đủ nuôi mấy miệng ăn trong gia đình mà không phải làm thêm nhiều. Còn mấy năm gần đây, làm muối bấp bênh lắm vì nước biển hay xâm thực khiến vừa mất muối vừa hư hỏng bờ bao xung quanh ruộng muối. Mỗi mùa muối (kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm) bây giờ gia đình tôi chỉ làm được 5 tấn với thu nhập 1,5 triệu đồng/năm.
Đã vậy còn phải thường xuyên bỏ tiền tu sửa ruộng muối vì nước biển dâng cao. Hai vợ chồng phải chạy vạy khắp nơi để tìm việc mong kiếm thêm chút thu nhập, nhiều lúc chồng tôi phải vào tận Đà Nẵng, Huế để làm phụ hồ mới đủ nuôi ba đứa con ăn học. Ở quê tôi, nhiều gia đình buộc phải cho con nghỉ học vì thu nhập từ ruộng muối bây giờ quá thấp do thiên tai liên miên. Chồng tôi hay nói đùa: vợ chồng mình có bốn bàn tay, chỉ cần một trong số đó dừng lại là đói cả nhà.
Tôi muốn mang tiếng nói của người dân quê tôi cũng là tiếng nói của người nông dân Việt Nam đến với hội nghị, hi vọng ở đó người ta có những giải pháp để giúp cuộc sống của chúng tôi ổn định hơn”.
P.LONG - H.GIANG ghi
______________
“Hãy hành động vì các nước nghèo”
Ngày 6-12, chàng trai Úc gốc Việt 28 tuổi Kim Paul Nguyen đã có mặt tại Copenhagen, chặng cuối trong hành trình đạp xe vòng quanh Trái đất được bắt đầu từ tháng 8-2008 từ Brisbane (Úc), sau khi vượt hàng ngàn kilômet qua Bắc Úc, Đông Nam Á, Trung Quốc, Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đông và Tây Âu...
|
Kim Paul Nguyen đến Đan Mạch ngày 6-12 - Ảnh: rideplanetearth.org |
“Thông điệp của tôi là chúng ta có thể hành động, và cho dù các chính phủ không quyết tâm thì mỗi người dân bình thường như tôi và bạn cũng có thể hành động để bảo vệ môi trường, ngăn chặn biến đổi khí hậu. Chúng ta hãy sống một cách tiết kiệm, đạp xe hoặc đi bộ thay vì đi xe máy hoặc ôtô. Hãy cố tiết kiệm điện hết mức có thể và làm sạch môi trường sống xung quanh. Hãy tham gia làm sạch các dòng sông và bảo vệ rừng. Hãy trồng thêm cây xanh để môi trường tự phục hồi. Cùng nhau, chúng ta sẽ thay đổi thế giới.
Tôi rất lạc quan bởi ở những nơi đã đi qua tôi chứng kiến rất nhiều người đang nỗ lực từng ngày bảo vệ môi trường để hành tinh này vẫn là một nơi an toàn cho các thế hệ kế tiếp.
Các nhà lãnh đạo hãy thôi thảo luận và hãy hành động để ngăn chặn những hậu quả đang gây ra đối với người dân ở những nước nghèo nhất trên thế giới. Họ cần nhận lãnh trách nhiệm này. Nếu không, đó sẽ là một bi kịch lớn”.
HIẾU TRUNG ghi
(Tuoitreonline, 7/12/2009)