TTO - Hội nghị biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc chính thức khai mạc tại Copenhagen, Đan Mạch vào 10g sáng 7-12 (17g, giờ Việt Nam) với sự tham dự của đại diện 192 quốc gia trên thế giới. Nhiều câu hỏi về sự sống của hành tinh đang chờ đợi lời giải đáp từ chính hội nghị này.
|
Các nhà hoạt động môi trường bên ngoài trung tâm diễn ra Hội nghị biến đổi khí hậu tại Copenhagen, Đan Mạch ngày 7-12 - Ảnh: Reuters
|
Chủ tịch hội nghị Connie Hedegaard, lãnh đạo Cơ quan khí hậu Liên Hiệp Quốc (UN) Yvo de Boer và nhà khoa học Rajendra Pachauri đã lần lượt có các bài phát biểu trước hàng ngàn người trong ngày đầu tiên của hội nghị.
Phần đầu tiên của hội nghị dự kiến dành cho tranh luận về hiệp định cắt giảm khí thải. Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa các nước phát triển và đang phát triển về tỉ lệ cắt giảm cũng như sự hỗ trợ dành cho những nước nghèo thích nghi với biến đổi khí hậu.
|
Các học sinh giơ biển hiệu kêu gọi hành động tại Tokyo, Nhật ngày 7-12 trước thềm Hội nghị khí hậu Copenhagen - Ảnh: Reuters
|
Các nhà khoa học mô tả đây là một trong những hội nghị quan trọng nhất của thế giới. Khoảng 100 lãnh đạo các nước có mặt tại hội nghị kéo dài trong 2 tuần tới. Các cuộc đàm phán khí hậu đã kéo dài hơn 2 năm qua và chỉ có một số đột phá gần đây với cam kết cắt giảm khí thải của các nước gây ô nhiễm hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Trước khi hội nghị diễn ra, ông Boer đã nhận xét hội nghị tiến triển rất tốt đẹp với “cam kết từ các nước nhiều nhất trong 17 năm qua”. Tuy nhiên vẫn còn những câu hỏi lớn được đặt ra là những cam kết đó có đủ để ngăn chặn sự biến đổi khí hậu và có phù hợp với các nước đang phát triển hay không. Theo BBC, câu trả lời đến nay mới chỉ là “không” hoặc “có thể”.
TRẦN PHƯƠNG (Theo Guardian)
* 5 nội dung còn bất đồng tại Copenhagen
Để giúp bạn đọc theo dõi các cuộc thảo luận tại Hội nghị Copenhagen, TTO tóm lược và giới thiệu 5 vấn đề còn đang gây tranh cãi giữa các nước. Đây là những vấn đề cốt lõi có ý nghĩa quyết định thành công hay thất bại vốn đang là “ngang ngửa" của hội nghị.
|
Mô hình quả địa cầu tại Copenhagen - Ảnh: Reuters |
1. Giữ cho trái đất chỉ nóng lên ở mức 2oC
Tất cả các nước thải khí CO2 nhiều nhất - cả các nước phát triển lẫn các nước mới nổi - đều đã đặt lên bàn những con số cắt giảm, nhưng rõ ràng còn xa mới có thể gọi là đủ để giữ cho trái đất chỉ nóng lên trung bình ở mức 2oC so với thời kỳ công nghiệp.
Theo các chuyên gia GIEC (Nhóm liên chính phủ về biến đổi khí hậu), các nước phát triển phải cắt giảm lượng khí thải của mình xuống mức 25% và 40% từ nay cho đến năm 2020 và 80% từ nay đến 2050. Thế nhưng, những cam kết đưa ra cho đến lúc này chỉ là giảm từ 12-16% từ nay cho đến 2020.
Do không chịu đứng ra đảm nhận gánh nặng này, các nước phương Bắc, vốn có trách nhiệm lịch sử về tình trạng trái đất nóng lên này, thật khó lên lớp cho các nước đang phát triển và đòi hỏi họ cắt giảm nhiều hơn. Các nhà quan sát cho rằng khó có thể chờ đợi sẽ có những cam kết cắt giảm mới được đưa ra tại Copenhagen.
2. Tuân thủ và thực hiện những gì đã cam kết
Đây là một trong những chủ đề gây tranh cãi gay gắt nhất trong thảo luận, bởi vấn đề ở đây liên quan đến việc áp đặt quyền kiểm soát quốc tế đối với các chính sách về môi trường của các nước. Mỹ muốn có một hệ thống duy nhất áp dụng cho toàn thế giới để có sự đảm bảo, nhất là để buộc Trung Quốc phải thực hiện những gì họ loan báo.
Không có sự đảm bảo này, ông Obama sẽ khó có thể thuyết phục quốc hội thông qua luật khí hậu. Châu Âu lại muốn tạo ra một cơ chế kép để có cách xử lý khác nhau đối với các nước công nghiệp và các nước đang phát triển.
Trong khi đó, các nước mới nổi lại phản đối mọi hình thức can thiệp một khi các nỗ lực chống biến đổi khí hậu đều mang tính tự nguyện và khi họ không nhận được sự trợ giúp tài chính quốc tế nào.
Họ yêu cầu các nước công nghiệp tiếp tục tuân thủ các luật chơi đã rất rõ ràng của Nghị định thư Kyoto vốn đã dự liệu một hệ thống kiểm soát rất chi tiết. Nhưng không vì thế mà chúng đã đủ sức bao trùm hết, bởi trong Nghị định thư Kyoto không có những biện pháp trừng phạt hữu hiệu đối với những nước không thực hiện các mục tiêu mà họ đã cam kết.
Cho đến khi bức màn sân khấu Copenhagen được kéo lên thì vẫn chưa có câu trả lời nào.
3. Việc tài trợ của các nước phương Bắc
Việc các nước phương Bắc đóng góp cho các nỗ lực thích nghi với biến đổi khí hậu của các nước nghèo nhất là không có gì phải bàn cãi. Câu hỏi là số tiền đóng góp này là bao nhiêu và cách quản lý như thế nào? Theo Ban thư ký Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu ( CCNUCC), số tiền cần thiết mỗi năm là 66 tỉ euro (tức 100 tỉ USD).
Con số này quả là quá lớn để có thể được thảo luận tại Copenhagen. Ủy ban châu Âu đưa ra mức trợ giúp nhanh là 5-7 tỉ euro mỗi năm từ nay đến 2012 và đây là con số sẽ được thảo luận tại Copenhagen. Tuy nhiên, ngay trước hội nghị vẫn không có lời hứa tài trợ nào được đưa ra.
Việc quản lý nguồn tiền này cũng chưa được giải quyết. Mỹ muốn cơ quan quản lý này thuộc Ngân hàng Thế giới, còn châu Âu lại do dự, G7 lại muốn thành lập một quỹ độc lập thuộc Liên Hiệp Quốc mà ở đó các nước sẽ có tiếng nói bình đẳng. Cho đến nay, giữa các nước phương Nam và phương Bắc vẫn có sự bất đồng bởi ai cũng muốn có quyền kiểm soát .
Các nước đang phát triển đang chờ xem câu trả lời cho những câu hỏi này như một bằng chứng để đo sự thật tâm của các nước phương Bắc.
4. Tương lai của Nghị định thư Kyoto
Nghị định thư Kyoto được thông qua năm 1997 với nội dung cốt lõi là sự cam kết của các nước phương Bắc trong việc cắt giảm 5% lượng khí thải nhà kính “trong giai đoạn đầu cam kết” từ 2008-2012. Mục đích chính của hội nghị Copenhagen là xác định chế độ pháp lý quốc tế về biến đổi khí hậu được áp dụng từ sau 2012. Thế nhưng, vấn đề này lại gây bất đồng triệt để.
Mỹ, vốn là nước không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto (tuy có ký kết), vẫn chỉ muốn đây là một quyết định mang tính chính trị bao gồm những cam kết tự nguyện và không mang tính bó buộc đối với các nước. Châu Âu lại muốn thúc đẩy một thỏa thuận duy nhất sẽ kết hợp giữa một công ước (không bó buộc mà Mỹ có thể tham gia) với Nghị định thư Kyoto.
Trong khi đó, các nước đang phát triển lại nhấn mạnh đến việc tiếp tục thực hiện Nghị định thư Kyoto bằng cách nhắc lại rằng văn bản này có dự liệu một giai đoạn cam kết thứ hai và bởi vậy sẽ chỉ hết hiệu lực vào năm 2012. Quả vậy, các nước này lo ngại các nước phát triển đang tìm cách làm giảm nhẹ các cam kết của mình bằng một thỏa thuận khác
Ít có khả năng Mỹ quay lại với Nghị định thư Kyoto hay tham gia một hiệp định nào mang tính chất tương tự. Còn những nước hiện đang thực hiện Nghị định thư Kyoto như Nhật Bản có thể sẽ rút khỏi để không bị bất lợi so với Mỹ.
5. Cứu lấy rừng nhiệt đới
Các cuộc thảo luận về tương lai của rừng nhiệt đới, việc phá rừng theo ước tính thải ra 12-20% lượng khí CO2 hằng năm - đã có nhiều tiến bộ trong các năm qua. Mục tiêu mà giờ đã có một sự đồng thuận là tạo ra một cơ chế thưởng gọi là REED (giảm lượng khí thải từ việc phá rừng và suy thoái) cho các nước trong cuộc chiến chống phá rừng.
Brazil và các nước có diện tích rừng lớn khác như Indonesia, Congo... đặt điều kiện gắn các nỗ lực của họ với sự trợ giúp tài chính được huy động kịp thời của các nước phương Bắc. Vấn đề là REED đang lệ thuộc vào nguồn tiền mà các nước phương Bắc sẽ chỉ sẵn sàng thảo luận từ năm 2012. Các chuyên gia ước tính để giảm phá rừng 25% từ nay đến 2015 chỉ cần 15-25 tỉ euro.
Số tiền hứa hẹn của một vài nước như Na Uy, Pháp, Anh, Mỹ là còn xa mới đủ. Nhưng sẽ không có quyết định nào sẽ được đưa ra tại Copenhagen, và đó sẽ là sự thất vọng lớn cho các nước có diện tích rừng lớn.
KHẮC THÀNH (Theo Le Monde)
Lịch trình các sự kiện chính sẽ diễn ra tại Hội nghị Copenhagen
7-12: Khai mạc hội nghị, diễn đàn nhân dân chống biến đổi khí hậu.
8, 9 và 10-12: Các hội thảo trong đó nước chủ nhà Đan Mạch giới thiệu những thành tựu của họ như một quốc gia tiên phong trong việc phát triển công nghệ xanh và tiết kiệm năng lượng.
10-12: Hội nghị của các tổ chức năng lượng đa phương, từ mục tiêu đến hành động.
11-12: Hội nghị của Hội đồng kinh doanh quốc tế vì phát triển bền vững và hội thảo quốc tế về vai trò của giáo dục đối với chống biến đổi khí hậu.
12-12: Hội nghị của các doanh nhân hàng đầu thế giới với mục tiêu hướng nền kinh tế toàn cầu theo con đường phát triển bền vững.
13-12: Trao giải báo chí vì Trái đất.
14-12: Các hội thảo về chống biến đổi khí hậu ở vùng đô thị giới thiệu kiến trúc xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả và bảo vệ rừng cũng như thích nghi với biến đổi khí hậu trong tương lai.
15, 16, 17 và 18-12: Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu giữa các nhà lãnh đạo cấp cao, mỗi quốc gia sẽ đưa ra tuyên bố của riêng mình và những thỏa thuận đạt được sẽ được công bố vào ngày 18-12.
HẢI MINH tổng hợp
|
* Gấu Bắc cực bằng băng đá tan chảy
TTO - Tranh điêu khắc một con gấu Bắc cực từ một tảng băng 11 tấn được triển lãm từ ngày 5-12 tại Copenhagen, nhằm gây ý thức về Trái đất đang ấm dần lên tại Hội nghị khí hậu của LHQ.
|
Con gấu băng đá được trưng bày ở Copenhagen - Ảnh: Reuters |
Tác phẩm điêu khắc lớn như con gấu thật, cao 1,8m, có bộ xương bằng đồng bên trong khối nước đá. Ban tổ chức triển lãm con gấu này cho biết một hồ nước và một bộ xương con gấu Bắc cực sẽ là những gì còn lại tại Kongens Nytorv, trung tâm thủ đô Đan mạch, nhằm nhắc nhở các thách thức mà con người đang đối diện với khí hậu thế giới. Được biết, con gấu bằng nước đá này sẽ tan chảy hết trong 10 ngày.
Tác phẩm con gấu là sáng kiến của nghệ sĩ Anh Mark Coreth. Ông cũng đang làm một con gấu tương tự và trưng bày ở quảng trường Trafalgar, London (Anh) ngày 11-12.
Mark Coreth hi vọng nhiều người đến xem tác phẩm của ông, vì đây là một biểu tượng mạnh cho cách thức con người tác động đến khí hậu.
N.T.ĐA (Theo CBC)
(Tuoitreonline, 7/12/2009)