quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI NGHỊ COP 15

Kết quả yếu ớt của Hội nghị Copenhagen: Các nước nghèo thất vọng

Chủ Nhật, 20/12/2009 | 09:43:00 PM

TT - Sau 12 ngày cãi cọ đầy căng thẳng, rốt cuộc Hội nghị biến đổi khí hậu Copenhagen - chương cuối của hai năm đàm phán dai dẳng - đã kết thúc trong thất bại với chỉ một hiệp ước chung chung do năm nước vẽ ra.

 

Biểu tình tại Copenhagen chống lại hiệp ước. Các biểu ngữ ghi: “Nỗi nhục nhã khí hậu” - Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters cho biết ngày 19-12, Hội nghị Copenhagen tuyên bố ghi nhận hiệp ước Copenhagen do Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi thỏa thuận và soạn thảo. Do không được toàn bộ 193 quốc gia tham dự ủng hộ, hiện vẫn chưa rõ hiệp ước này có được tính là một hiệp ước chính thức của Liên Hiệp Quốc hay không.

Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi hiệp ước này là “một bước đột phá chưa từng có”, còn đại diện Trung Quốc nói “tất cả mọi người nên hạnh phúc” với nó. Tuy nhiên, với các nước nghèo và các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ hiện tượng Trái đất ấm dần lên, đây là nỗi thất vọng quá lớn bởi một hiệp ước không hề có các mục tiêu cắt giảm khí thải bắt buộc, trong khi chỉ “thừa nhận quan điểm khoa học rằng nhiệt độ Trái đất tăng nên được giữ ở mức dưới 2oC”. Nghĩa là 2oC cũng không phải là một mục tiêu chính thức.

Trước khi Hội nghị Copenhagen ra tuyên bố cuối cùng, nhiều quốc gia đã chỉ trích kịch liệt bản hiệp ước. “Tôi lấy làm tiếc phải thông báo rằng Tuvalu không thể chấp nhận biên bản này” - Reuters dẫn lời ông Ian Fry, đại diện đảo quốc ở Thái Bình Dương đang có nguy cơ chìm xuống biển do mực nước biển dâng cao. “Nó giống như thể chúng tôi được thí cho 30 đồng bạc để bán rẻ tương lai của nước mình” - ông Fry phát biểu trong tràng pháo tay nổ vang. Ý ông Fry muốn nhắc đến điều khoản cộng đồng quốc tế hỗ trợ 30 tỉ USD trong ba năm tới để các nước nghèo chống biến đổi khí hậu, và con số này sẽ tăng lên 100 tỉ USD vào năm 2020.

Thậm chí đại biểu Lumumba Stanislaus Di-Aping từ Sudan còn mô tả thỏa thuận trên là “vô trách nhiệm”, “vô đạo đức” và “ép châu Phi ký vào một văn bản tự tử tập thể”. Ông Di-Aping so sánh nó với cuộc diệt chủng Do Thái đối với người châu Phi bởi nó không thể ngăn chặn những trận lũ lụt, hạn hán, lở đất, bão cát, nước biển dâng cao mang tính thảm họa. “Lời hứa 100 tỉ USD sẽ không là khoản hối lộ để chúng tôi hủy diệt châu lục của mình”.

Các tổ chức môi trường nặng lời không kém. “Thành phố Copenhagen tối nay là một hiện trường tội ác, với những người phạm tội bỏ chạy ra sân bay - báo Guardian dẫn lời ông John Sauven, giám đốc Tổ chức Hòa bình xanh của Anh, phẫn nộ - Dường như trên thế giới này có quá ít chính trị gia đủ khả năng nhìn xa hơn tầm lợi ích hẹp hòi của họ, chứ chưa nói đến chuyện lo lắng cho số phận của hàng triệu người đang phải đối mặt với mối đe dọa từ biến đổi khí hậu”.

Chuyên gia Jeremy Hobbs, giám đốc Tổ chức Oxfam International, chỉ ra những lỗ hổng to tướng trong hiệp ước Copenhagen: “Nó thừa nhận nhu cầu giữ nhiệt độ không tăng quá 2oC nhưng lại không đưa ra cam kết nào để thực hiện. Nó trì hoãn các quyết định lớn về việc cắt giảm khí thải và lờ đi vấn đề làm thế nào để gây quỹ chống biến đổi khí hậu”.

Trước đó, các nhà lãnh đạo châu Âu dù dè dặt nhưng đã chấp nhận bản hiệp ước do Mỹ, Trung Quốc đề xuất. Liên minh châu Âu (EU), Nhật, đại diện Liên hiệp châu Phi và Liên minh các đảo quốc nhỏ đã kêu gọi đại biểu các nước thông qua thỏa thuận và coi nó như một kế hoạch tổng thể của Liên Hiệp Quốc nhằm chống biến đổi khí hậu.

Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed cảnh báo nếu hiệp ước Copenhagen không được thông qua, các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu có nguy cơ chết yểu giống như đàm phán tự do thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới. Bộ trưởng Môi trường Anh Ed Miliband cho biết nếu bế tắc, các nước nghèo sẽ không thể tiếp cận nguồn vốn để hành động chống biến đổi khí hậu.

HIẾU TRUNG

____________________

Các nhà lãnh đạo nói gì?

 

* Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon:

Cuối cùng chúng ta cũng đã đạt được một thỏa thuận. Hiệp ước Copenhagen có thể không phải là tất cả những gì mà mọi người mong đợi, nhưng quyết định này là một sự khởi đầu quan trọng.

* Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso:

Tôi sẽ không che giấu sự thất vọng của mình đối với tính không ràng buộc của thỏa thuận này. Xét về phương diện đó, thỏa thuận đã không đáp ứng kỳ vọng của chúng tôi.

* Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed:

Chỉ cần nhiệt độ Trái đất tăng thêm 1,5oC, Maldives cùng nhiều đảo nhỏ khác sẽ biến mất. Chính vì lý do này mà chúng tôi đã cố gắng hết sức trong hai ngày qua để đưa 1,5oC vào biên bản. Tôi thật sự lấy làm tiếc khi điều này đã bị các nước phát thải khí lớn trên thế giới ngăn cản.

* Đại sứ biến đổi khí hậu của Brazil Sergio Serra:

Phải nói là kết quả này rất đáng thất vọng, nhưng nó không phải là một sự thất bại nếu chúng ta đồng ý nhóm họp lần nữa và bàn bạc về những vấn đề còn bỏ ngỏ.

HẢI MINH (Theo BBC, Reuters)

Ông Phạm Khôi Nguyên (bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, phó trưởng đoàn Việt Nam tham dự COP15):

Tuy dự thảo này chỉ là những thỏa thuận chung song đây được xem là hành lang cơ bản thống nhất về mặt chính trị để mở ra các đàm phán tiếp theo. Tại COP15, Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội tiếp xúc song phương trong số gần 30 cuộc tiếp xúc và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ. Nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới và Chương trình giảm khí thải do phá rừng và suy thoái rừng, khẳng định dù kết quả của hội nghị như thế nào thì Việt Nam vẫn là ưu tiên số 1 để chọn hỗ trợ, đầu tư.

Sau COP15, Việt Nam cần triển khai ngay năm vấn đề trọng điểm, đó là nghiên cứu xây dựng nâng cao hiệu quả đê biển, đê vùng đồng bằng sông Cửu Long; bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn và rừng ngập mặn; triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống thiên tai, nhất là bão, lũ, triều cường; các giải pháp để giữ vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng; hiện đại hóa, đồng bộ hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn. 

XUÂN LONG - MINH HIỀN

(Tuoitreonline, 20/12/2009)

Lượt xem: 1546

Các tin khác

Bài 8 (5 Tet): Mở rộng hoạt động xã hội, chia sẻ khó khăn với nhân dân.

(12/02/2018 01:57:PM)

Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước – Mười năm một chặng đường

(11/06/2013 08:14:PM)

Một số hình ảnh lễ tổng kết 10 năm và trao giải lần thứ 10 Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước

(11/06/2013 06:38:AM)

Mười năm cùng cố gắng vì môi trường nước

(10/06/2013 10:48:AM)

Mời tham dự Lễ tổng kết 10 năm Cuộc thi và trao giải Cuộc thi Nước lần thứ 10

(04/06/2013 07:23:PM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (9)

(03/05/2013 04:10:AM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (8):

(30/04/2013 08:31:PM)

Một số thông tin về Cuộc thi nước những năm trước đây (7)

(30/04/2013 03:20:PM)

Một số thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây: (6) : 2008-2009

(28/04/2013 08:25:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE