Ông Phương - thành viên nhóm hạt nhân bảo vệ
Rạn Trào chuẩn bị ra khơi bảo vệ giữa lúc trời nổi dông
Đội bảo vệ Rạn Trào
Người tiên phong mở đường cho dự án của MCD là ông Cường, Bảy, Đạo, Phương rồi thành cả đội bảo vệ Rạn Trào. Tuy tuổi tác khác nhau nhưng đều xem việc bảo vệ như một nhiệm vụ sống còn. Ba tháng đầu tiên một mình giữ rạn san hô sót lại như tàn tích, chuyện "dở người” ấy ông Cường vẫn kiên trì canh giữ 24/24. Khó khăn nhất là xử lí các hiện tượng đánh bắt trộm, đôi khi cũng xẩy ra ẩu đả. Ông Đạo, thành viên của đội hạt nhân bảo vệ Rạn Trào cho hay "lúc mới ra canh giữ vùng này, chuyện ngư dân nghèo phản kháng chống lại như cơm bữa, họ chưa ý thức được việc làm của chúng tôi là vì cái gì bởi họ nghĩ biển là tài sản không của riêng ai”.
Tuy nhiên khi lập hẳn một đội hạt nhân và thông qua các cuộc họp của chính quyền, ban, ngành các cấp tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp thì hiện tượng khai thác san hô đã được chấm dứt. Xuân Tự không ai bảo ai tự giác lập nên hương ước, một thỏa thuận về việc gìn giữ, khôi phục Rạn Trào. Các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng trong vùng rạn bị cấm rất nghiêm ngặt. Không được mang đi cũng như để lại thứ gì tại vùng này nhất là xả rác. Mọi hoạt động đánh bắt, nuôi trồng phải cách vùng đệm ít nhất 200m. Nếu vi phạm sẽ bị phạt hành chính, phê bình trước toàn thể nhân dân trong xã, kiểm điểm trong dòng họ. Chưa có một đối tượng nào lọt khỏi tầm kiểm soát, kiểm tra của đội bảo vệ, các hành vi xâm hại đều bị phát hiện và xử lí kịp thời.
"Thiết quân luật” đã làm cho rạn san hô này hồi phục tự nhiên, nhưng nếu chỉ canh giữ mà không gieo lại mầm sống cho san hô thì cũng bằng không. San hô ngày càng được nhân rộng, sự sống đã hồi sinh trở lại với nhiều màu sắc và chủng loại đa dạng. Để có được sự hồi sinh diệu kỳ ấy, giữa mưa gió, nắng rát, những thành viên trong đội vẫn lặng lẽ làm công việc của mình trên chòi canh lẻ loi giữa biển khơi, ngày tết cũng như ngày thường.
Ông Đạo chỉ tay về Hòn Lớn và nói " đó là một bức tượng tự nhiên mang hình ông Phật nằm, chính nhờ vào những điều như vậy mà Xuân Tự giảm được cuồng phong, bão tố, nên mình luôn giữ một cái tâm, cái tâm vì sự bền vững cho mai sau”.
Trăn trở trăm bề
Rạn san hô đã hồi sinh, nhưng có lẽ "cánh rừng non nớt” này đang đứng trước nhiều thách thức để tồn tại. MCD là một tổ chức bảo vệ môi trường chỉ có thể cho một cái cây để người dân biết chăm sóc, thu hoạch. Trong khi đó câu chuyện mưu sinh của các thành viên trong đội bảo vệ thực sự là một bài toán khó. Với mỗi một thành viên bảo vệ, trợ cấp không quá 300 ngàn đồng/ 1 tháng cộng với chi phí dầu cho thuyền là 20 triệu đồng/ năm của cả đội. Dẫu biết chuyện hy sinh, cống hiến vì cộng đồng là điều cao cả nhưng cái cảnh "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” cũng khiến không ít anh em dần "thiếu lửa” nhiệt tình.
Anh Trần Ngọc Hòa, nhân viên của đội vào làm việc ở đây gần 1 năm là lớp người mới- gia đình anh hiện tại rất khó khăn, anh cho biết: "Từ khi vào đội bảo vệ tới nay mình rất ít thời gian để làm thêm việc khác, trợ cấp không đủ chu cấp cho kinh tế gia đình. Vợ mình phải đi cào các loại nghêu trên bãi khi nước rút, còn mình tranh thủ đi làm thợ hồ khi đổi ca, cuộc sống vợ chồng mỗi lúc một khó khăn”. Không riêng gì anh Hòa, anh Nguyễn Đình Hoanh cũng phải xin chuyển ca làm việc để làm nghề lặn kiếm sống. Mỗi ca luân phiên từ 5 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, thời gian và tính chất công việc không thể trễ nải, vì chỉ một chút chậm trễ "hải tặc” có thể tấn công vùng rạn.
Không chỉ là bài toán mưu sinh của anh em đội bảo vệ, nạn ô nhiễm từ các lồng bè nuôi tôm hùm vẫn là một thách thức lớn đối với sự tồn vong của "lá phổi” đại dương. Tại Rạn Trào có hàng trăm lồng tôm lớn nhỏ, chất thải từ thức ăn nuôi tôm, từ rác sinh hoạt và hàng trăm loại khác đang ngày đêm tấn công và thu hẹp khoảng cách với vùng đệm rạn san hô. Dù chính quyền các cấp đã tổ chức hội thảo và đưa ra nghị quyết thu phí bảo vệ môi trường, nhưng do địa bàn quá rộng, người dân không chỉ một vùng miền nên cũng … bó tay.
Không thể để bảo tồn thành... bảo tàng, càng không thể đưa công sức của cộng đồng bảo vệ cùng sự lao tâm, khổ tứ của MCD biến thành muối bể. Rạn Trào đang cần được nhìn nhận và đánh giá đúng sự yếu kém về mặt lãnh đạo, sự không đồng nhất về mặt bảo vệ và phát triển bền vững. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao, ngư dân chủ yếu đánh bắt gần bờ càng gia tăng áp lực với khu vực bảo vệ. Tới tháng 11 này, MCD chính thức hết hợp đồng tại vùng Rạn Trào lại thêm một bài toán mới cho sợi chỉ xanh mỏng manh này.
Người dân đã tạo nên một hương ước giữ biển và biến Rạn Trào hồi sinh diệu kì, đứng trước bãi san hô lung linh như kiệt tác của tạo hóa mà mong đừng là phế tích lần thứ hai như tâm nguyện của các thành viên trong đội bảo vệ " Rạn Trào mà mất là vịnh Vân Phong chẳng còn gì nữa”.
KIM HOÀNG