Từ một rặng san hô lớn và quy tụ nhiều loài động vật tạo thành một quần thể đa dạng, độc đáo trong lòng vịnh Vân Phong, rặng san hô là "lá phổi sống” bền vững, cũng như nguồn sống của ngư dân đã bị sát hại, Rạn Trào tan hoang, san hô biến mất, tất cả như một nỗi ám ảnh.
Chi chít lồng tôm trên vịnh Vân Phong
Đầu độc và sát hại
Dạo trên bờ biển thanh bình, đưa tầm mắt ra xa ngắm vịnh Vân Phong, những vết thẫm nâu, đỏ, nổi lên sau những đợt sóng đó là rặng san hô Rạn Trào. Chi chít những lồng nuôi tôm hùm cùng những con thuyền gối bến cảng nằm yên ả dưới hàng dừa trong xóm chài tĩnh lặng. Nhưng cách đây không lâu, tiếng sóng ấy giận dữ, thiên nhiên như muốn cuồng nộ bởi con người đối xử với cái vịnh hiền hòa này quá tàn khốc.
Với tổng diện tích 90ha, có 82 loài san hô, 69 loài cá rạn, 6 loài cỏ biển và 5 loài cây ngập mặn, từ năm 1976, khi Sư đoàn 333 về vùng này khai thác san hô làm phân bón cà phê Tây Nguyên, ngư dân cũng tìm mọi hình thức đánh bắt hiệu quả nhất. Cuộc "xâm lược” của con người vào rặng san hô này được bắt đầu từ nhu cầu mưu sinh, cùng việc không nhận thức được giá trị của tấm chắn tự nhiên. Cá to, cá nhỏ, cá mang trứng, mực sinh sản… bị dồn vào nguy cơ tuyệt diệt, những loại ẩn nấp vào hốc đá như cá chình, mú nếu không kéo ra được thì đã có "biện pháp xử lí” bằng một loại thuốc xịt có nguồn gốc từ Trung Quốc gây độc cho cá. Không dừng lại ở đó, mìn lại cho hiệu quả nhanh nhất với bán kính sát thương rộng, sức công phá mạnh, một quả với trọng lượng vài ba lạng là đủ cho một vùng xung quanh trắng xác cá. Sau những tiếng nổ đinh tai là hàng trăm con cá chết, nhiều thế hệ hải sản biến mất.
Anh Nam, một trong những ngư dân từng khai thác san hô nơi đây cho biết: Vào những năm 1990, khi thấy san hô bán về thị trường TP. Hồ Chí Minh được giá nên người dân khắp thôn ồ ạt khai thác. Từng chuyến xe chất đầy san hô được chuyển đi. San hô tập trung chủ yếu ở vùng nước nông nên lấy rất dễ. Loài nào có giá trị thẩm mĩ thì mình cứ thế mà bứng lên”. Với cách "đổi tài nguyên thiên nhiên lấy gạo” ấy như ngàn nhát dao chém vào Rạn Trào, vết thương cứ ngày càng lộ ra một cách đau đớn. Chưa hết tang thương cho san hô khi người nuôi tôm hùm lại nối nhau ra vịnh, san hô vô tội lại chịu cảnh bị bóc khỏi cuộc sống vì giá trị kinh tế của con người. Tại Rạn Trào, một thời rùa biển cũng chọn làm nơi sinh sản nhưng khi con người xâm hại, rùa cũng không dám bén mảng tới. Từ vài héc ta rồi cả chục héc ta, quần thể động vật của rặng san hô luôn trong tình trạng kêu cứu.
Nhân quả nhãn tiền
Vào thôn Xuân Tự 2 không khó bắt gặp hình ảnh những người bị thương tật như bị cụt tay, chân, nhưng đó không phải là thương binh mà là những người bị thương khi ném mìn đánh cá. Hoặc khi ghé vào một ngôi nhà nào đó, lại bắt gặp một vài di ảnh trên bàn thờ, trên nét mặt của người còn sống vẫn hằn lên sự mất mát chưa nguôi. Một giây mưu sinh nguy hiểm đã tước đoạt đi trên họ một phần cơ thể, tước đoạt đi chính mạng sống của mình, nỗi đau đó sẽ còn mãi trong lòng người thân.
Rạn Trào hấp hối, cá cũng không còn. Đánh liều với số phận, ngư dân vươn ra những vùng xa hơn đồng nghĩa với đó là phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Anh Tâm là một trong những ngư dân từng bị tàu nước ngoài bắt cho biết: "Không còn cá trong vịnh, mình đành phải đi làm thuê trên các chủ tàu có điều kiện đánh bắt xa bờ, đi cả tháng mới về nhà. Đến khi bị bắt mới hiểu và thấm thía cái giá phải trả khi tàn phá rặng san hô và đánh bắt không đi kèm với bảo tồn”.
Cái giá phải trả cứ thấy từng ngày, cuộc sống người dân lâm vào khốn khó. Bão bùng, dông tố vẫn phải ra khơi, "biết vậy mà phải đi, không đi lấy gì mà sống”, anh Hoanh tâm sự. Ngư dân ở thôn phải ra Quảng Ngãi, Quảng Nam làm thuê cho các đội tàu lớn, phần lớn làm nghề lặn nên sản phẩm vẫn là bạch tuộc, các loại cá sống ở rạn san hô, ốc… làm một tháng nuôi cả tháng sau nên cuộc sống của người dân vẫn tái nghèo. Những người không đủ sức khỏe, không có vốn đành phải đi làm thuê khắp nơi, làm đủ nghề mưu sinh trên mọi miền đất nước.
Tôm hùm nuôi cũng chết hàng loạt vì bệnh đen mang, hậu quả của ô nhiễm và khai thác quá mức nguồn lợi tự nhiên, nhiều hộ nuôi ngán ngẩm vì khoản lãi phải đóng cho ngân hàng hàng tháng, họ sẽ trắng tay. Xuân Tự như chìm vào cảnh bế tắc hoàn toàn về bài toán mưu sinh, Rạn Trào sắp thành "phế tích” vĩnh viễn. Thế rồi dự án của MCD được triển khai, tổ chức thuộc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng về Vạn Hưng khảo sát cùng sự thức tỉnh của ngư dân nơi đây đã biến phế tích Rạn Trào thành cánh rừng san hô trải dài, rực rỡ.
KIM HOÀNG
(Đại Đoàn Kết`)