quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Hợp tác quốc tế của các tổ chức khoa học, công nghệ, đào tạo và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) của Việt Nam trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu

Thứ Bảy, 27/08/2011 | 08:17:00 PM

Báo cáo của GS. Trương Quang Học, Trưởng Ban BĐKH của VACNE tại Hội thảo về phát triển nguồn nhân lực ứng phó với BĐKH tại các vùng ven biển ngày 26/8/2011

 
Trương Quang Học
Trưởng Ban BĐKH, VACNE
1.Bối cảnh Quốc tế và trong nước
1.1.      Bối cảnh quốc tế
a. Chiến lược phát triển bền vững và xu thế hội nhập trong khung cảnh biến đổi toàn cầu
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động với nhiều thay đổi so với giai đoạn trước đây, một thế giới mà theo ngôn ngữ phổ biến hiện nay là nóng, phẳng, chật và nghiêng. Khái niệm này do Thomas Friedman – một nhà báo Mỹ nổi tiếng đưa ra lần đầu tiên năm 2008 nhằm lý giải khó khăn lớn nhất của thế giới hiện nay là đang ngày càng nóng bức và chật chội hơn do sự nóng lên của Trái đất và dân số tăng quá nhanh. Thêm vào đó, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập thông qua các cuộc cách mạng siêu công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã san phẳng sân chơi kinh tế toàn cầu, cho phép rất nhiều người cùng cạnh tranh, kết nối và hợp tác với nhau, tạo nên hiệu ứng phẳng. Trong khung cảnh đó, trong một hai thập kỷ gần đây, đã xuất hiện những thách thức mới khá gay gắt trên toàn cầu. Đó là những cuộc khủng hoảng về kinh tế/ tài chính, khí hậu, năng lượng và lương thực, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và đòi hỏi phải có những cố gắng mới để ứng phó, để cứu lấy Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta (Trương Quang Học, 2011a).
Theo đó, chiến lược PTBV và xu hướng hội nhập phải có những thích ứng trong xu thế biến đổi toàn cầu với phương pháp tiếp cận chung là: “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương - Thinking globally, Acting locally” và  Hợp tác quốc tế đã trở thành một điều kiện quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia.
b.Giáo dục và Khoa học –Công nghệ là động lực chính cho sự phát triển và cạnh tranh.
Trong một thế giới đầy biến động như vậy, Giáo dục và Khoa học công nghệ được đặt ra như những động lực chính để phát triển xã hội. Một mặt, những thành tựu KHCN đang ảnh hưởng ngày càng sâu sắc và toàn diện tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là giáo dục, đào tạo. Mặt khác, đào tạo nguồn nhân lực chất lư­ợng cao (CLC) lại là chiến lược phát triển/ cạnh tranh của các n­­ước. Theo đó, phương châm của giáo dục là: “Học để biết, học để làm, học để sống và học để sống với nhau” (learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together), khác với quan niệm truyền thống trư­ớc đây: Học để làm (“Job-ready” graduate).
Nhân lực CLC của Thế kỷ XXI cần có ba tố chất: i) Năng lực t­­ư duy sáng tạo (creative thinking manpower) để phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, trong KHCN, trong tổ chức quản lý, trong cơ chế thị trường; ii) Năng lực hành động sáng nghiệp (entrepreneurial manpower) (tạo lập việc làm, doanh nghiệp cho mình và cho người khác trong môi trường cạnh tranh quyết liệt hiện nay), và iii) Năng lực tự học và nghiên cứu khoa học – để học suốt đời.
 Vì vậy, ph­­ương châm đổi mới giáo dục đại học (GDĐH) hiện nay là: “kết hợp học tập với giải quyết các vấn đề thực tiễn thông qua nghiên cứu/ triển khai/ chuyển giao công nghệ / phục vụ xã hội…để tạo nên nguồn nhân lực mới chất lư­ợng cao”. Nói một cách khái quát KH-CN và GD-ĐT là hai mặt của một vấn đề quyết định chất lượng của nguồn nhân lực.
1.2. Bối cảnh trong nước
1.2.1. Bối cảnh chung
Sau hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh với vị thế và diện mạo mới. Kinh tế Việt Nam liên tục phát triển; an ninh, quốc phòng được giữ vững.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn là nền kinh tế có mức thu nhập thấp. Các chỉ số về kết cấu hạ tầng, phát triển con người vẫn ở thứ hạng dưới so với nhiều nước trên thế giới. Năng suất lao động còn thấp, sản xuất chủ yếu vẫn dựa trên những công nghệ lạc hậu, sản phẩm ở dạng thô, chi phí cao, giá trị gia tăng thấp. Cơ cấu kinh tế có chuyển dịch nhưng còn chậm: tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp trong GDP còn thấp, tỷ trọng nông nghiệp tuy có giảm nhưng vẫn ở mức khá cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hoạt động kinh tế đối ngoại còn hạn chế, thiếu lộ trình chủ động hội nhập quốc tế. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ. Hiệu lực quản lý nhà nước đối với nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội còn thấp. Chúng ta vừa thoát khỏi danh sách các nước nghèo, nhưng thu nhập còn rất thấp, lại bị tác động nặng nề của BĐKH.
1.2.2. Phát triển KHCN và GD-ĐT trong khung cảnh biến đổi toàn cầu
Để giải quyết các thách thức kể trên, Đảng và Nhà n­ước luôn quan tâm tới phát triển giáo dục và khoa học công nghệ (KHCN) coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu t­ư cho giáo dục là đầu tư­ phát triển” và KHCN “là nền tảng và động lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất n­ước (CNH, HĐH)”.
Nhận thức rõ tác động của BĐKH, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (UNFCCC) (1992), Nghị định thư Kyoto (KP) (1998). Bộ TN&MT được chỉ định là Cơ quan đầu mối của Chính phủ Việt Nam tham gia và thực hiện UNFCCC, KP. Chính phủ đã ban hành các Chỉ thị, Quyết định, Nghị quyết giao Bộ TN&MT và các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện các cam kết này.  
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia nhiều hoạt động của khu vực và toàn cầu về BĐKH. Việt Nam đã tham gia tất cả các Hội nghị của các Bên nước (từ COP 1 đến COP 16) về BĐKH và có quan hệ hợp tác thường xuyên với Ban Thư ký UNFCCC, Ban Chấp hành Quốc tế về Cơ chế phát triển sạch (CDM, KP), Ban Liên Chính phủ về BĐKH, với các nước và các tổ chức quốc tế về các vấn đề có liên quan. Việt Nam cũng đã triển khai một số chương trình nghiên cứu, dự án về BĐKH, CDM có kết quả (Bộ TN&MT, 2003, 2004, 2007; 2008; UNDP, 2009; UNDP and others, 2010).
Trong hai năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, tất cả các bộ, ban, ngành và các địa phương đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện CTMT với quyết tâm “Sống hay chết”( Alive or Dead) (Bộ TN&MT, 2008, 2009). Đây là những cơ sở pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho Hợp tác quốc tế về BĐKH, trước hết về KH-CN và GD-ĐT.
2. Vùng ven biển – khu vực nóng, nhạy cảm và chịu tác động nặng nền nhất của BĐKH
Dải ven biển (DVB) Việt Nam chạy dài suốt 15 vĩ độ từ bắc xuống nam với hơn 3.260 km bờ biển, có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng về nhiều mặt: phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng. DVB vừa là vùng có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng đồng thời cũng là vùng có nhiều biến động, thách thức và chịu những tác động mạnh nhất của tự nhiên và họat động của con người, nhất là trong khung cảnh BĐKH hiện nay. 
3. Vai trò của KH-CN và đào tạo nguồn nhân lực trong cuộc chiến chống BĐKH
3.1. Ứng phó với BĐKH đòi hỏi một hệ thống các kiến thức KH-CN liên ngành cao
“Cuộc khủng hoảng khí hậu là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà nền văn minh nhân loại từng đối mặt từ trước đến nay” và là “ thách thức lớn nhất của toàn nhân loại trong Thế kỷ 21” vì nó tác động tới tất cả mọi lĩnh vực, mọi vùng miền trên phạm vi toàn cầu.

 
 
Hình 1. Tính liên ngành cao của các kiến thức trong
nghiên cứu và ứng phó với BĐKH (Sumi, 2011)

 
Hình 2. Rất nhiều câu hỏi liên quan tới các hợp phần khác nhau của BĐKH (đặc biệt là Tác động Thích ứng, Giảm nhẹ (phần màu nhạt và để trắng của Phase 4, 5, 6)còn chưa được hiểu biết đầy đủ (Sumi, 2011)
 
Để có thể ứng phó hiệu quả với BĐKH cộng đồng quốc tế cần có sự đồng thuận và quyết tâm cao về mặt chính trị, chính sách, tổ chức và đặc biệt là đầu tư về mặt tài chính và khoa học công nghệ. Trong một chuỗi liên hoàn từ khâu xác định cơ chế, đến xây dựng kịch bản, đến đánh giá tác động, rủi ro, đến xây dựng năng lực và triển khai các hoạt động ứng phó đều đòi hỏi phải có một cơ sở khoa học chắc chắn trong khi hiện nay, rất nhiều câu hỏi còn chưa được trả lời (Hình 1, 2) (Sumi et al., 2011).
3.2. Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC) và Nghị đinh thư Kyoto(KP) – cơ sở pháp lý quốc tế hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện phát triển bền vững và các nước phát triển thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính định lượng nhằm góp phần đạt được mục tiêu chung của UNFCCC. Trong Công ước đã quy định, các Bên nước phát triển và các Bên phát triển khác (nằm trong Phụ lục II) ngoài nghĩa vụ giảm phát thải khi nhà kính định lượng có kiểm soát còn phải có trách nhiệm hỗ trợ các nước đang phát triển về mặt tài chính và công nghệ để các nước này tham gia thực hiện Công ước và phát triển bền vững của mình (Nguyễn Đức Ngữ 2008; VACNE, 2008).
   - Ngòai quy định này, trong quá trình triển khai thực hiện UNFCCC và KP còn có rất nhiều các cơ hội hợp tác đa phương, song phương trong nghiên cứu KH-CN, trong trao đổi thông tin, trong chuyển giao công nghệ và giáo dục đào tạo (WB, 2010)
3.2.1. Vấn đề phát triển và chuyển giao công nghệ
Trong quá trình ứng phó BĐKH, chuyển giao công nghệ được hiểu là những quá trình phát triển và chia sẽ những công nghệ nhằm giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ cho việc thích ứng với BĐKH giữa các quốc gia. Theo đó, bên cạnh nguồn tài chính, các nước đang phát triển còn cần những công nghệ mới để giảm nhẹ BĐKH – giảm phát thải, ví dụ như sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, công nghệ mới để thích ứng như các công nghệ để phòng chống bão lụt, những dòng cây trồng chịu hạn…(IPCC, 2007).
Vì chuyển giao công nghệ là phương tiện thúc đẩy giảm nhẹ phát thải nên được coi là điểm mấu chốt để đạt được một thỏa thuận quốc tế về vấn đề nóng bỏng này.
Phát triển và chuyển giao công nghệ bao gồm những nôi dung sau:
- Nhu cầu chuyên giao công nghệ và đánh giá nhu cầu chuyển giao công nghệ;
- Thông tin về công nghệ;
- Môi trường cho phép để chuyển giao công nghệ hiệu quả;
- Xây dựng năng lực để chuyển giao công nghệ;
- Những cơ chế cho chuyển giao công nghệ.
So với các nội dung khác, phát triển và chuyển giao công nghệ để ứng phó với BĐKH là một nội dung dễ đạt được sự đồng thuận hơn tại các Hội nghị, ssặc biệt là tại các COP.
Tại COP 16 (ở Cancun) vừa qua, đại biểu của các nước phát triển đã đồng ý thiết lập một cơ chế chuyển giao công nghệ để giúp nước đang phát triển tiếp cận được công nghệ sạch, công nghệ giao thông giảm thải khí CO2 cũng như công nghệ tái tạo năng lượng, công nghệ thích ứng... trong đó Việt Nam sẽ được “chia sẻ” một cách công bằng về tài chính cũng như công nghệ.
Để đẩy mạnh các hoạt động phát triển và chuyển giao công nghệ, Hội nghị đã quyết định thành lập một Cơ chế công nghệ (Technology mechanism) để thúc đẩy việc phát triển và chuyển giao công nghệ cho các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ BĐKH do các quốc gia điều hành theo hoàn cảnh và ưu tiên của mỗi quốc gia. Cơ chế công nghệ bao gồm một Ủy ban điều hành công nghệ (Technology Executive Committee - TEC), một Trung tâm và Mạng lưới công nghệ khí hậu (Climate Technology Centre and Network - CTCN). CTCN và TEC sẽ là các tổ chức chính cung cấp tư vấn về các vấn đề công nghệ cho Hội nghị các bên, và CTCN sẽ là “cánh tay” vận hành của cơ chế. TEC gồm 20 thành viên có nhiệm vụ tiếp tục thực hiện khung chuyển giao công nghệ (technology transfer framework) của Công ước. Trung tâm chuyển giao công nghệ sẽ tạo ra một mạng lưới, tổ chức, sáng kiến công nghệ toàn cầu, khu vực, ngành và quốc gia.
Các điều khoản chi tiết của cơ chế, và một số vấn đề có liên quan khác sẽ còn được tiếp tục thỏa thuận trong thời gian tới, bao gồm:
- Các cơ chế tài chính để xây dựng năng lực, hợp tác nghiên cứu và xác định các công nghệ ưu tiên để chuyển giao.
- Các khía cạnh phi tài chính trong chuyển giao công nghệ như năng lực nghiên cứu, cấu trúc quản trị hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả chuyển giao;
- Sự phối hợp khi có các nguồn chuyển giao công nghệ khác ngoài khuôn khổ của Công ước khung về biến đổi khí hậu (UNFCCC);
- Đảm bảo sự quan tâm cân đối giữa chuyển giao công nghệ thích ứng và công nghệ giảm nhẹ…
Tuy nhiên Hội nghị cũng đã nhấn mạnh rằng:
- Trong ứng phó với BĐKH, các nguồn lực từ bên ngoài cũng chỉ có tính chất hỗ trợ, còn nội lực của mỗi quốc gia mới là điều chủ yếu và quyết định;
- Đối với các nước đang phát triển, bên cạnh những hoạt động thích ứng để hạn chế tổn thất dưới tác động của BĐKH, cũng cần chú ý một cách thỏa đáng tới các hoạt động giảm nhẹ BĐKH (giảm phát thải) để hướng tới một xã hội cacbon thấp – chiến lược phát triển lâu dài chung của toàn thế giới hiện nay. Muốn thế cần phải có sự nhận thức đúng đắn là những việc làm này chính là vì sự phát triển bền vững cho chính đất nước mình hiện nay và lâu dài về sau (Trương Quang Học, 2011b).
3.2.2. Hợp tác quốc tế về BĐKH của Việt Nam
Được cho là một trong số rất ít nước chịu tác động nặng nền nhất của BĐKH, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế . Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, chúng ta hiện đang có 21 chương trình, dự án tài trợ đa phương và song phương của các quốc gia (Đan Mạch, Pháp, Nhật Bản, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada…), các tổ chức quốc tế (WB, ADB, UNDP, các Quỹ liên quan đến BĐKH - Qũy Đầu tư BĐKH,CIFl;Qũy Công nghệ sạch, CTF; Qũy Thích ứng với BĐKH, AF; Quỹ Khí hậu xanh Copenhagen, CGCF;Quỹ Đối tác vì một Trái đất mát lành…) giúp đỡ Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, với tổng số kinh phí khoảng 1,28 tỷ USD. Trong 5 năm tới sẽ tiếp tục huy động thêm khoảng 5 tỷ USD nữa (Tamnhin.net, 2011).
3.2.3. Một vài ví dụ về HTQT của các trường ĐH, các Viện nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ
Trong thời gian qua, trong số hơn 300 trường ĐH và CĐ, hành trăm cơ sở nghiên cứu KH-CN và khoảng 4000 NGOs, một số đơn vị đã có quan hệ HTQT tốt trong BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ đã có nhiều chương trình hợp tác với Hoa Kỳ để xây dựng Viện Nghiên cứu BĐKH, với Australia để nghiên cứu các giống lúa chịu mặn…; Đại học Quốc gia Hà Nội đã có mã ngành đào tạo Thác si về BĐKH và đang xây dựng mã ngành Khoa học bền vững và các chương trình hợp tác quốc tế trong NCKH; Trường Đại học Quảng Nam có hợp tác trong lồng ghép các yếu tổ BĐKH vào các chương trình đào tạo; Viện Nghiên cứu Khí tượng, Thủy văn và Môi trường (Bộ TN&MT) viện đầu ngành trong nghiên cứu BĐKH đã có tới trên 20 đề tài HTQT có hiệu quả; Viện Chiến lược và Chính sách KHCN, Bộ KH&CN) đã triển khai tốt Chương trình quốc tế về “các Thành phố châu Á thích ứng với BĐKH” do Quỹ Rockerfeller tài trợ có hiện quả tại 3 thành phồ: Cần Thơ, Quy Nhơn và Đà Nẵng
Nhiều tổ chức NGO, ví dụ, SRD, MCD đã có những hợp tác quốc tế hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng những mô hình cộng đồng ứng phó với BĐKH tại nhiều địa phương, v,v.
3.2.4. Chương trình KH-CN quốc gia về KH-CN
Trong 9 nhiệm vụ của Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH (CTMT) được Chính phủ phê duyệt 12/2008 đã có ba nhiệm vụ riêng về nguồn nhân lực (Nhiệm vụ 5: Nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực), KH-CN (Nhiệm vụ 3: Xây dựng Chương trình KH-CN về BĐKH) và HTQT (Nhiệm vụ 6: Tăng cường HTQT).
Hiện nay, chúng ta đã xây dựng Kế hoạch KH-CN về BĐKH với các nội dung chính như sau:
a. Tiếp thu, làm chủ, ứng dụng các phương pháp, công nghệ mới, hiện đại trong việc xác định nguyên nhân, làm rõ cơ chế, qui luật hình thành và dự báo khả năng tác động của BĐKH ở nước ta: nhiệt độ trung bình tăng, mực nước biển dâng, các thiên tai và hiện tượng cực đoan của khí hậu, thời tiết (lũ lụt, hạn hán, năng nóng, rét hại…) gia tăng.
b. Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực (các hệ sinh thái tự nhiên, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, sức khỏe…)
c. Xây dựng luận cứ khoa học cho các họat động thích ứng và giảm nhẹ các tác động của BĐKH trong các lĩnh vực. vùng miền; Xây dựng các mô hình ứng phó và giảm nhẹ BĐKH.
d. Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, tạo ra được sản phẩm, công nghệ thích hợp trong điều kiện nước ta để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, sử dụng các nguồn năng lượng ít phát thải, thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH. khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
c. Ứng dụng và phát triển các kỹ thuật và công nghệ hiện đại (viễn thám, GIS, Công nghệ tin học, các mô hình toán…) trong các nghiên cứu tổng hợp/ tích hợp các yếu tố BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển, phục vụ phát triển bền vững.
Chương trình KH-CN BĐKH không những tạo điều kiện cho công tác NCKH phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện CTMT mà còn là góp phần tạo tiền đề và là nguồn đối ứng cho các dự án HTQT.
4.3. Chúng ta phải làm gì để triển khai hợp tác quốc tế có hiệu quả
      - Biến đổi khí hậu là vấn đề mới, những kiến thức liên ngành và phức tạp về nhiều vấn đề có liên quan như: cơ chế, xây dựng kịch bản, đánh giá tác động, đánh giá năng lực tới các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH đều là những vấn đề mới, nhất là đối với các nước đang phát triển. Lực lượng khoa học và quản lý của chúng ta am tường những vấn đề này còn rất mỏng. Vì lẽ đó, hợp tác quốc tế có định hướng và hiệu quả là một công tác rất quan trọng trong ứng phó với BĐKH và triển khai chiến lược PTBV không chi của riêng quốc gia mà còn của khu vực và của cả hành tinh.
- HTQT vừa là một yêu cầu khách quan, vừa là một cơ hội để ứng phó với BĐKH và PTBV.
- Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang có rất nhiều cơ hội để tranh thủ sự hợp tác quốc tế. Để làm tốt công tác này, các tổ chức KH-CN, GD-ĐT và NGOs, một mặt. cần phải hiểu rõ các công ước quốc tế có liên quan, những chính sách, những ưu tiên của các tổ chức quốc tế, của các nước phát triển, của các loại quỹ ứng phó với BĐKH và quy trình để có được các hỗ trợ quốc tế này. Mặt khác lại phải hiểu rõ những định hướng, những chủ trương chính sách của chúng ta hiện nay để xây dựng các chương trình hợp tác một cách thiết thực.
- Cần có chiến lược và kế hoạch trong hợp tác quốc tế về KH-CN; Cần kết hợp hài hòa giũa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài.
- Nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn khu vực và quốc tế để có thể chủ động chuyển giao các tiến bộ KHCN và triển khai các chương trình/Đề tài HTQT một cách hiệu quả.
- Các tổ chức giáo dục (các trường ĐH, CĐ …) cần tranh thủ các hợp tác quốc tế để nhanh chóng đổi mới chương trình đào tạo theo hướng lồng ghép các nội dung về PTBV, về ứng phó với BĐKH vào các chương trình và các môn học có liên quan, và mở các mã ngành mới về BĐKH hoặc BĐKH và PTBV để chủ động đào tạo nguồn nhân lực các loại cho thực tế phát triển của từng địa phương, từng bộ ngành và cả quốc gia nói chung.
- Tăng cường hợp tác trong nước, nhất là giữa các cơ sở NCKH, GD-ĐT và các Tổ chức phi chính phủ để nâng cao năng lực và hiệu quả HTQT.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008. Chương trình Mục tiêu Quốc gia Ứng phó với Biến đổi khí hậu.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2009. Kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam.
5. Bộ TN&MT và Chương trình SEMLA (Nguyễn Đức Ngữ và Trương Quang Học biên soạn), 2009. Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường vùng ven biển. Hà Nội, 115tr.
6. Hội Bảo tồn Thiên nhiên và Môi trường (Trương Quang Học và Nguyễn Đức Ngữ), 2008. Biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng của Việt Nam. Hà Nội, 26-29/2/2008.
7. IPCC, 2007. “Báo cáo đánh giá lần thứ tư của UBLCPVBĐKH: Nhóm I: “Khoa học vật lý về biến đổi khí hậu”, Nhóm II: “Tác động, thích ứng và khả năng bị tổn thương”, Nhóm III: “Giảm nhẹ biến đổi khí hậu”.
8. Nguyễn Đức Ngữ (chủ biên), 2008. Biến đổi khí hậu. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 412tr.
10.      Sumi, A; Mimura, N; Masui, T., 2011. Climate change and Global Sustainability: A Hoclistic Approach. UN University Press. Tokyo-New York-Paris, 316pp
11.      Truong Quang Hoc and Tran Hong Thai, 2008. Climate Change and Sustainable Development in Vietnam: Climate Change Inpacts on Nature and Society Life. Proceedings, The 2nd Vietnam-Japan Symposium on Climate Change and the Sustainability, 11.2008. Vietnam. National University Press. Ha Noi: 19-26.
12. Trương Quang Học, 2011a. Biến đổi toàn cầu – cơ hội và thách thức trong nghiên cứu khoa học và đào tạo. Trong Sách “Trung tâm, Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường - 25 năm Xây dựng và Phát triển
13. Trương Quang Học, 2011b. Báo cáo kết quả tham dự COP 16, 12/2010 tại Cancun, Mexico. VACNE Website.
14. Trương Quang Học (chủ biên), 2011c. Tài liệu đào tạo tập huấn viên về Biến đổi khí hậu. NXB Khoa   học và Kỹ thuật, Hà Nội, 282 tr.
15.      World Bank, 2010, Development and Climate Change. The World Bank, 417 pp.
 
 
 
 

Lượt xem: 1804

Các tin khác

Dài ngắn

(27/01/2025 08:17:AM)

Thêm 15 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam

(13/01/2025 02:36:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 12/2024

(09/01/2025 09:45:AM)

Phóng sự ảnh về tổng kết chương trình vì môi trường xanh quốc gia năm 2024

(06/01/2025 09:28:AM)

Đề xuất các giải pháp ứng phó với đảo nhiệt đô thị để bảo vệ sức khỏe thị dân và thích ứng với BĐKH

(02/01/2025 11:27:AM)

Tổng kết chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2024”

(30/12/2024 02:14:PM)

Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long

(23/12/2024 12:23:AM)

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(16/12/2024 12:32:PM)

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới – kinh nghiệm từ vacne

(13/12/2024 02:58:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE