TTO - Hội nghị khí hậu ở Copenhagen lại gặp trở ngại mới trong ngày họp hôm qua khi các nước đang phát triển, các nhóm vì môi trường và các nhà hoạt động cứu trợ lên tiếng chỉ trích dự thảo tuyên bố do nước chủ nhà Đan Mạch đề xuất.
|
Một người đạp xe đang nhìn một tác phẩm nghệ thuật triển lãm về thay đổi khí hậu tại khu Kongens Nytorv của Copenhagen - Ảnh: LA Times. |
Bản dự thảo lộ ra - đề ngày 27-11 - bị chỉ trích vì đã ưu ái quá nhiều với các nước giàu đối với các vấn đề như hạn mức giảm khí thải và ngân sách chống thay đổi khí hậu.
Đại biểu Lumumba Stanislas Dia Ping của Sudan, người đứng đầu nhóm G77 của các nước đang phát triển, phê phán dự thảo là “vi phạm nghiêm trọng đe dọa tới quá trình đàm phán của Copenhagen.”
Tuy vậy, ông cho biết các nước nghèo sẽ không tẩy chay cuộc đàm phán.
“Các thành viên G77 sẽ không rời khỏi cuộc đàm phán vào sát giờ thế này vì chúng ta không thể chấp nhận một thất bại ở Copenhagen” - ông nói.
“Tuy vậy, chúng tôi sẽ không kí một thỏa thuận không công bằng. Không thể chấp nhận thỏa thuận mà sẽ đẩy 80% dân số thế giới phải chịu đựng khổ sở hơn cùng những bất công”
Antonio Hill của tổ chức Oxfam International nói dự thảo dường như phớt lờ lợi ích của những người nghèo nhất. “Giống như kiến trong căn phòng đầy voi, các nước nghèo đang có nguy cơ bị hất ra khỏi vòng đàm phán khí hậu ở Copenhagen.” \
Người đứng đầu cơ quan về khí hậu của LHQ Yvo de Boer và chủ tịch hội nghị Connie Hedegaard của Đan Mạch đều cố trấn an các nước, nói dự thảo là chưa chính thức.
Hội nghị Copenhagen diễn ra trong khuôn khổ của Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCC). Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, hội nghị kết thúc vào ngày 18-12 với sự tham dự của hơn 110 nguyên thủ quốc gia sẽ đưa ra một bản thỏa thuận khung với cam kết cắt giảm khí thải của các nước lớn.
Cùng với đó sẽ là các nguyên tắc về hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo để xây dựng công nghệ và khả năng đối phó với thay đổi khí hậu.
Các nước sẽ tiếp tục đàm phán trong năm tới để hoàn tất bản dự thảo nghị định thư mới dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2013 để thay thế nghị định thư Kyoto hiện tại.
THANH TUẤN (theo CNA)
(Tuoitreonline, 9/12/2009)